TTXVN nâng cao hiệu quả thông tin tới đồng bào dân tộc

Chiều 24/9, tại Hà Nội, Thông tấn xã Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả thông tin của TTXVN tới đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Phó Tổng Giám đốc TTXVN Lê Duy Truyền chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có ông Chu Tuấn Thanh - Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền - Ủy ban Dân tộc và lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các đơn vị thuộc TTXVN.


Phó Tổng giám đốc TTXVN Lê Duy Truyền phát biểu khai mạc hội thảo.


Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Lê Duy Truyền khẳng định: Trong suốt 69 năm ra đời và phát triển của TTXVN, mảng thông tin hướng tới vùng DTTS và miền núi, cũng như thông tin về những vùng này tới nhân dân cả nước và công chúng quốc tế, luôn được coi trọng và đã trở thành một trong những đề tài trọng điểm trong thông tin của TTXVN. Các chuyên trang, chuyên mục về vùng DTTS và miền núi trên các sản phẩm thông tin của TTXVN cung cấp cho các cơ quan báo chí và cung cấp trực tiếp cho công chúng trong và ngoài nước ngày càng được nâng cao về số lượng và chất lượng.


“Hiện nay, tất cả các đơn vị chủ chốt của TTXVN đều tham gia sản xuất thông tin về vùng dân tộc thiểu số. Có khoảng 100 nhà báo TTXVN thường trú tại các tỉnh, hàng trăm lượt cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên… của TTXVN trực tiếp tham gia sản xuất thông tin về vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các phóng viên của TTXVN đã không quản khó khăn, lặn lội đến các vùng sâu, xa nhất của đất nước để có được những tin, bài và bức ảnh về vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Từ hơn 20 năm nay, TTXVN đã phát hành những ấn phẩm chuyên phục vụ vùng DTTS và miền núi như các bản tin anh Dân tộc và Miền núi, tiền thân của tờ Báo ảnh Dân tộc và Miền núi song ngữ ngày nay, với 8 ngữ đang phát hành và sẽ tăng lên 11 ngữ từ năm 2015. Thực hiện Quyết định 975/QĐ-TTg ngày 27/6/2006 và nay là Quyết định 2472/QĐ-TTg ngày 28/12/2011, Báo Tin tức của TTXVN là một trong 20 tờ báo, tạp chí đã và đang được cấp phát miễn phí cho cán bộ vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, các đồn biên phòng trong toàn quốc”, Phó Tổng giám đốc TTXVN nhấn mạnh.

 

Toàn cảnh buổi hội thảo.

 

Tuy nhiên, cũng theo Phó Tổng giám đốc Lê Duy Truyền, thông tin dành cho vùng DTTS và miền núi cũng như thông tin về các vùng này của các cơ quan báo chí Việt Nam, trong đó có TTXVN, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của đồng bào, cũng như yêu cầu thông tin, tuyên truyền của Đảng và Nhà nước ta đối với các vùng chiến lược này. Chính vì vậy, Ban lãnh đạo TTXVN thời gian qua đã xác định rõ cần phải tiếp tục đổi mới trong cách tiếp cận, truyền tải thông tin cho phù hợp với trình độ dân trí, phong tục tập quán, ngôn ngữ của từng dân tộc, từng địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả của mảng thông tin về và tới vùng DTTS và miền núi, đáp ứng yêu cầu của công tác thông tin tuyền truyền trong tình hình mới; và đây cũng chính là nội dung tập trung của hội thảo khoa học lần này.


Ông Chu Tuấn Thanh, Vụ trưởng Vụ Tuyên Truyền - Ủy ban Dân tộc.

 

Tại hội thảo khoa học, các đại biểu đã trình bày các tham luận, tập trung tìm giải pháp để nâng cao hiệu quả thông tin của TTXVN tới đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cũng như hiệu quả thông tin về đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phát biểu tại Hội thảo, ông Chu Tuấn Thanh, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc, đã khẳng định: “Với chủ trương và định hướng chung là ưu tiên đầu tư đưa thông tin về cơ sở, đưa văn hóa đọc lên vùng cao, UBDT đã xây dựng Chương trình phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam về công tác tuyên truyền cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2014-2020. Đây là chương trình dài hạn, nội dung thiết thực, tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa về đổi mới và cách tiếp cận nhằm truyền tải thông tin đến đồng bào dân tộc thiểu số nhanh nhất, thông tin được nhiều nội dung có giá trị và chất lượng tuyên truyền, hướng dẫn cho đồng bào dân tộc đẩy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc… hướng tới làm giàu trên mảnh đất của mình. Mục tiêu của Chương trình phối hợp là đẩy nhanh thông tin chất lượng cao, phù hợp, sát với thực tế tâm tư, nguyện vọng của người dân có nhu cầu là đáp ứng, giải đáp kịp thời, chuyển tải đầy đủ mọi chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện hiệu quả về chính sách dân tộc và công tác dân tộc của Nhà nước ta”.

 

Tổng biên tập báo Tin Tức Nguyễn Quang Vinh (giữa): "Báo Tin Tức xác định nhiệm vụ trọng tâm là truyền tải chủ trương, chính sách, đưa chính sách của Đảng và Nhà nước tới với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời đưa tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số đến với Đảng và Nhà nước; qua đó đưa chính sách vào cuộc sống, để ý Đảng- lòng dân trở thành một”.


Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng biên tập báo Tin Tức – kênh thông tin của Chính phủ, do TTXVN phát hành, đã nhấn mạnh về vai trò cầu nối của Báo Tin Tức trong việc mang tiếng nói của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo ông Nguyễn Quang Vinh, là tờ báo đang thực hiện Quyết định 2472/QĐ-TTg và Quyết định 1977/QĐ-TTg, về việc hỗ trợ phát triển báo chí phục vụ vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, thời gian qua, báo Tin Tức đã liên tục có những cải tiến đổi mới, nâng cao hiệu quả thông tin đối với đồng bào, nhằm thực hiện vai trò là cầu nối của Đảng đến với đồng bào: “Để góp phần tích cực và chủ động trong công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với MNDT, nơi có vị trí địa chiến lược, địa kinh tế đặc biệt quan trọng của đất nước, báo Tin Tức đã xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về Tây Bắc – Tây Nguyên- Tây Nam Bộ, chuyên trang miền núi và Dân tộc trên các ấn phẩm của mình để phản ánh toàn diện, chính xác, khách quan việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tại mỗi vùng, những địa phương cụ thể; những kết quả và cả những khó khăn, bất cập trong việc triển khai thực hiện các chính sách đó; ý kiến của lãnh đạo các cấp; đặc biệt là cán bộ cơ sở và nhân dân, phản ánh với Đảng và Nhà nước tâm tư nguyện vọng của họ cùng với những kiến nghị mang tính xây dựng; so sánh việc triển khai các chính sách tại mỗi vùng, mỗi địa phương để rút ra những bài học kinh nghiệm cùng các kiến nghị hợp lý để chúng ta phát huy hoặc điều chỉnh cho chính sách thật sự đi vào cuộc sống, thật sự phát huy hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân”, ông Nguyễn Quang Vinh nói.

 

Ông Trần Quốc Khánh, Tổng biên tập báo Dân tộc và Miền núi.

 

Về phía báo ảnh Dân tộc và Miền núi, ông Trần Quốc Khánh, Tổng biên tập báo, cho biết: Thực hiện Kết luận của Ban Bí thư, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tháng 7/2012, Thông tấn xã Việt Nam chính thức ra mắt Báo ảnh Dân tộc và Miền núi song ngữ đầu tiên bằng 5 chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer, Bahnar, Jrai, Êđê, Chăm. Từ tháng 4/2013, tiếp tục ra mắt thêm 3 ấn phẩm song ngữ mới bằng chữ viết của đồng bào Mông, K’ho, M’nông, nâng tổng số ấn phẩm xuất bản mỗi kỳ lên 8 song ngữ khác nhau, với số lượng 50.000 cuốn/kỳ, phát hành tới gần 50.000 địa chỉ của hơn 40 tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Nam bộ và Nam Trung bộ. Từ tháng 1/2015, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi sẽ xuất bản thêm 3 song ngữ bằng chữ viết của đồng bào các dân tộc Tày, Xê đăng, Cơ tu với gần 20,000 cuốn/kỳ, phát hành trên địa bàn hơn 10 tỉnh nữa. Đây là việc làm thiết thực của TTXVN nhằm cụ thể hóa quyền tồn tại và quyền được hỗ trợ phát triển tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số đã được ghi trong Hiến pháp, các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Nhà nước cùng cam kết của Chính phủ với quốc tế về bảo tồn và phát triển chữ viết đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Phát biểu tổng kết hội thảo, Phó Tổng giám đốc Lê Duy Truyền khẳng định: Hội thảo khoa học đã gợi mở những định hướng cho sự phát triển của TTXVN nói riêng và hệ thống báo chí Việt Nam nói chung, trong việc làm sao để truyền tải thông tin đến vùng dân tộc và miền núi một cách hiệu quả, cũng như cung cấp được thông tin của vùng dân tộc, miền núi tới với toàn xã hội, với bạn bè quốc tế. Đây thực sự là một vấn đề lớn, nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.


Ông Chu Tuấn Thanh: Báo Tin tức, Thông tấn xã Việt Nam, sau gần ba năm thực thiện chính sách cấp báo miễn phí cho các đối tượng là UBND xã, thôn bản của 69 huyện nghèo theo Nghị Quyết 30a của Chính phủ, Uỷ ban các xã đặc biệt khó khăn, các thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn, UBND các xã biên giới theo Quyết định 2472/QĐ-TTg, ngày 28/12/2011 với số lượng phát hành là 312 kỳ/năm (Báo ngày cho các đối tượng theo chương trình 135 của Chính phủ); đã phát hành đến các đối tượng thụ hưởng hàng tỷ số báo trong năm, thông tin nhiều chuyên mục, chuyên đề, chuyển tải, cập nhật thường xuyên các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến người dân, các tin, bài, ảnh được đăng tải có nhiều nội dung phong phú, đa dạng trên cơ sở thông tin nhanh và nhiều tin bài có giá trị trong việc hướng dẫn để người dân tiếp cận đọc qua báo và làm theo hướng dẫn của Báo, với các chuyên mục xây dựng kinh tế nông thôn, thoát nghèo qua chuyển đổi thay thế giống cây trồng, vật nuôi, trao đổi diễn đàn thông qua cách làm giàu của những nông dân tiêu biểu xuất sắc trong lao động sản xuất giỏi.

 

Ông Phạm Đình Quyền, Trưởng ban Ban Biên tập sản xuất ảnh:Miền núi của chúng ta còn nghèo lắm. Cuộc sống của đồng bào dân tộc còn gian nan lắm. Hành trình đến mục tiêu rút ngắn khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi mà chúng ta đặt ra đã đi được bao xa? Và liệu có thể đo đếm được cái khoảng cách ấy bằng những bức ảnh báo chí của chúng ta? Trách nhiệm viết lịch sử bằng ánh sáng và khoảnh khắc của những người làm báo bằng ảnh đã thực hiện đến đâu? Chúng ta cần lắm những bức ảnh biết làm “đau lòng người”: Những bữa cơm nhiều tháng chỉ có măng rừng và rau dại, những ngôi nhà run rẩy trước mỗi cơn lũ về... Những bức ảnh mang theo những nỗi đau, những sự thật không hề dễ chịu nhưng có lẽ rất cần thiết cho cuộc đời này. Những bức ảnh ấy, tôi nghĩ, sẽ làm xã hội bớt đi sự vô cảm, và hơn cả, sẽ góp phần tạo nên một sự đồng lòng, một nỗ lực mới trong việc xây dựng, phát triển vùng dân tộc, miền núi – nơi từng chắt chịu, nuôi dưỡng cách mạng trong những tháng ngày khởi đầu gian nan. Tháng 10 này, những phóng viên Ban Biên tập Ảnh đầu tiên xung phong đi thường trú tại các địa bàn miền núi, dân tộc trọng điểm: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và các địa bàn quan trọng khác, sẽ lên đường. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi những cân đong, đo đếm riêng tư đang chiếm một vị trí không nhỏ trong suy nghĩ của nhiều người thì “phong trào” tình nguyện đi miền núi của lớp trẻ Ban Biên tập Ảnh hôm nay thật đáng trân trọng. Mang theo tất cả tình cảm, trách nhiệm sâu sắc và ý thức chính trị lớn lao của những người làm báo thông tấn, họ đến với đồng bào dân tộc, đến với những vùng đất còn nhiều khó khăn gian khổ để sống cùng, cảm nhận cùng đồng bào trong mỗi bữa ăn, giấc ngủ, để mỗi bức ảnh gửi về “nặng tình” hơn, mang nhiều hơi thở của cuộc sống hơn, góp phần vào sự nghiệp thông tin vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

 

Bà Hà Mai An, Trưởng ban Biên tập tin Trong nước:Nhằm nâng cao chất lượng công tác thông tin vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong thời gian tới, Ban Biên tập tin Trong nước tập trung mở rộng nguồn thông tin, đa dạng hóa các chủ đề thông tin, tạo nguồn thông tin ngày càng phong phú, đa dạng, hấp dẫn, đúng định hướng. Cần tăng cường thông tin thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, đi sâu phản ánh những thuận lợi cũng như những khó khăn, bất cập trong thực hiện các chủ trương, chính sách trong thực tiễn đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chú ý thông tin về đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, thực hiện chính sách tín ngưỡng, tôn giáo ở vùng dân tộc và miền núi. Phóng viên thường trú tại các địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần chú ý khai thác, phản ánh đặc thù trong phát triển kinh tế-xã hội ở các địa bàn, những nét đặc trưng của cộng đồng các dân tộc thiểu số trong đời sống văn hóa-xã hội; phản ánh tiếng nói của đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc. Đồng thời chú ý khai thác, phát hiện những vấn đề mới, vấn đề nóng trong đời sống xã hội vùng miền núi, dân tộc, thông tin kịp thời, đúng định hướng.”

 

Trọng Thủy- Việt Hoàng

TTXVN nâng cao hiệu quả thông tin tới đồng bào dân tộc
TTXVN nâng cao hiệu quả thông tin tới đồng bào dân tộc

Chiều 24/9, tại Hà Nội, Thông tấn xã Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả thông tin của TTXVN tới đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Phó Tổng giám đốc TTXVN Lê Duy Truyền chủ trì hội thảo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN