Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ yêu cầu các các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò to lớn của đội ngũ trí thức trong quá trình xây dựng, phát triển thành phố. Cùng với đó là đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; xây dựng thành phố thông minh, tăng trưởng xanh, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức.
Các địa phương tập trung phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút nhân tài từ đội ngũ trí thức, chuyên gia đầu ngành, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Phát huy vai trò của lực lượng trí thức, đặc biệt là trí thức, nhà khoa học trẻ, đóng góp trí lực phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đồng thời phát huy vai trò trung tâm động lực phát triển vùng. Các địa phương quan tâm xây dựng cơ chế đặc thù thực hiện tốt chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng đội ngũ trí thức; tăng cường đầu tư hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, tạo môi trường, điều kiện hoạt động để trí thức nghiên cứu, sáng tạo và cống hiến.
Song song với đó là đổi mới, đa dạng phương thức vận động, kết nối, tổ chức tập hợp, phát huy trí tuệ đội ngũ trí thức từ các Viện, trường, đoàn thể chính trị - xã hội, sở, ngành, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có tâm huyết, khát vọng đóng góp cho phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế - xã hội của thành phố; xây dựng quy chế hoạt động nhằm phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong tư vấn, phản biện, giám định đối với các chính sách, chương trình, dự án, đề án về phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ và môi trường có tính chất phức tạp, ưu tiên, trọng điểm hoặc đa ngành, do các cơ quan xây dựng thực hiện hoặc trình cấp trên phê duyệt.
Các ngành, địa phương chú trọng và kịp thời tôn vinh trí thức, nhà khoa học tiêu biểu; biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân có những đóng góp tích cực cho sự phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, kinh tế - xã hội của thành phố...
Trong 15 năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đội ngũ trí thức trên địa bàn phát triển nhanh về số lượng, nâng lên về chất lượng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố. Tính đến tháng 6/2022, thành phố có 18.466 cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng; trong đó 170 người trình độ Tiến sĩ, tăng hơn 17% so với giai đoạn 2008 - 2017, có 2.058 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ Thạc sĩ, giảm 6,7% so với giai đoạn 2008-2017...
Qua thống kê, đội ngũ trí thức là cán bộ, công chức, viên chức có trình độ từ Thạc sĩ trở xuống có xu hướng giảm, phù hợp với quá trình thành phố thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế theo quy định của Trung ương song chất lượng vẫn được đảm bảo, ngày càng chuẩn hóa theo vị trí công tác, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Hiện thành phố Cần Thơ có 5 trường đại học, với 3.926 cán bộ, giảng viên và người lao động; trong đó, có 21 Giáo sư, 206 Phó Giáo sư, 760 Tiến sĩ, bác sĩ Chuyên khoa II, 1.995 Thạc sĩ, bác sĩ Chuyên khoa I... Đặc biệt, thành phố có một nhà khoa học nữ đã vinh dự được nhận Giải thưởng Kovalevskaia, 2 nhà khoa học nam được tôn vinh là trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu của cả nước…
Nhìn chung, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, công tác xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức trên địa bàn thành phố đã có những chuyển biến tích cực. Nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức được nâng cao và không ngừng được củng cố, tăng cường về số lượng, chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển chung của thành phố.
Tuy nhiên, thành phố vẫn còn một số hạn chế như: Chưa có chiến lược, định hướng lâu dài về công tác trí thức nhằm phát huy nội lực của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật thành phố và các Hội thành viên. Đối với các trường đại học, cơ cấu về số lượng giảng viên có học hàm, học vị chưa đồng đều. Một số khoa, viện, bộ môn không có giảng viên là Giáo sư, Phó Giáo sư. Việc đầu tư, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo từ các đề tài, đề án mang tính ứng dụng thực tiễn trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương còn khiêm tốn.
Để xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, Cần Thơ đề ra mục tiêu sẽ triển khai thực hiện xây dựng chiến lược phát triển, sử dụng đội ngũ trí thức, nhà khoa học trên địa bàn thành phố đến năm 2030 với số lượng, chất lượng, cơ cấu, thành phần cân đối, phù hợp, trong đó, coi trọng việc nâng cao hơn nữa trình độ lý luận chính trị. Thành phố cũng xây dựng môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức; tạo lập môi trường dân chủ, tự do sáng tạo, công bằng trong hoạt động của đội ngũ trí thức là điều kiện tiên quyết để có một nền khoa học, công nghệ phát triển; xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật đầy đủ, hiện đại, phù hợp với yêu cầu nghiên cứu, triển khai khoa học, công nghệ.
Mặt khác, thành phố tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định nhằm khắc phục hiệu quả tình trạng “chảy máu chất xám”, “lãng phí chất xám”; xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để trí thức, nhà khoa học hội nhập về kỹ thuật công nghệ với các nước khu vực Đông Nam Á và hướng đến các nước hiện đại trên thế giới.
Tại hội nghị, 12 tập thể và 10 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW.