Để đạt được các mục tiêu trên, ông Phạm Thái Bình, Phó chánh Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới tỉnh An Giang cho biết, An Giang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới phù hợp với từng giai đoạn trên địa bàn, triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trên địa bàn nhằm biểu dương, khích lệ tập thể, cá nhân, tạo sự lan tỏa trong nhân dân, cộng đồng và xã hội.
"Trong xây dựng nông thôn mới tỉnh đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với phát triển công nghiệp chế biến", ông Bình chia sẻ.
Theo ông Phạm Thái Bình, thời gian tới An Giang tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp. Cùng đó, gắn kết với nông dân thực hiện mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sự phát triển bền vững các loại hình hợp tác; giúp củng cố tiêu chí về tổ chức sản xuất và tăng thu nhập bền vững cho người nông dân.
Tính ngày 30/1/2023, An Giang có 3 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới gồm: Thành phố Châu Đốc, thành phố Long Xuyên và huyện Thoại Sơn.
An Giang phấn đấu đến hết năm 2025 có thêm 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới gồm: huyện Chợ Mới, huyện Châu Thành và thị xã Tân Châu. Tuy nhiên, qua rà soát kết quả thực hiện theo Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 08/3/2022, huyện Châu Thành hiện chỉ đạt 2/9 tiêu chí; 15/36 chỉ tiêu.
Tương tự, huyện Chợ Mới chỉ đạt 1/9 tiêu chí và 17/36 chỉ tiêu của bộ tiêu chí huyện nông thôn mới. Thị xã Tân Châu hiện có 5/9 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 1 xã nông thôn mới nâng cao. Để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2025, ba đơn vị trên phải đảm bảo 100% số xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, 10% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 100% số phương đạt chuẩn văn minh đô thị…
Năm 2022, UBND tỉnh An Giang đã công nhận thêm 8 xã gồm xã Phú Thọ, Phú Tân, Vĩnh Hòa (thị xã Tân Châu); xã An Thạnh Trung, Mỹ An, Long Giang, Hội An (huyện Chợ Mới); xã An Phú (huyện Tịnh Biên) và xã Tân Tuyến (huyện Tri Tôn) đạt chuẩn xã nông thôn mới. Lũy kế đến hết năm 2022, toàn tỉnh An Giang 68 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Năm 2022, An Giang có thêm 7 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao như: Xã Phú Thuận, Vĩnh Chánh và Mỹ Phú Đông (huyện Thoại Sơn); xã Cần Đăng (huyện Châu Thành); xã Mỹ Khánh (thành phố Long Xuyên); xã Thới Sơn (huyện Tịnh Biên) và xã Tà Đảnh (huyện Tri Tôn), nâng tổng số xã nông thôn mới nâng cao toàn tỉnh lên 27 xã.
Thực hiện bộ tiêu chí xã nông thôn mới đến đầu năm 2023, An Giang có 77 xã đạt 19 tiêu chí, trong đó có 68 xã đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới; có 16 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 23 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí. Số tiêu chí đạt bình quân/xã là 14 tiêu chí.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang khẳng định, chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh dần đi vào đời sống của người dânnông thôn và được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp trong xã hội. Đặc biệt, việc kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, liên tục đối với các ngành, các cấp từ đó kịp thời hướng dẫn; tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc triển khai thực hiện chương trình.
"Trong quá trình triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn An Giang xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhiều mô hình hiệu quả được thực hiện từ đó rút ra được bài học kinh nghiệm và nhân rộng đến nhiều địa phương trong tỉnh góp phần tạo sự lan tỏa và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ để ra trong xây dựng nông thôn mới", ông Lâm cho biết.
Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, một số huyện trên địa bàn tỉnh có quyết tâm chính trị rất cao, tăng cường kiểm tra, chỉ đạo và có kế hoạch thực hiện cụ thể trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện; nhất là các địa phương được chọn làm điểm để tiếp tục thực hiện để phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
An Giang là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc gồm Kinh, Khmer, Chăm, Hoa… và nhiều tôn giáo khác nhau cùng sinh sống. Theo phong tục, tín ngưỡng của một số dân tộc và tôn giáo người sau khi mất phải được chôn cất nghiêm trang, không sử dụng hình thức hỏa táng. Do đó, đối với chỉ tiêu tỷ lệ hỏa táng quy định cứng >10% đối với bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao là chưa phù hợp với đặc điểm văn hóa từng dân tộc trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, An Giang sẽ có kiến nghị Trung ương giao UBND tỉnh quy định để phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.