Gia Lai: Phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý, bảo vệ rừng năm 2018

UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành công văn số 342/UBND-NL về việc giám sát việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2018.

Theo đó, căn cứ những thiếu sót trong công tác giám sát, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai tiếp tục theo dõi, đôn đốc các cơ quan đơn vị chủ rừng, UBND cấp xã có liên quan khắc phục các sai sót trong việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2018. Đồng thời, thường xuyên theo dõi kết quả kiểm tra việc sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng của UBND xã Ia Tul, huyện Ia Pa  để có biện pháp xử lý kịp thời.

Chú thích ảnh
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Nguồn ảnh: Báo Gia Lai

Báo cáo về kết quả tình hình giám sát việc quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, quản lý bảo vệ rừng năm 2018 tại 45 đơn vị (gồm 21 chủ rừng là tổ chức, 24 UBND xã) cho thấy, có 10 đơn vị chi thiếu tiền bảo vệ rừng của dân với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng, gồm năm Ban quản lý rừng phòng hộ (Ia Ly, xã Nam, Chư Sê, Đăk Đoa, vườn Quốc gia Kon Ka Kinh) và năm UBND xã (Hà Tây, Ia Mlá,  Krông Năng, Ia Rbol, Ia Sao). Theo kết quả thanh tra, nguyên nhân việc chi thiếu tiền cho dân là do các đơn vị này chi trả theo đơn giá hai bên thỏa thuận từ đầu năm, chưa chia bổ sung đơn giá tăng thêm số lượng thực thu mà Quỹ tỉnh trả cho đơn vị.

Báo cáo cũng chỉ ra các đơn vị đã chi thừa 1,6 triệu đồng tiền khoán bảo vệ rừng cho người dân vì diện tích khoán bị giảm nhưng vẫn thanh toán cho dân, khi thanh tra mới phát hiện sai sót; chi sai đối tượng trong hoạt động truy quét lâm tặc, phòng cháy chữa cháy tại hai Ban quản lý Rừng phòng hộ xã Nam và Đak Đoa với số tiền hơn 50 triệu đồng.

Ngoài ra, các ban quản lý rừng, chủ rừng để mất gần 11 ha rừng thuộc quyền quản lý của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng. Đến nay, có ba ban quản lý đã trồng lại và một ban quản lý giải trình diện tích gần một ha rừng bị phá đã bàn giao cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh để xây dựng trường bắn.

Ban quản lý Rừng phòng hộ Ayunpa và tám xã (Đăk Kơ Ning, Chư Đăng Ya, Đê Ar, Chư Grăng, Ia Rmok, Ia Mlá, Đất Bằng, Ia Rsươm) chưa khắc phục việc thu hồi đất và trồng lại rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Riêng xã Ia Tul, huyện Ia Pa, qua giám sát quá trình quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng thời điểm 2016-2017, phát hiện nhiều tồn tại, sai sót dễ dẫn đến sai phạm. Theo đó, UBND xã Ia Tul mở ba tài khoản tiền gửi tại Kho bạc huyện, tiền gửi tại Ngân hàng Nông nghiệp huyện và tài khoản cá nhân của thủ quỹ xã để thực hiện các giao dịch tiền dịch vụ môi trường rừng.

Quá trình giao dịch thu chi 3 tài khoản này lòng vòng, chứng từ, hồ sơ không đầy đủ, ghi chép không rõ ràng, minh bạch. UBND xã chi trả thiếu tiền của dân nhận bảo vệ rừng hai năm (2016, 2017) từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng và ba năm (2016-2018) từ nguồn hỗ trợ của ngân sách Nhà nước theo Nghị định số 75/NĐ-CP gần năm tỷ đồng.

Việc này Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai đã có văn bản kiến nghị UBND huyện Ia Pa kiểm tra cụ thể, toàn diện tình hình quản lý, sử dụng tiền tại đơn vị này. Đến nay, đơn vị này vẫn chưa có báo cáo khắc phục.

Trao đổi với Phóng viên TTXVN về việc để xảy ra việc thiếu sót trong giám sát việc chi trả thừa, thiếu tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân trên địa bàn, ông Võ Văn Hạnh, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai, cho biết: Hiện tỉnh Gia Lai có 495.000/720.000 ha rừng thực hiện cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

Trong đó, có 39 chủ rừng là tổ chức nhà nước (11 doanh nghiệp, 21 ban quản lý và 7 chủ rừng là cộng đồng dân cư) và 89 UBND cấp xã được chi trả tiền cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Năm 2018, tỉnh Gia Lai đã chi khoảng 128 tỷ đồng phí dịch vụ bảo vệ môi trường rừng. Tuy nhiên, đơn vị chỉ là khâu trung gian trong việc chi trả số tiền này đến người dân.

Cũng theo ông Hạnh, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chỉ chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn theo diện tích mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp sau khi đã nghiệm thu tại cơ sở. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị chủ quản, quản lý các chủ rừng. Việc diện tích mà Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chi trả cho các đơn vị chủ rừng có sai sót thì đơn vị chủ quản phải chịu trách nhiệm.

Năm 2018, qua thanh tra, tỉnh Gia Lai phát hiện sáu ban quản lý rừng phòng hộ để mất hơn 5.000 ha rừng và gây thất thoát hàng chục tỷ đồng tiền ngân sách. Hồ sơ sai phạm của một số ban quản lý rừng đã được chuyển sang cơ quan điều tra công an tỉnh để điều tra, xử lý.

Hồng Điệp (TTXVN)
Nợ tiền dịch vụ môi trường rừng, Kon Tum 'cầu cứu' Bộ Công Thương
Nợ tiền dịch vụ môi trường rừng, Kon Tum 'cầu cứu' Bộ Công Thương

Liên quan đến tình trạng 8 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Kon Tum nợ tiền dịch vụ môi trường rừng từ năm 2011 với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng, tỉnh Kon Tum đã có công văn số 1896/UBND-NNTN “cầu cứu” Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị có liên quan giải quyết dứt điểm việc nợ tiền dịch vụ môi trường rừng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN