Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 842 hộ nghèo, chiếm 0,37% và 3.267 hộ cận nghèo, chiếm 1,45% dân số. Kết quả này không chỉ là nỗ lực vượt khó của các hộ nghèo mà còn thể hiện quyết tâm đồng lòng của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong công tác chăm lo cho hộ nghèo.
Cho cần câu chứ không cho con cá
Vượt lên trên những khó khăn, thách thức, nhiều hộ không những thoát nghèo mà còn có vốn tích lũy phát triển kinh tế gia đình. Trường hợp của chị Đoàn Kiều Trang, ấp 18, xã Phong Tân, thị xã Giá Rai là ví dụ. Trước đây, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo nhất, nhì trong ấp. Vì không có đất sản xuất nên cuộc sống thiếu trước hụt sau dù vợ chồng còn trẻ và có sức lao động. Đầu năm 2021, chị Trang được hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết, rồi sau đó được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để đầu tư phát triển mô hình nuôi lươn, ếch, gà, vịt. Có nhà và vốn chăn nuôi, cộng thêm hai vợ chồng chịu khó, gia đình chị không những thoát nghèo mà còn có dư để tích lũy.
Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai Đỗ Minh Thắng cho biết, địa phương trăn trở nhất là bài toán làm sao để hộ thoát nghèo bền vững. Với phương châm “Cho cần câu chứ không cho con cá”, đã giúp nhiều gia đình có lối thoát trong cuộc sống. Trong đó, trao phương tiện sinh kế được xác định là một trong những mô hình hiệu quả thực hiện giảm nghèo của địa phương. Các phương tiện được trao tặng dựa trên nguyện vọng, hoàn cảnh thực tế của từng hộ, nhờ đó người nghèo có cơ hội mưu sinh phù hợp với bản thân, như: Thiếu đất sản xuất sẽ giúp hộ nghèo học nghề, làm nghề; nếu có đất mà thiếu vốn thì đầu tư vốn để chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài ra, Giá Rai còn phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, để kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ người nghèo bằng nhiều hình thức. Đến nay, trên địa bàn thị xã chỉ còn chưa đến 1% hộ nghèo; số hộ cận nghèo cũng giảm mạnh.
Ở ấp Xẻo Lá, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi có vợ chồng anh Dương Văn Việt do không có đất sản xuất, nên cuộc sống của gia đình dựa vào nghề đặt lờ, cắm câu, giăng lưới. Với những công việc như vậy, mỗi ngày gia đình anh thu nhập khoảng 100.000 đồng, chỉ đủ cái ăn, cho con đi học, còn căn nhà tạm bợ, xiêu vẹo đã lâu nhưng không thể sửa chữa được. Để giúp gia đình anh Việt, Đảng ủy thị trấn Châu Hưng đã vận động các nhà hảo tâm xây tặng gia đình căn nhà kiên cố; phân công cán bộ đảng viên đỡ đầu, hướng dẫn cách làm ăn phù hợp với hoàn cảnh và nguyện vọng của anh Việt. Chính quyền vận động các hộ dân cho gia đình anh Việt mượn đất trên các bờ liếp để trồng màu, từ đó giúp gia đình có thu nhập ổn định, đến cuối năm nay đã thoát nghèo.
Phân công cán bộ, đảng viên giúp đỡ hộ nghèo được xem là một trong những giải pháp mang lại hiệu quả cao và bền vững trong công tác giảm nghèo ở Bạc Liêu. Cùng với giải pháp này, tỉnh cũng rất quan tâm thực hiện chính sách cho vay ưu đãi tín dụng dành cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn thuộc các xã đặc biệt khó khăn. Trong năm, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã triển khai cho 110.000 lượt hộ vay, với tổng dư nợ trên 2.280 tỷ đồng. Thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi và hỗ trợ đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm, ổn định cuộc sống.
Giảm nghèo bền vững
Bên cạnh việc đầu tư vốn, hướng dẫn hộ nghèo làm ăn, tỉnh chú trọng vận động Quỹ An sinh xã hội - Vì người nghèo, để xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, năm 2021 toàn tỉnh đã vận động Quỹ An sinh xã hội - Vì người nghèo được trên 74 tỷ đồng, trong đó Quỹ Vì người nghèo 16 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 162 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở, hộ nghèo bị ảnh hưởng dịch COVID-19, hỗ trợ sản xuất.
Bên cạnh đó, tỉnh vận động các nhà hảo tâm trao tặng 72 căn nhà tình thương cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Các hoạt động an sinh xã hội khác như hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo vẫn được duy trì. Có 17.220 đối tượng thuộc diện hộ cận nghèo và 166.384 người sinh sống trên địa bàn các xã, ấp đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ.
Từ nhiều chính sách trên, Bạc Liêu đã thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo bền vững. Kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo, theo tiêu chí mới (áp dụng Nghị định 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, thực hiện từ năm 2022), tỉnh có 9.640 hộ nghèo chiếm 4,27% và 14.226 hộ cận nghèo, chiếm 6,31% dân số.
Để tiếp tục giải quyết hộ nghèo theo tiêu chí mới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, tỉnh đề ra trong năm 2022 giảm từ 1 - 1,5% hộ nghèo. Trước mắt, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát tỷ lệ hộ nghèo, trong đó chú ý đến gần 28.000 người trở về địa phương trong đợt dịch lần thứ 4. Cùng với đó, tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn, định hướng những nghề phù hợp với nhu cầu của bà con; rà soát, bổ sung các chính sách giảm nghèo đặc thù, phù hợp với điều kiện của từng địa phương; tập trung giải quyết tốt việc làm cho người lao động có tay nghề; có giải pháp kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động đang thất nghiệp; tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ, tạo việc làm cho người lao động, kể cả đưa lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng.
Đồng thời, tỉnh tăng cường thúc đẩy các hoạt động hợp tác, liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tự tổ chức đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng tay nghề cho người lao động; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo lao động có kỹ năng, trình độ chuyên môn, gắn đào tạo nghề với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.