Các địa phương phòng, chống dịch COVID -19 cao hơn một mức

Tối 26/7, tại buổi họp báo trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hậu Giang, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo đã thống nhất đề nghị của thành viên Ban chỉ đạo và giao cơ quan chức năng tham mưu để ban hành quy định khung giờ người dân không được ra đường từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau nhằm phòng, chống dịch.

Chú thích ảnh
Các quầy bán hàng hóa không thiết yếu tại chợ truyền thống Vị Thanh, thành phố Vị Thanh đã được đóng cửa nhằm phòng chống, dịch bệnh COVID-19 (ảnh chụp ngày 24/7). Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Đồng thời, tỉnh cũng tiếp tục áp dụng nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID -19 cao hơn một mức, như cách ly tập trung 21 ngày đối với tất cả người từ các địa phương khác vào tỉnh Hậu Giang; quản lý chặt chẽ các đối tượng giao hàng bằng việc yêu cầu các đơn vị phải đăng ký số lượng nhân viên giao hàng, có trang phục nhận biết được cơ quan chức năng xác nhận; quy định khung giờ người dân đi chợ…

Đến nay, tại Hậu Giang, các ca dương tính với SARS-CoV-2 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Báo cáo của Sở Y tế Hậu Giang, từ 16 giờ ngày 25/7 đến 12 giờ ngày 26/7, tỉnh tiếp tục ghi nhận 7 trường hợp có kết quả khẳng định RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2 (gồm 1 trường hợp F1 và 6 trường hợp có tiếp xúc với ca bệnh xác định); nâng tổng số trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là 19 ca, ngành chức năng đang hoàn thiện hồ sơ dịch tễ để làm thủ tục đăng ký chờ Bộ Y tế công bố. Tổng số ca mắc và nghi nhiễm tại Hậu Giang đến thời điểm hiện tại là 110 trường hợp.

Liên quan đến các ca mắc và nghi nhiễm mới ghi nhận trên địa bàn, ngành Y tế và các địa phương đã truy vết, điều tra ghi nhận được 169 F1; 1.314 F2, 297 F3; công tác điều tra các F1, F2, F3 và lấy mẫu xét nghiệm vẫn đang được các địa phương tiếp tục thực hiện.

Hiện Hậu Giang thực hiện giảm tối đa người làm việc tại cơ quan, chỉ còn từ 30-40%. Cùng với đó, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có nhà xa (quãng đường từ nhà đến cơ quan trên 5 km đối với cấp tỉnh, 4 km đối với cấp huyện và 3 km đối với cấp xã), cơ quan, đơn vị chủ động sắp xếp, bố trí sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà hoặc sắp xếp chỗ ăn, nghỉ lại tại cơ quan.

Có thể trong thời gian tới, theo một thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID -19 tỉnh Hậu Giang, tỉnh áp dụng các rào chắn kiên cố để đảm bảo ấp, khu vực giãn cách với ấp, khu vực; xã, phường, thị trấn giãn cách với xã, phường, thị trấn; huyện, thị xã, thành phố giãn cách với huyện, thị xã, thành phố.

* Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường vừa ký quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến số 2 điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn thành phố Cần Thơ với quy mô 800 giường. Bệnh viện dã chiến số 2 gồm 2 khu: Khu A đặt tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ, số 108A, Lê Lợi, phường Cái Khế quận Ninh Kiều có quy mô 600 giường; Khu B đặt tại Nhà thi đấu đa năng thành phố Cần Thơ, đường Lê Lợi, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều có quy mô 200 giường.

Chú thích ảnh
Siêu thị GO! Cần Thơ tạm ngưng hoạt động từ ngày 23/7/2021 cho đến khi có thông báo mới. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Bệnh viện dã chiến số 2 làm nhiệm vụ tiếp nhận, phân loại, cấp cứu, điều trị các trường hợp mắc COVID-19 ở mức độ trung bình, vừa và nhẹ trên địa bàn thành phố.

Trước đó, thành phố Cần Thơ cũng đã thành lập 4 bệnh viện dã chiến ở 2 quận Bình Thủy, Cái Răng và 2 huyện Thới Lai, Cờ Đỏ. Thành phố chuẩn bị mở thêm các bệnh viện dã chiến tại các huyện Phong Điền và quận Thốt Nốt.

Theo Sở Y tế thành phố Cần Thơ, từ ngày 8/7 đến 17 giờ ngày 25/7, thành phố đã có 688 người mắc COVID-19. Số người đang thực hiện cách ly tập trung là 2.387 người. Trên địa bàn thành phố đã có 2 ca mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh và có 2 ca tử vong do dịch.

* Chiều 26/7, UBND huyện Kim Bảng, Hà Nam tổ chức dỡ bỏ phong tỏa, kết thúc cách ly y tế đối với khu dân cư xã Thi Sơn - Khu dân cư ghi nhận 2 ca dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 5/7.

Chú thích ảnh
UBND huyện Kim Bảng (Hà Nam) dỡ bỏ phong tỏa, kết thúc cách ly y tế đối với 1 khu dân cư xã Thi Sơn. Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hà Nam giao Sở Y tế chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc hướng dẫn, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn huyện Kim Bảng bảo đảm an toàn, hiệu quả, đúng quy định.

Như vậy, trên địa bàn tỉnh Hà Nam chỉ còn một khu dân cư tại xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân đang thực hiện phong tỏa, cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần này, tỉnh ghi nhận 63 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 50 người đã xác định khỏi, ra viện, 13 người đang được điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Hà Nam. 

Tính đến sáng 26/7, tỉnh Hà Nam còn 2.098 người đang thực hiện cách ly phòng, chống dịch, trong đó 1.952 người cách ly tại nhà, 146 người cách ly tập trung. Toàn tỉnh có 25.892 người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 đảm bảo an toàn.

Ngành y tế Hà Nam đang phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19; điều tra, giám sát dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm trường hợp liên quan; phối hợp với các đơn vị thực hiện nhiệm vụ tại chốt kiểm soát liên ngành để phòng, chống dịch.

Phóng viên TTTXVN tại các địa phương
Đà Nẵng, Thái Bình siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19
Đà Nẵng, Thái Bình siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Chiều 26/7, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng họp bàn về các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN