Tại sự kiện, Ban Thường vụ hai tỉnh Bắc Giang, Hải Dương xác định các nội dung hợp tác trong giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, sẽ tăng cường phối hợp, n ghiên cứu, trao đổi thông tin trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của hai tỉnh bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, hợp lý, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông vận tải, công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông tăng cường kết nối không gian giữa hai tỉnh, bao gồm việc phối hợp đầu tư hoàn thành xây dựng cầu Đồng Việt và đường dẫn hai bên đầu cầu, phấn đấu thông xe toàn tuyến trước tháng 9/2024, tỉnh Bắc Giang đầu tư kéo dài tuyến nhánh đường tỉnh 293 đi chùa Vĩnh Nghiêm, xây dựng cầu qua sông Lục Nam kết nối với đường Côn Sơn - Kiếp Bạc. Cùng với đó, tỉnh Hải Dương đầu tư đoạn tuyến còn lại kết nối đến đường Côn Sơn - Kiếp Bạc, phấn đấu khởi công trước năm 2025.
Tỉnh Bắc Giang nghiên cứu, bổ sung vào quy hoạch tuyến đường từ đường tỉnh 293 (khu du lịch Suối Mỡ, huyện Lục Nam) kết nối với đường tỉnh 398B (khu vực chùa Thanh Mai, thành phố Chí Linh) để kết nối giữa Khu di tích đặc biệt Quốc gia Côn Sơn - Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai (Chí Linh, Hải Dương) với khu du lịch Suối Mỡ và Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (Bắc Giang).
Tỉnh Hải Dương rà soát bổ sung quy hoạch bến thủy nội địa (cảng hành khách) tại đền Kiếp Bạc để kết nối tuyến du lịch với bến thủy nội địa chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Hai địa phương sẽ cùng phối hợp đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải sớm đầu tư mở rộng Quốc lộ 37 đoạn Chí Linh - Lục Nam - Kép, kết nối với cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn và xây dựng cầu đường bộ Cẩm Lý tách khỏi đường sắt. Đồng thời, đề nghị khôi phục tuyến đường sắt Kép - Hạ Long.
Cùng đó, phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Ninh sớm hoàn thiện Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là di sản thế giới, khai thác hiệu quả tuyến du lịch kết nối Côn Sơn - Kiếp Bạc tỉnh Hải Dương với chùa Vĩnh Nghiêm, suối Mỡ, khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử, tỉnh Bắc Giang.
Phát biểu tại hội nghị, Bí Thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái khẳng định, Bắc Giang và Hải Dương là hai tỉnh giáp ranh, có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, quy mô dân số, cùng nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội và trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về tăng cường hợp tác thúc đẩy liên kết vùng; những năm qua, hai tỉnh Hải Dương - Bắc Giang đã triển khai nhiều chương trình, nội dung hợp tác. Trên cơ sở các các nội dung hợp tác ký kết, các cấp, các ngành, các địa phương hai tỉnh đã cụ thể hóa và tập trung phối hợp triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực.
Tỉnh Hải Dương được định hướng phát triển trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, là trung tâm công nghiệp động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng, tỉnh Bắc Giang được xác định là trung tâm công nghiệp, hạt nhân quan trọng và động lực thúc đẩy phát triển của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
Trước yêu cầu nhiệm vụ mới và để đẩy mạnh phát triển địa phương, khẳng định vị trí, vai trò trong vùng thì yêu cầu về tăng cường hợp tác giữa các tỉnh, nhất là các tỉnh giáp ranh càng trở nên quan trọng, cấp thiết. Đặc biệt, là trong bối cảnh tính liên kết nội vùng, liên vùng hiện nay đang được đánh giá là còn rất yếu.
Bí Thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng nhấn mạnh, chương trình hợp tác này tạo tiền đề để hai tỉnh ngày càng gắn bó, hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ, góp phần tích cực phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và cả vùng. Bí Thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng đề nghị, trong thời gian tới, hai tỉnh nâng cao hơn nữa việc hợp tác đã ký kết từ năm 2019 đến nay. Đồng thời, hai bên cùng rà soát kết nối giao thông, có giải pháp thúc đẩy xây dựng công trình như cầu Cẩm Lý, Quốc lộ 37.
Thời gian qua, Ban Thường vụ hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đã tích cực, chủ động ký kết 2 văn bản về chương trình phối hơp, triển khai liên kết hợp tác trên 13 lĩnh vực, với 34 nội dung, nhiệm vụ cụ thể toàn diện trên các lĩnh vực từ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đến tăng cường hợp tác liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; trong đó, phối hợp triển khai thực hiện 11/13 lĩnh vực, với 31/34 nội dung, nhiệm vụ cụ thể.
Qua đó, đã đạt được một số kết quả có ý nghĩa tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của mỗi địa phương và có những đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển chung của khu vực và cả nước.
Tuy nhiên, hoạt động hợp tác, liên kết phát triển giữa hai tỉnh còn một số hạn chế, tồn tại như: triển khai xây dựng một số tuyến giao thông kết nối, về cải cách hành chính, chuyển đổi số triển khai thực hiện chậm, chưa có kết quả cụ thể; trên các lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị chưa có có chương trình, văn bản phối hợp cụ thể.
Các nội dung phối hợp chủ yếu là trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, chưa có nhiều nội dung hợp tác có hiệu quả cao và kết quả cụ thể; chưa có nhiều sự phối hợp trong thực hiện một số vấn đề về phát triển liên vùng, sự phối hợp chưa được thường xuyên, liên tục...