Tết của đồng bào Mông ở Tây Bắc

Tết truyền thống của đồng bào dân tộc Mông được tổ chức trước Tết Nguyên đán của người Việt một tháng, người Mông trắng gọi là Chia sùng lầu - Tết tháng 12. 

Theo quan niệm của người Mông, ngày Tết là ngày vui, ngày sum họp của các thành viên trong gia đình, Tết còn là dịp để mọi người, kể cả vật nuôi hay các dụng cụ lao động đều được nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm lao động vất vả. Tết đến mang lại niềm vui cho bản, gia đình và mọi người.

Việc trang trí ban thờ tổ tiên phải có giấy bản và lông gà.


Người Mông cắt giấy bản, dán các dụng cụ lao động với ý nghĩa thông báo năm mới đến rồi, con người và mọi vật đã làm việc vất vả, cần được nghỉ ngơi, vui chơi, ăn Tết...



Chuẩn bị mâm cúng xong, chủ nhà làm lễ cúng tổ tiên, thần linh và các loại ma, cảm ơn đã phù hộ và che chở cho gia đình một năm an lành, cầu mong năm mới tốt đẹp hơn năm cũ.



Tết đến, trên khắp các thôn bản người Mông sinh sống đều nhộn nhịp hơn hẳn những ngày thường, nhà nhà đều mổ lợn, mua sắm các vật dụng cần thiết, mặc trên mình những bộ trang phục đẹp nhất để ăn Tết, vui Tết và đi chơi Tết. Đây là Tết to và lớn nhất trong năm của người Mông, mang ý nghĩa tổng kết thành quả lao động của năm cũ, báo cáo với tổ tiên, Tết này dâng lễ vật cúng tổ tiên, cầu năm mới gia đình làm ăn phát triển, gặp nhiều may mắn hơn năm cũ, cầu cho mọi người được mạnh khỏe, đây là dịp mọi người được vui chơi Tết, anh em đi lại thăm hỏi nhau.

Vào dịp lễ, Tết, đồng bào Mông thường làm món thịt chuột sấy để đãi khách.



Sau bữa cơm sum họp gia đình đầu năm mới, các bản tổ chức các trò chơi truyền thống để thi tài như: Ném pao, chơi tù lu, múa khèn…



Trước Tết, các gia đình đều phải vào rừng chặt cây trúc về để quét dọn chỗ thờ tổ tiên và quét nhà với ý nghĩa quét mọi cái bẩn, cái xấu của năm cũ trôi đi, để cầu mong sự tốt lành. Ngày Tết, các gia đình cũng phải tắm gội sạch sẽ với ý nghĩa tương tự.


Mùa xuân, mùa hoa cải nở rộ, cũng là mùa hạnh phúc của các đôi nam nữ hẹn hò, tìm hiểu nhau để kết duyên chồng vợ.


Trong những ngày Tết sẽ diễn ra nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa sôi động, các cụ già thì chúc tụng nhau sức khỏe, đây cũng là dịp để các đôi trai gái tìm hiểu, giao lưu, mở hội vui các trò chơi dân gian, hát giao duyên. Sau Tết, người dân bắt tay vào công việc lao động sản xuất.

Bài và ảnh: Việt Hoàng

Những điệu múa truyền thống  của đồng bào Chăm
Những điệu múa truyền thống của đồng bào Chăm

Hòa mình trong lễ hội của người Chăm, những cô gái Chăm trong chiếc áo dài truyền thống thướt tha với điệu múa nhịp nhàng, uyển chuyển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN