Bảo tồn, tôn tạo để di tích chiến trường Điện Biên Phủ tương xứng tầm vóc lịch sử

Di tích chiến trường Điện Biên Phủ là những công trình quân sự dã chiến, mặc dù vậy, đó là một kỳ quan lịch sử. Ở đấy, mang dấu tích vô cùng, trí tuệ, bản lĩnh, phẩm chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nói chung, trí tuệ, bản lĩnh, phẩm chất quân sự tốt đẹp của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam nói riêng ở thế kỷ XX. Làm thế nào để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử quan trọng đó, là nội dung bài viết: “Tiếp tục bảo tồn, tôn tạo để di tích chiến trường Điện Biên Phủ tương xứng với tầm vóc lịch sử dân tộc” của Đại tá Hoàng Lâm, Nguyên cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014). TTXVN xin giới thiệu nội dung chính của bài viết này:

Chiến dịch Điện Biên Phủ là một đỉnh cao thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. “Lần đầu tiên trong lịch sử”, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên thế giới (1). "Cùng với Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, dân tộc Việt Nam lại có thêm một cột mốc lịch sử mới: Điện Biên Phủ, cây cột mốc bằng vàng" (2).

* Bảo tồn, tôn tạo di tích chiến trường Điện Biên Phủ

Lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN


Tám năm sau ngày miền Bắc được giải phóng, năm 1962, chiến trường Điện Biên Phủ được Nhà nước xếp hạng di tích cấp quốc gia. Trước đó, năm 1959, Viện Bảo tàng quân đội cũ phối hợp với Quân khu Tây Bắc cũ (Quân khu 2) và Sư đoàn 316 xây dựng nhà trưng bày chiến thắng Điện Biên Phủ ở chân đồi C2 và dựng bia ở đồi A1.

Năm 1964, Viện Bảo tàng quân đội cũ (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) phối hợp với Cục Bảo tồn bảo tàng cũ (nay là Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) giúp huyện Điện Biên, tỉnh Lai Châu cũ (nay là tỉnh Điện Biên) củng cố nhà trưng bày; dựng chữ nổi bằng bê tông ở các di tích thành phần A1, C1, C2, D1, E, Him Lam. Năm 1974, Viện Bảo tàng quân đội cũ lại giúp huyện Điện Biên xây dựng sa bàn chiến dịch tại nhà trưng bày. Năm 1984, Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Văn hóa -Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phục hồi, tôn tạo 4 di tích thành phần: Sở chỉ huy Mường Phăng; cứ điểm A1; cứ điểm E; Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm. Nhà trưng bày chiến thắng Điện Biên Phủ được xây dựng mới 700m2, trưng bày 320 hiện vật trong nhà, 100 hiện vật ngoài sân. Theo thống kê trong 9 năm (1985-2001), số lượng khách tham quan di tích là gần 350 nghìn lượt người.

Trong 40 năm (1962 - 2002), mặc dù phải tập trung cho nhiệm vụ kháng chiến chống Mỹ cũng như chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, xây dựng và phát triển đất nước, nhưng với sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Lai Châu cũ (tỉnh Điện Biên ngày nay) đã bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị một số thành phần quan trọng của di tích chiến trường Điện Biên Phủ.

Triển khai Quyết định số 225/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/2/2003 về việc “Xây dựng dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo, phát huy tác dụng khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ”, 10 năm qua (2003-2013), tỉnh Điện Biên đã phối hợp với các bộ, ngành tiến hành đồng đều các mặt bảo tồn, tôn tạo di tích.

Khảo sát, xác định thành phần di tích, tỉnh Điện Biên đã phối hợp với Tổng cục Chính trị tổ chức 19 đợt, đưa 60 lần nhân chứng lịch sử (cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong), 22 lần nhân chứng địa phương; khảo sát bổ sung 6 di tích thành phần; khảo sát mới gần 30 di tích thành phần.

Phục hồi, tôn tạo thành phần di tích, tỉnh Điện Biên đã cùng các ngành chuyên môn phục hồi, tôn tạo bổ sung 3 thành phần di tích: Sở chỉ huy Mường Phăng, cứ điểm A1, Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm. Tỉnh cũng đã tổ chức phục hồi, tôn tạo mới 7 thành phần di tích: Cứ điểm D1, cụm cứ điểm Him Lam, bãi duyệt binh mừng chiến thắng, đường kéo pháo bằng sức người, vị trí anh hùng Tô Vĩnh Diện cứu pháo, trận địa của Đại đội pháo binh 806, trận địa hỏa tiễn H6 của Tiểu đoàn 224.


Tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 2004, tỉnh Điện Biên tổ chức chỉnh lý nhà trưng bày với 420 hiện vật trong nhà, 84 hiện vật ngoài sân, kịp thời phục vụ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Từ năm 2007 – 2012, tỉnh tổ chức lập đề cương bảo tàng mới, bắt đầu xây dựng ngôi nhà bảo tàng theo qui hoạch, thiết kế mới. Theo thống kê 6 năm (2004 – 2009), số lượng khách tham quan di tích chiến trường Điện Biên Phủ gần 860 nghìn lượt người.

10 năm qua (2003 – 2013), triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Điện Biên đã thực hiện được một khối lượng lớn công việc bảo tồn, tôn tạo di tích chiến trường Điện Biên Phủ; nhiều di tích thành phần được khảo sát, xác định, phục hồi, tôn tạo, tạo thêm nhiều địa chỉ hấp dẫn đối với nhiệm vụ giáo dục truyền thống và khách du lịch.

* Để Di tích chiến trường Điện Biên Phủ tương xứng với tầm vóc lịch sử dân tộc

Các thành phần di tích chiến trường Điện Biên Phủ là những công trình quân sự dã chiến, mặc dù vậy, đó là một kỳ quan lịch sử. Ở đấy, mang dấu tích vô cùng, trí tuệ, bản lĩnh, phẩm chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nói chung, trí tuệ, bản lĩnh, phẩm chất quân sự tốt đẹp của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam nói riêng ở thế kỷ XX.

Di tích Điện Biên Phủ có khoảng 60 thành phần, phân bổ trên phạm vi rộng, phần lớn nằm trong chu vi chiều dài trên dưới 20km, chiều rộng ngang đường 6 đến 8km. Do chủ trương san lấp trận địa lấy đất sản xuất, mở rộng nông trường, đặt cơ quan hành chính tỉnh Điện Biên tại trung tâm di tích, người dân đào bới tìm sắt vụn... nên nhiều thành phần di tích biến dạng hoặc biến mất, trở thành đồng ruộng, phố nhà. Không thể bảo tồn, tôn tạo đầy đủ 60 thành phần di tích, vì một số thành phần đã mất đi, cũng như không thể bảo tồn, tôn tạo di tích trong vài năm nhưng không nên kéo dài hai chục năm.

Thời gian tới, hơn 20 thành phần di tích đã khảo sát cần lập hồ sơ, thực hiện thủ tục xếp hạng, khoanh vùng bảo vệ. Các di tích thành phần phục hồi, tôn tạo dở dang (cụm cứ điểm Him Lam, Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm) cần hoàn thành. Các di tích thành phần phục hồi, tôn tạo tiếp theo nên là cứ điểm (E1, C1, C2), đồi Cháy, đồi Độc Lập, cứ điểm 206 ở ngay trong nội thành thành phố Điện Biên Phủ, rất thuận lợi cho khách tham quan. Mỗi di tích này đều có nội dung sự kiện phong phú. Cứ điểm E1 gắn liền với chiến công của Trung đoàn bộ binh 141, chiến công của pháo thủ Phùng Văn Khầu. Cứ điểm C1 gắn với chiến công của Trung đoàn bộ binh 98, anh hùng Lê Văn Dỵ. Cứ điểm C2, nơi diễn ra trận đánh cuối cùng của Trung đoàn bộ binh 98. Đồi Cháy, nơi Tiểu đoàn bộ binh 255, hỏa lực Trung đoàn bộ binh 174 chi viện đắc lực cho đơn vị phòng ngự phía Nam cứ điểm A1. Đồi Độc Lập gắn liền với chiến công của Trung đoàn bộ binh 165 và 88. Cứ điểm 206, nơi điển hình thực hiện chiến thuật “đánh lấn” của Trung đoàn bộ binh 36.

Tiếp đến, cần phục hồi, tôn tạo di tích thành phần trận địa bao vây tiến công và một số Sở chỉ huy. Đó là vị trí có dấu tích hào trục bao vây tiến công Phân khu Mường Thanh (phía Bắc; thuộc thành phố Điện Biên Phủ), bản Cò Mỵ (phía Nam; thuộc xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên), hai bên bờ suối tiếp giáp bản Noong Bua và bản Khe Chít (phía Đông của thành phố Điện Biên Phủ), bản Pe Luông (phía Tây; thuộc xã Thanh Luông, huyện Điện Biên), dấu tích hào trục chia cắt Sở chỉ huy thứ hai của chiến dịch ở Huổi Hẹ Ộ - không chỉ là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển phương châm chiến dịch từ “đánh nhanh giải quyết nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” mà còn là nơi có thác nước thơ mộng. Ngoài ra, đ ó là Sở chỉ huy hậu cần chiến dịch ở Lùng Pá Cha gắn liền với nơi làm việc của cơ quan lãnh đạo kháng chiến tỉnh Lai Châu cũ; dấu tích Sở chỉ huy Đại đoàn 316, Trung đoàn 36 (gồm cả đài quan sát) đều trong rừng rậm, đường cheo leo, phù hợp với du lịch khám phá.

Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ mới tuy là hạng mục bổ trợ di tích nhưng có vị trí quan trọng, bổ sung hiện vật phản ánh chiến công, tinh thần anh dũng, hành động kiên quyết chiến đấu, phục vụ chiến đấu của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công, nhân dân các dân tộc Tây Bắc, lực lượng làm nên chiến thắng. Bức tranh hòn nghệ thuật (pa nô ra-ma) dài 135m, cao 9,3m mô tả không gian chiến trường trung tâm Mường Thanh ngày 7/5/1954 lần đầu tiên được sáng tác, lắp đặt ở Việt Nam, nếu thành công là một điểm thu hút khách tham quan.

Trong hoạt động bảo tồn, tôn tạo di tích, cơ quan quản lý, điều hành cần trân trọng, tận dụng cao nhất trí tuệ nhân chứng lịch sử - những người trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến sự kiện mà nay còn ít, phối hợp chặt chẽ với các ngành bảo tồn, bảo tàng, công binh, bản bồ của quân đội; vận dụng vật liệu, công nghệ mới; xã hội hóa việc bảo tồn, tôn tạo một số thành phần di tích để huy động nguồn kinh phí từ các doanh nghiệp và trong nhân dân.

Theo Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ, di tích chiến trường Điện Biên Phủ trở thành di tích quốc gia đặc biệt. Những người quản lý và trực tiếp hoạt động bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích cần có phẩm chất “đặc biệt” - đó là yêu quí di tích. Tình yêu ấy biến thành hành động phục hồi thành phần di tích đúng nguyên trạng hơn; bảo vệ di tích an toàn; hồ sơ di tích ngày càng chính xác, đầy đủ hơn; hướng dẫn du khách chuyên nghiệp hơn, đặc sắc văn hóa miền Hoa Ban rõ nét hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cần tiếp tục bảo tồn, tôn tạo để di tích chiến trường Điện Biên Phủ tương xứng với tầm vóc lịch sử dân tộc.


TTXVN/Tin tức

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh. Tuyển tâp, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1960, trang 771.

(2) Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tổng tập hồi ký, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006, trang 1123.
Điện Biên Phủ - Bản giao hưởng hòa bình
Điện Biên Phủ - Bản giao hưởng hòa bình

Chương trình kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2014) “Điện Biên Phủ - Bản giao hưởng hòa bình”, do VTV6 sản xuất và phát sóng vào lúc 20 giờ ngày 21/4/2014, tại sân khấu ngoài trời Đài TH Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN