Cà Mau: Khát vọng vươn xa

Nơi cực Nam Tổ quốc không chỉ có những ánh đèn hoa rực rỡ, hay bầu không khí nhộn nhịp, vui tươi của dòng người xe tấp nập du Xuân… mà còn có cả những nốt trầm lặng lẽ, ngày đêm âm thầm gìn giữ một “màu xanh” cho những hy vọng tương lai. 

Chú thích ảnh
Thiếu nữ Cà Mau du Xuân. Ảnh: Kim Há/TTXVN

Ăn Tết giữa rừng

Ngày 30 Tết, trong khi nhiều gia đình đều quây quần họp mặt bên bữa cơm tất niên, chia sẻ những niềm vui để hướng tới năm mới, thì đối với những người giữ rừng, họ phải tạm gác niềm vui riêng để cùng nhau giữ cho Vườn Quốc gia U Minh Hạ mãi một màu xanh.

Thời điểm Tết đối với anh Bùi Văn Phi (sinh năm 1971), Đội trưởng Đội Quản lý bảo vệ rừng Minh Hà, Vườn quốc gia U Minh Hạ là những ngày không chỉ túc trực trên chòi quan sát mà còn phải thường xuyên cùng đồng nghiệp luồn rừng tuần tra… nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động vi phạm pháp luật lâm nghiệp và phòng chống cháy rừng. Bởi, đội của anh Phi dù chỉ có 3 thành viên nhưng được phân công phụ trách gần 754 ha rừng.

Hơn 20 năm gắn bó với rừng cũng là từng ấy năm anh Phi chưa có cái Tết trọn vẹn bên gia đình. Nếu không trực ca từ 29 - mùng 2 Tết, anh cũng trực từ mùng 2 đến mùng 6 Tết.

Anh Phi tâm sự, những ngày cuối năm như thế này, vì tính chất công việc, vì tình yêu với màu xanh của rừng nên đành gác lại những tâm tư cá nhân. “Những cái Tết đầu tiên sau khi lập gia đình, vợ tôi chưa hiểu nên cũng tủi thân. Song khi hiểu những vất vả của nghề thì vợ tôi không chỉ động viên mà còn trở thành điểm tựa vững chắc để tôi yên tâm công tác”, anh Phi kể.

25 năm gắn bó với công tác quản lý, bảo vệ rừng, ông Nguyễn Văn Liêm (sinh năm 1967), Trưởng Phòng Quản lý Bảo vệ rừng Vườn Quốc gia U Minh Hạ cho hay, năm 1989, sau khi tốt nghiệp ngành lâm nghiệp, ông được phân công về làm kiểm lâm tại huyện U Minh, tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau và Bạc Liêu). Khi đặt chân đến đây, chàng trai vừa tròn 22 tuổi này không nghĩ mình sẽ gắn bó lâu dài với vùng đất hoang sơ với bốn bề là tràm này.

“Khi mới nhận nhiệm vụ, tôi nghĩ sẽ công tác ở U Minh một vài năm rồi xin chuyển về quê nhà ở thành phố Hồ Chí Minh để được gần bên gia đình và người thân. Thời điểm đó, tôi luôn có suy nghĩ nếu không xin chuyển được thì xin nghỉ việc chứ ở đây hoang sơ và buồn lắm”, ông Liêm nhớ lại.

Thế nhưng, sau 2 năm gắn bó với người và đất nơi này thì những ý định ban đầu của Nguyễn Thanh Liêm đã không còn, thay vào đó là  sự gắn bó sâu nặng với quê hương thứ hai của mình.

25 mùa xuân ở rừng cũng là 25 mùa xuân đẹp nhất của đời người thanh niên thành thị Nguyễn Thanh Liêm gắn bó với vùng đất rừng này. Với ông Nguyễn Thanh Liêm, chất keo gắn kết ông với vùng đất rừng U Minh Hạ là tình yêu với gia đình nhỏ mà ông tìm được nơi đây và tình yêu với màu xanh bạt ngàn của vùng rừng huyền thoại.

Dù là người trẻ nhất trong đội, thế nhưng anh Châu Quốc Sự (sinh năm 2000) cũng đã gắn bó với công việc bảo vệ rừng được 2 năm. Anh Sự kể, ăn Tết giữa rừng cũng không còn xa lạ với hầu hết các anh em trong đội. "6 giờ sáng hằng ngày, anh em chúng tôi đã nấu cơm ăn để vào rừng tuần tra. Trong những ngày Xuân, chúng tôi đều không uống bia, rượu để luôn có tinh thần tỉnh táo, chủ động khi có tình huống xấu xảy ra", anh Châu Quốc Sự cho hay.

Thấu hiểu sự hi sinh thầm lặng nên mỗi khi Xuân về, Tết đến, lãnh đạo chính quyền các cấp cùng lãnh đạo Vườn Quốc gia đều dành sự quan tâm đặc biệt đến các lực lượng bảo vệ rừng. Đó không chỉ là cung cấp đầy đủ những nhu yếu phẩm thiết yếu cho một cuộc sống thiếu thốn ở rừng mà còn có cả những lời thăm hỏi, động viên kịp thời đến các lực lượng bảo vệ rừng yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Ông Trần Công Hoằng, Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ chia sẻ, hiện lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của vườn quốc gia có 79 biên chế. Để bảo đảm rừng được an toàn trong những ngày Tết, Vườn quốc gia U Minh Hạ đã bố trí 2 ca trực. “Bên cạnh đảm bảo quyền lợi cho anh em trực Tết thì chúng tôi còn thường xuyên thăm hỏi, cung cấp đầy đủ những nhu yếu phẩm thiết yếu để anh em có thể vui Xuân, đón Tết ngay tại đơn vị. Dù biết đón Tết ở rừng không thể nào đầy đủ như ở nhà, nhưng vì nhiệm vụ chung nên anh em luôn đoàn kết, sẻ chia và hơn hết là luôn tự hào với trách nhiệm công việc mà mình đang đảm nhận”, ông Hoằng kể.

Rộn ràng mùa xuân phương Nam

Vòng quanh phố phường trong ngày cuối năm, một “xu hướng” dễ thấy chính là nhiều gia đình vui Xuân, đón Tết bằng cách cùng nhau gói bánh tét, bánh chưng.

Bên nồi bánh chưng đang đỏ lửa, em Tô Quốc Triển, (22 tuổi, ngụ xã Định Bình, thành phố Cà Mau) cho biết, đối với người dân phương Nam, bánh tét là món không thể thiếu trong mâm cổ ngày Tết. Từ ý nghĩa đó, em cùng các bạn trong xóm quyết định cùng nhau gói bánh để ăn Tết. Nhưng để cho khác lạ, cũng là vừa để bọn em học hỏi cách làm thì nhóm của Triển quyết định gói bánh chưng.

“Tết đối với em là quá trình chuẩn bị, thế nên gói bánh chưng cũng là cách để em cùng các bạn trong xóm cùng nhau tận hưởng quá trình thực hiện, rồi cùng nhau ngồi canh lửa chờ bánh chín đón thời khắc Giao thừa. Như vậy Tết mới đầy đủ ý nghĩa”, em Tô Quốc Triển cho biết.

Năm nay, chợ hoa kiểng, chợ dưa hấu phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tiếp tục được xem là một trong những điểm nhấn tạo sắc Xuân cho thành phố Cà Mau. Tại đây, càng đến thời điểm Giao thừa, người đi chơi Tết, tham quan, mua sắm càng đông vui, nhộn nhịp và ai cũng trong tâm trạng vui tươi náo nức đón chào năm mới.

Chị Nguyễn Thị Hằng, ngụ xã Tân Thành, thành phố Cà Mau cho biết, trước thềm năm mới sắp đến, chị cầu chúc cho nhà nhà, người người đều để lại những khó khăn sau lưng, cùng nhau hướng tới năm mới gặp mọi điều tốt đẹp, vạn sự thành công.

Năm nay, công tác chỉnh trang đô thị được thành phố Cà Mau chủ động thực hiện từ sớm, vừa chào đón sự kiện Festival Tôm Cà Mau, vừa đón chào năm mới Giáp Thìn 2024. Đến thời điểm 19 giờ ngày 30 Tết, dòng người xe tấp nập đổ về các tuyến đường lớn của thành phố Cà Mau để đến với các điểm vui chơi, giải trí trong nội ô thành phố, sau đó đón xem các chương trình văn hóa, nghệ chào đón năm mới với chủ đề “Cà Mau: Khát vọng vươn xa”. Tại đây, bên cạnh nhiều hoạt động mừng đón Giao thừa, người dân sẽ chiêm ngưỡng màn bắn hoa rực rỡ trên bầu trời thành phố cực Nam.

Khát vọng vươn xa

Năm 2023 đi qua với rất nhiều khó khăn, thách thức. Bởi ngoài những khó khăn do tình hình thế giới, trong nước tác động, ảnh hưởng trực tiếp thì Cà Mau phải tập trung khắc phục những khó khăn mới, nặng nề hơn; cùng với đó ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, triều cường diễn biến khó lường, phức tạp hơn, tình trạng sạt lở đất ven biển, bờ sông ngày càng nghiêm trọng... Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, dân và quân tỉnh Cà Mau đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và giành được những thành tựu rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Để chủ động tình hình nhu cầu chuẩn bị, mua sắm hàng hóa thiết yếu của nhân dân để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp, đảm bảo mọi người, mọi nhà đều có điều kiện vui Xuân, đón Tết, Sở Công Thương tỉnh Cà Mau đã làm việc với khoảng 20 doanh nghiệp, nhà cung ứng tham gia vào kế hoạch đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết, cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Theo đánh giá sức mua của người dân năm nay thấp hơn từ 30 đến 40% so với cùng kỳ.

Trước thềm năm mới sắp đến, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho rằng, năm 2024 là năm có ý nghĩa rất quan trọng để thực hiện hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, theo dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, do đó, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kêu gọi toàn Đảng bộ, dân và quân trong tỉnh phát huy tinh thần yêu nước, tự hào, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu quan trọng.

Chỉ còn ít giờ nữa là đến thời khắc chuyển giao năm mới. Gác lại những khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cà Mau cùng nhân dân cả nước đang háo hức thời khắc Giao thừa thiêng liêng. Người dân vùng đất cực Nam đang tràn ngập niềm tin đón chào năm mới Giáp Thìn 2024 với nhiều khát vọng vươn xa.

Huỳnh Anh (TTXVN)
Xuân vui tươi ở cực Tây của Tổ quốc ​
Xuân vui tươi ở cực Tây của Tổ quốc ​

Trước thời khắc đón Giao thừa linh thiêng Tết Giáp Thìn 2024, hòa cùng không khí vui tươi trên mọi miền Tổ quốc, đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên đang phấn khởi chào đón một mùa xuân mới với thật nhiều kỳ vọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN