Cà Mau chủ động ứng phó với thiên tai bất thường

Những ngày vừa qua, mưa lớn liên tiếp kết hợp với triều cường dâng cao đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, hạ tầng giao thông, nhất là tại các tuyến giao thông nông thôn vùng ngọt, ven biển của tỉnh Cà Mau.

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại trung tâm thành phố Cà Mau, mưa lũ đã gây ngập sâu trên hầu hết các tuyến đường. Hạ tầng giao thông bị hư hại khiến việc lưu thông của người dân gặp rất nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Nhiều hàng quán phải đóng cửa, một số khu dân cư bị ngập, gây đảo lộn cuộc sống sinh hoạt và kinh doanh của người dân.

Chú thích ảnh
Nhiều tuyến đường tại thành phố Cà Mau bị "chìm" sâu trong nước khiến cho việc đi lại của người dân gặp khó khăn. 

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời, mưa kéo dài trong những tuần qua đã gây ngập 14.285 ha lúa Hè Thu; 552 ha lúa tôm bị ngập chìm trong nước và 26,5 ha hoa màu bị ngập úng; nhiều héc ta nuôi tôm, cá bị tràn bờ vẫn chưa thể thống kê mức độ thiệt hại.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trần Văn Thời cho biết, tình trạng ngập lụt đã khiến gần 200 học sinh trên địa bàn không thể đến trường. Số học sinh phải nghỉ học tập trung ở 8 xã: Khánh Bình, Khánh Bình Đông, Khánh Lộc, Khánh Hưng, Khánh Hải, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc và Trần Hợi.

Theo dự báo, từ nay đến hết năm 2020, trên khu vực biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 6 - 7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có 3 - 4 cơn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ trở vào phía Nam, kết hợp với gió mạnh, sóng cao trên biển sẽ làm cho tình hình sạt lở ven biển diễn biến phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan như: mưa lớn, giông, lốc xoáy, sét, hạn hán... sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân trên địa bàn tỉnh.

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân  vừa có công văn hỏa tốc về việc tăng cường công tác ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh từ nay đến cuối năm 2020 và đầu năm 2021 nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra do thiên tai, góp phần ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện và thành phố Cà Mau tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo thiệt hại do thiên tai gây ra đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống, sinh hoạt của người dân, diễn biến thời tiết và biện pháp phòng, tránh thiệt hại để người dân nắm và chủ động thực hiện; thường xuyên kiểm tra, giám sát địa bàn, kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại sau thiên tai.

Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cần sớm tổ chức hội nghị hướng dẫn xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trong tháng 10; hoàn thiện phương án ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn để triển khai thực hiện trước ngày 20/10.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể từng sở, ngành, đơn vị, các địa phương chủ động trong công tác cảnh báo, hướng dẫn người dân trong ứng phó thiên tai để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân và bảo vệ sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, rà soát, gia cố các vị trí xung yếu trên đê biển, đê sông và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, trang thiết bị hộ đê, khắc phục kịp thời các điểm sạt lở đất, tuyệt đối không để vỡ đê; vận hành hợp lý hệ thống cống, đập, trạm bơm đảm bảo ngăn triều cường xâm nhập và tiêu thoát nước, chống ngập úng vùng ngọt hóa, nhất là trong và sau mưa lớn, bão.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu UBND huyện các huyện: U Minh, Thới Bình và huyện Trần Văn Thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát địa bàn, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan chức năng kịp thời khắc phục nhanh tình trạng ngập úng vùng ngọt hóa khi xảy ra thiên tai; riêng UBND thành phố Cà Mau cần sớm chỉ đạo kiểm tra, khai thông cống, mương thoát nước nhằm chống ngập tại các khu dân cư tập trung và lộ giao thông trên địa bàn thành phố.

Theo thống kê từ UBND tỉnh Cà Mau, do thời tiết khắc nghiệt, diễn biến bất thường nên từ đầu năm đến nay trên địa bàn có 12 phương tiện khai thác thủy sản bị chìm khiến 5 người bị chết, 2 người mất tích; 20.851 hộ thiếu nước sạch sinh hoạt; 839 căn nhà bị sập, tốc mái; 23.394 ha lúa, 182 ha rau màu và 17.831 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng; 43.584 ha rừng bị khô hạn; hơn 1.363 vị trí trên nhiều tuyến đường giao thông nông thôn và một số đoạn đê biển Tây bị sạt lở, sụt lún...

Tin, ảnh: Huỳnh Anh (TTXVN)
Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai (13/10): Giảm thiểu thiệt hại và tổn thất cho cộng đồng
Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai (13/10): Giảm thiểu thiệt hại và tổn thất cho cộng đồng

Ngày 13/10, tại Hà Nội, Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ngày ASEAN về Quản lý thiên tai (13/10) đã diễn ra với sự tham gia của Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cùng đại diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban thư ký ASEAN, Quỹ nhi đồng, Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Hội Nhà báo Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN