Bà Rịa-Vũng Tàu nhận diện những sơ hở, sai sót trong phòng dịch

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã quyết liệt bắt tay vào phòng, chống dịch COVID-19 từ rất sớm. Tuy nhiên, sau 2 tháng (kể từ khi có ca nhiễm bệnh đầu tiên trên địa bàn-ngày 28/6) và 3 đợt giãn cách theo Chỉ thị 16, số ca mắc mới ở Bà Rịa-Vũng Tàu mỗi ngày cứ “nhùng nhằng” ở mức 2 con số và tại các báo cáo vẫn nhận định dịch bệnh trong “tầm kiểm soát” nhưng đến nay vẫn chưa thể dứt điểm được.

Đánh chặn từ xa tốt

Ngày 28/6, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên là một ngư dân mới đi biển về ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền. Dù không tìm được nguồn lây từ biển vào hay trong đất liền, nhưng ngay đầu tháng 7, tỉnh đã lập các chốt kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào tỉnh trên tất cả các tuyến Quốc lộ 51, 55, 56.

Đến ngày 8/7, tỉnh tiếp tục lập thêm 10 chốt kiểm dịch trên toàn tuyến biển. Như vậy, bất kể người, phương tiện nào ra, vào tỉnh đều phải qua kiểm dịch.

Chú thích ảnh
Tăng cường tuần tra, kiểm tra xử lý người ra đường đảm bảo đúng đối tượng. 

Việc lập các chốt kiểm dịch này đã giúp tỉnh ngăn chặn cơ bản nguồn lây từ bên ngoài vào tỉnh. Rất nhiều trường hợp mắc COVID-19 được phát hiện tại các chốt và đưa đi cách ly ngay đã giúp tỉnh không để bùng phát dịch diện rộng.

Biện pháp “đánh chặn từ xa” này cũng được tỉnh áp dụng với Côn Đảo ngay từ đầu tháng 6/2021 khi dừng hết các chuyến bay, tàu cao tốc ra đảo. Nhờ đó, Côn Đảo đã an toàn, không nhiễm ca COVID-19 nào đến nay.

Tuy nhiên, vẫn còn một số ca từ các chợ đầu mối tại TP Hồ Chí Minh lọt qua các chốt đã khởi phát dịch lan ra các địa phương trong tỉnh suốt 2 tháng qua. Tỉnh đã nhanh chóng, quyết liệt, dứt khoát trong truy vết và khoanh vùng, phong tỏa để dập dịch. Thậm chí, thành phố Vũng Tàu đã được tỉnh cho áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 từ rất sớm (ngày 14/7) ngay sau khi dịch xuất hiện ở địa bàn 8 ngày với 2 ổ dịch là chợ Vũng Tàu và chợ Rạch Dừa. Ngày 15/7, huyện Xuyên Mộc cũng đã phong tỏa, thực hiện Chỉ thị 16 với xã Bàu Lâm ngay sau khi phát hiện 4 học sinh của xã dương tính với SARS-CoV-2.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã kiên quyết yêu cầu các doanh nghiệp, công ty thực hiện “3 tại chỗ” hoặc phải đưa đón công nhân viên đi làm bằng xe ô tô, ban đầu cũng gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp nhưng đến nay đã tạm ổn và đúng với chủ trương “sản xuất phải toàn, an toàn để sản xuất”. Khí thế chống dịch cũng tăng cao hơn khi từ 21/7, phường Thắng Nhất (thành phố Vũng Tàu) thành lập các chốt tự quản tại các con hẻm, khu phố để bảo vệ an toàn cho người dân bên trong và sau đó lan ra toàn tỉnh thành chốt bảo vệ “vùng xanh”.

Tỉnh cũng nhanh chóng phát hiện và nhân rộng mô hình Đoàn thanh niên đi chợ giúp dân của thành phố Vũng Tàu, đồng thời, tổ chức xét nghiệm miễn phí cho toàn bộ người giao hàng để có thêm lực lượng tham gia hỗ trợ công tác chống dịch… Nhờ đó, điểm nóng dịch ở huyện Châu Đức đã dần bị dập tắt, số ca mắc của huyện Xuyên Mộc giảm dần, giữ được huyện Đất Đỏ nhiều ngày không nhiễm dịch.

Các hoạt động sản xuất quan trọng liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia như khí, điện, khai thác dầu khí, thông thương tại hệ thống cảng biển hay công trường dự án trọng điểm Hóa dầu Long Sơn (với khoảng 10.000 công nhân và kỹ sư đang làm việc) và khá nhiều nhà máy trong 12 khu công nghiệp của tỉnh vẫn diễn ra ổn định, an toàn.

Nhưng sơ hở từ bên trong

“Đánh chặn” từ xa tốt, có nhiều thời gian cho xử lý dịch ở bên trong nên đến khoảng thời gian cuối tháng 7, trong các thông báo hàng ngày của Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh vẫn nhận định công tác phòng chống dịch đang đi đúng hướng. Thực tế, số ca mắc mới hàng ngày không cao, chủ yếu là trong khu cách ly tập trung, khu phong tỏa và ngày có số ca F0 cao nhất là mức 188 ca (ngày 4/8).

Nhận định có khả năng xảy ra lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung, ngày 6-7/8, tỉnh thực hiện chuyển bớt các F1 sang các khu cách ly mới với tối đa chỉ 2 người/phòng và xây dựng quy trình an toàn từ khâu tiếp nhận, bố trí riêng từng khu, chia ca giờ ăn, dùng camera giám sát… Mấy ngày sau đó, số ca F1 thành F0 trong các khu cách ly tập trung đã giảm nhanh, kéo số ca mắc mới toàn tỉnh xuống còn dưới 100 ca/ngày.

Số ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn tỉnh đến hết ngày 27/8 là 3.205 ca và 27 ca tử vong, tập trung chủ yếu ở địa bàn huyện Long Điền, Xuyên Mộc và thành phố Vũng Tàu. Bên cạnh đó, tỉnh đã giao các đơn vị rà soát, thiết lập sẵn hệ thống cơ sở cách ly tập trung, hệ thống điều trị bệnh nhân COVID-19 với số lượng, quy mô lớn giúp tỉnh không bị động trong cách ly và điều trị. Hiện các cơ sở này mới hoạt động khoảng 1/3 công suất. Ngoài ra, nguồn nhân lực y tế, trang thiết bị cho xét nghiệm, điều trị cũng không quá thiếu thốn, cho thấy tỉnh đã rất chủ động trong phòng dịch.

Tuy nhiên, vào cuối đợt giãn cách thứ 2 và đợt 3 giãn cách bổ sung 10 ngày (từ 16-25/8), mặc dù các biện pháp giãn cách còn được siết chặt hơn, nhưng cùng với các ca mắc mới trong khu phong tỏa, khu cách ly, hàng ngày vẫn xuất hiện mới các ca trong cộng đồng. Theo thống kê, trong đợt 3, trung bình mỗi ngày tỉnh có 47,1 ca F0, trong đó có 7,1 ca cộng đồng và chưa có dấu hiệu đi xuống. Tỉnh cần phải đánh giá toàn diện, tìm hiểu sâu các căn nguyên dẫn đến tình trạng trên.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 ngày 25/8, các thành viên trong Ban Chỉ đạo đánh giá biến thể Delta lây lan quá mạnh, chu kỳ lây nhiễm ngắn và thừa nhận tỉnh đã lúng túng. Rất may công tác phòng, chống đã được triển khai quyết liệt, từ sớm, vừa làm vừa kịp thời rút kinh nghiệm nên đã hạn chế, kìm chế, không để dịch bùng phát, lan rộng.

Phân tích thực trạng các ổ dịch, nguồn lây, cơ chế lây nhiễm, các thành viên Ban Chỉ đạo kết luận đã sơ hở, thiếu sót, “chặt ngoài, lỏng trong” (kể cả khu đã phong tỏa) ở những địa bàn mật độ dân cư cao, cuộc sống khó khăn, nhiều lao động thời vụ, theo ngày công tại các làng cá của thị trấn Long Hải (huyện Long Điền) và phường Thắng Nhì, Phường 5 (quanh khu vực cảng cá INCOMAP), Phường 11 (gần khu vực cảng cá Cát Lở) của thành phố Vũng Tàu. Vì thế, dịch tại những khu vực này cứ luôn âm ỷ, lan ra, chờ chực bùng phát.

Bên cạnh đó, thời gian trả kết quả xét nghiệm chậm (có đợt tới 3-4 ngày) khiến cho việc khoanh vùng, cách ly, truy vết chậm. Công tác truy vết còn sót chưa kịp thời, triệt để nên bỏ sót F1, F2. Việc phân bổ lực lượng chống dịch tại chỗ từ tỉnh xuống tới từng tổ dân cư chưa thật sự hợp lý, chưa đúng trọng tâm, trọng điểm, phân tán, làm tiêu hao nguồn lực; việc quản lý người giao hàng chưa chặt; chưa phát huy hết vai trò người dân trong phát hiện, đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm giãn cách, vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh…

Nhận diện rõ những sơ hở, sai sót trên, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 thống nhất tiếp tục thực hiện giãn cách toàn tỉnh (trừ huyện Côn Đảo) thêm 14 ngày (đợt 4 từ 26/8 đến 8/9), Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh yêu cầu toàn lực lượng phòng, chống dịch phải thực hiện các biện pháp đề ra với nguyên tắc “cứng rắn, dứt khoát và triệt để”.

Theo đó, các “vùng đỏ” gồm toàn bộ thị trấn Long Hải (huyện Long Điền) và một số khu phố của phường Thắng Nhì (thành phố Vũng Tàu) sẽ đưa các lực lượng vào để kiểm soát và cung cấp nhu yếu phẩm cho từng nhà, đảm bảo nghiêm ngặt “ai ở đâu, ở yên đó”. Các “vùng xanh” cũng được quản lý như “vùng đỏ”. Thậm chí, cán bộ, công chức, viên chức cũng được yêu cầu làm việc tại nhà (trừ trường hợp làm công tác phòng chống dịch và viên chức giáo dục đào tạo các cấp học); tạm dừng hoạt động các cảng cá, đánh bắt thuỷ hải sản để truy tìm hết F0, đồng thời, chấn chỉnh hoạt động lấy mẫu xét nghiệm, trả kết quả; cấp và quản lý các người giao hàng bằng mã QR...

Song song đó, tỉnh yêu cầu tất cả các địa phương, phường, xã, thị trấn rà soát lại toàn bộ các hộ gia đình, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nằm trong các diện hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh và nhanh chóng giúp cơ sở, người dân hoàn thiện thủ tục, sớm nhận trợ cấp, đảm không bỏ sót một ai. Nơi nào làm chậm, sót, để dân đói sẽ bị xử lý. Tỉnh cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể tích cực cứu trợ lương thực, thực phẩm giúp dân vượt qua khó khăn.

Với những biện pháp quyết liệt trên, hy vọng, đợt giãn cách lần thứ 4 này sẽ là bước ngoặt giúp tỉnh dập tắt hoàn toàn dịch COVID-19 trên địa bàn.

Bài và ảnh: Mạnh Dương (TTXVN)
Đề nghị đình chỉ lãnh đạo trạm y tế xã làm lây lan dịch bệnh ở Bà Rịa-Vũng Tàu
Đề nghị đình chỉ lãnh đạo trạm y tế xã làm lây lan dịch bệnh ở Bà Rịa-Vũng Tàu

Bà Lê Thị Trang Đài, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã ký công văn số 5180/UBND-NV gửi Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc đề nghị đơn vị này đình chỉ công tác đối với bà Nguyễn Thị Trưng và ông Phan Xuân Thành là Trưởng và Phó Trạm Y tế xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) do thiếu tinh thần trách nhiệm, làm lây lan dịch COVID-19 trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN