Trà Vinh: Tập trung giảm nghèo bền vững

Tỉnh ủy Trà Vinh vừa ban hành Nghị quyết số 05- NQ/TU về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

Chú thích ảnh
Nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer, tỉnh Trà Vinh đã vươn lên thoát nghèo nhờ vốn vay chương trình hộ nghèo. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Giai đoạn này, tỉnh đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 1,5-2%/năm; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer giảm bình quân từ 3-4%/năm; phấn đấu mỗi năm tăng từ 1-1,5% hộ nghèo được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội cơ bản phù hợp theo các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều. Đồng thời, hàng năm tạo việc làm mới cho 23.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi được đi học đạt từ 99% trở lên; 95% dân số trở lên tham gia bảo hiểm y tế; có 30 giường bệnh và 10-12 bác sĩ/vạn dân; người dân được sử dụng điện đạt 99,5% và sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99%-99,5%.

Để đạt mục tiêu trên, tỉnh tập trung huy động nhiều nguồn lực của Trung ương, nguồn đối ứng của địa phương, nguồn lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…  để thực hiện công tác giảm nghèo.

Trà Vinh tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững, hạn chế phát sinh hộ nghèo và tái nghèo; tiếp tục hỗ trợ, chăm lo về đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, hố xí hợp vệ sinh, bảo hiểm y tế… Đồng thời, tỉnh hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, đa dạng các hình thức sinh kế, nhân rộng các mô hình giảm nghèo; chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất để tăng hiệu quả kinh tế.

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường tổ chức đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn, nhất là người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số; khuyến khích và huy động sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ người nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.

Tỉnh ủy Trà Vinh yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất nhận thức và hành động toàn xã hội trong thực hiện quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp giảm nghèo bền vững. Tỉnh đẩy mạnh phong trào thi đua giảm nghèo trên địa bàn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua: “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Mỗi xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình giảm nghèo tiêu biểu”; xây dựng và nhân rộng các mô hình, sáng kiến hay về giảm nghèo…

Ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, đến cuối năm 2020, Trà Vinh còn 5.204 hộ nghèo, chiếm 1,8% và 16.650 hộ cận nghèo, chiếm 5,76% số hộ trong toàn tỉnh. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh huy động tổng nguồn vốn gần 9.500 tỷ đồng để thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo trên địa bàn.

Với số tiền trên, Trà Vinh đầu tư xây dựng và duy tu, bảo dưỡng gần 600 công trình hạ tầng trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; thực hiện 432 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho hơn 6.600 hộ. Tỉnh cũng hỗ trợ hơn 3 triệu thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, xã đảo, xã đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ gần 182.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số vay vốn ưu đãi, với tổng doanh số cho vay gần 3.100 tỷ đồng để phát triển sản xuất...

Thanh Hòa (TTXVN)
Những mô hình giảm nghèo nhanh, bền vững tại huyện miền núi Như Xuân
Những mô hình giảm nghèo nhanh, bền vững tại huyện miền núi Như Xuân

Từng là vùng đất nghèo khó, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) đã bứt lên trở thành điểm sáng đầy tiềm năng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN