Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai làm việc tại Bình Định

Ngày 9/10, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai do Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Nguyễn Văn Tiến làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định về tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi làm việc. 

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bình Định, từ ngày 5/10 đến 9/10, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to, tập trung ở khu vực phía Bắc tỉnh. Đến sáng 9/10 mưa đã giảm, mực nước các sông đang hạ dần nên không gây ngập lụt tại các khu dân cư.

Để chủ động ứng phó mưa, lũ, nhất là trong trường hợp mưa tiếp tục kéo dài và lũ trên các sông dâng cao, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ động triển khai phương án ứng phó theo “phương châm 4 tại chỗ”; có các giải pháp chống ngập úng cho cây lúa.

Đối với lực lượng tại chỗ, ngoài lực lượng chính quy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định đã bổ sung, kiện toàn hơn 400 Đại đội dự bị động viên, Trung đội dân quân cơ động và đội xung kích phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các thôn, khu phố...

Tỉnh Bình Định cũng thành lập mới 159 đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, mỗi đội từ 50 đến 70 người sẵn sàng nhận lệnh khi có yêu cầu.

Đến nay, tỉnh  đã dự trữ hơn 7.300 tấn gạo, hàng ngàn thùng mì tôm, lương khô… cùng hàng chục ngàn cơ số thuốc khử khuẩn, sát trùng Cloramin B để khử khuẩn nguồn nước.

Tuy nhiên, tỉnh hiện có gần 3.000 hộ dân với gần 11.0000 người sinh sống ở vùng ngập trũng tại thành phố Quy Nhơn, thị xã Hoài Nhơn và các huyện Phù Cát, Phù Mỹ... thường xuyên bị ngập lụt, chia cắt.  

Theo ông Hồ Đắc Chương, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, để chủ động bảo vệ hồ đập trong mùa mưa bão, từ đầu năm đến nay, tỉnh Bình Định đã hoàn thành vượt lũ 5 hồ chứa. Tuy nhiên, vẫn còn 15 hồ chứa xuống cấp, đe dọa nghiêm trọng khi mưa lũ lớn, cần phải triển khai các biện pháp gia cố, sẵn sàng lực lượng, vật tư sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố. Trong đó, Bình Định còn hơn 1.500 ha lúa vụ thu chưa đến kỳ thu hoạch, nếu gặp mưa lũ thiệt hại sẽ rất lớn.

Chú thích ảnh
Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai kiểm tra tiến độ xây dựng kè bờ biển Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn. 

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu tỉnh Bình Định chủ động ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”, trong đó đặc biệt cần kích hoạt lại Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã, phường để chủ động đối phó với áp thấp nhiệt đới sắp tới.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng đề nghị ngành chức năng tỉnh Bình Định triển khai ngay cảnh báo ở khu vực tàu đắm, không để xảy ra tình trạng tàu va vào như vừa rồi, gây thiệt hại cho ngư dân. Đồng thời, ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn người dân chủ động thu hoạch lúa, hoa màu, thủy sản đã đến kỳ thu hoạch hoặc có phương án bảo đảm an toàn đối với diện tích chưa đến kỳ thu hoạch; kiểm tra, rà soát khu dân cư ven sông suối, vùng trũng thấp, sẵn sàng có phương án sơ tán dân đến nơi an toàn, bảo đảm tính mạng tài sản cho người dân.

Tin, ảnh: Nguyên Linh (TTXVN)
Vùng 'rốn lũ' Đại Lộc chủ động ứng phó với mưa lũ lớn kéo dài
Vùng 'rốn lũ' Đại Lộc chủ động ứng phó với mưa lũ lớn kéo dài

Mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua cộng với lượng nước xả từ các công trình thủy điện ở thượng nguồn khiến vùng rốn lũ huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, nằm trong lưu vực các con sông lớn như Vu Gia, Thu Bồn, ngập sâu trong nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN