Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào kinh tế rừng và cây dược liệu tại Tây Bắc

Ngày 23/11, tại thành phố Sơn La, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức Hội thảo "Xúc tiến đầu tư nhằm thu hút doanh nghiệp phát triển kinh tế rừng và chuỗi giá trị cây dược liệu tại khu vực Tây Bắc".

Các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung thảo luận về cơ chế, chính sách nhằm thu hút, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển kinh tế rừng và cây dược liệu tại khu vực Tây Bắc. 

Theo ông Đặng Vũ Trân, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các tỉnh Tây Bắc mặc dù có nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có, thổ nhưỡng phong phú, đây là những điều kiện để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và dịch vụ cũng như hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các cây dược liệu đặc trưng... Tuy nhiên, các tỉnh Tây Bắc chưa có nhiều bứt phá trong phát triển về kinh tế - xã hội, đặc biệt là kinh tế rừng và cây dược liệu. 

Cũng theo ông Đặng Vũ Trân, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên bởi các tỉnh vùng Tây Bắc khó khăn về hạ tầng, địa hình hiểm trở, dân cư thưa thớt. Do đó, việc xúc tiến đầu tư vào các tỉnh vùng Tây Bắc nói chung và nông nghiệp, nông thôn nói riêng; trong đó, có kinh tế rừng và chuỗi giá trị cây dược liệu cần được đẩy mạnh về cơ chế, chính sách đầu tư để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.  

Chia sẻ về tiềm năng phát triển lâm nghiệp và dược liệu của địa phương, ông Trần Dũng Tiến - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho hay, Sơn La là tỉnh miền núi Tây Bắc có khí hậu nhiệt đới, mùa đông lạnh khô, mùa hè nóng ấm, mưa nhiều. Đây là điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các loại cây lâm nghiệp, dược liệu tập trung, quy mô lớn và đa dạng hóa các sản phẩm nông sản, lâm sản mang tính đặc trưng của địa phương. 

Ông Trần Dũng Tiến thông tin, tỉnh Sơn La đã ban hành các chính sách nhằm thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn như: chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2018 - 2021; chính sách hỗ trợ tiếp nhận quản lý khai thác và cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La...

Một số ý kiến khác cho rằng, do chưa chủ động được về nguồn nguyên liệu nên sản xuất cũng như công nghệ chế biến nên Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào dược phẩm nước ngoài, sản xuất chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Do đó, trong thời gian tới, rất mong các địa phương có chính sách thu hút doanh nghiệp để đầu tư vào phát triển nông nghiệp nói chung, chuỗi giá trị cây dược liệu tại khu vực Tây Bắc nói riêng. 

Tại hội thảo, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã giới thiệu những nội dung cơ bản và những điểm mới về chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ; thông tin khái quát về cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2015 – 2018.

Nguyễn Cường (TTXVN)
Nhân rộng mô hình tốt phát triển kinh tế rừng
Nhân rộng mô hình tốt phát triển kinh tế rừng

Tại tỉnh Sơn La hiện có hàng trăm mô hình hộ dân và cộng đồng bản địa tham gia tích cực vào công tác bảo vệ, phát triển kinh tế rừng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Những mô hình này cần có những chính sách cụ thể để nhân rộng, từ đó nâng cao chất lượng, mở rộng diện tích.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN