Xây dựng nông thôn mới vùng dân tộc và miền núi - Bài 1

Khơi dậy sự đồng lòng của nhân dân

Đồng bào các dân tộc thiểu số ở các bản của xã Hua Nà, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, luôn chung sức, đồng lòng, nỗ lực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Việc hiến đất hay góp công sức cùng Nhà nước xây dựng hạ tầng, làm đường giao thông nông thôn, không còn là chuyện lạ với người dân ở đây.

Mọi việc trong bản đều được chính quyền bàn bạc với dân.


Đại diện xã cho biết: Khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, khó khăn lớn nhất ở xã Hua Nà là việc thực hiện các tiêu chí liên quan đến đường giao thông, lực lượng lao động… bởi thay đổi được nếp nghĩ, cách làm từ bao đời nay của người dân không phải là điều dễ dàng. Gần như tiêu chí nào cũng khó thực hiện, cũng thấy xa vời trong khi địa phương còn khó khăn, cuộc sống của đồng bào dân tộc còn nghèo. Nhưng sau khi được tuyên truyền, vận động, đồng bào đã hiểu và đồng lòng thực hiện.

Ông Lù Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Hua Nà cho biết, đến nay xã đã đạt 8/19 tiêu chí nông thôn mới. Với một số tiêu chí cần vốn, khó thực hiện, xã lên kế hoạch riêng để triển khai, đảm bảo hoàn thành đúng theo lộ trình đề ra.

Với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã đã lên kế hoạch thực hiện tiêu chí làm đường bê tông liên thôn ở 4 bản làm điểm đó là bản Hua Nà, bản Đán Đăm, bản Phường và bản Nà Mả với tổng chiều dài trên 2 km. Trong đó, tổng vốn Nhà nước hỗ trợ 860 triệu đồng, công của người dân đóng góp được tính trị giá trên 400 triệu đồng. Để thực hiện tốt điều này, Ban chỉ đạo thường xuyên cử cán bộ xuống tuyên truyền trong nhân dân toàn xã đặc biệt là tại 4 bản làm điểm. Qua các buổi họp bản, người dân đã hiểu rõ lợi ích từ xây dựng nông thôn mới này khác với chương trình 30a, 135. Từ sự đồng thuận, nhiều gia đình đã góp hàng chục ngày công và hàng trăm mét vuông đất vườn, ao, ruộng cho chủ trương này.

Đồng bào ở Hua Nà đưa giống lúa năng suất cao vào gieo cấy.


Khi đoàn chúng tôi đến bản Đán Đăm, Hua Nà, người dân đang dọn dẹp, mở rộng tuyến đường nối sang một bản khác trong xã. Chúng tôi đã được chứng kiến không khí lao động hăng say của nhân dân. Giữa bản, từng tốp người đang cầm cuốc, rìu, xẻng dỡ bụi tre, tốp phía cuối bản thì đang tập trung đóng cọc, kè bờ ao để mở rộng con đường. Bản Đán Đăm là một trong bốn bản được chọn làm điểm về xây dựng đường giao thông liên thôn bản của xã Hua Nà.

Còn ông Thèn Văn Nhau, ở bản Phường, Hua Nà chia sẻ: Xây dựng nông thôn mới, gia đình ông đã hiến hàng chục m2 đất vườn, ruộng để làm đường, phục vụ dân sinh. Ngoài gia đình ông Thèn Văn Nhau, còn rất nhiều gia đình tiên phong hiến đất để những con đường được mở rộng như hộ bà Hà Thị Sân, hiến 10 m2 ao cá; ông Vàng Văn Đăm hiến gần 30m2 ao cá; ông Lò Văn Giẳng đã hiến cả bụi tre lâu năm của gia đình khi tuyến đường đi qua.

Ông Vàng Văn Đăm, cho hay: Khi biết xã có chủ trương mở rộng đường giao thông liên thôn bản, gia đình đã tự nguyện hiến gần 30 m2 đất ao để làm đường. Ông suy nghĩ mình làm vậy để người dân đi lại thuận tiện hơn, mùa mưa không còn lầy lội, trơn trượt nữa. Ông còn vận động một số hộ cùng tham gia lao động góp sức đẩy nhanh tiến độ hoàn thành con đường sớm nhất.


Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự nỗ lực chung sức, đồng lòng của đồng bào các dân tộc, tin rằng chương trình xây dựng nông thôn mới ở xã vùng khó Hua Nà sẽ về đích đúng theo lộ trình.


Nguyễn Duy

Bài cuối: Khởi sắc ở Ya Xiêr
Kinh nghiệm từ xã nông thôn mới Chi Lăng
Kinh nghiệm từ xã nông thôn mới Chi Lăng

Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn có thêm niềm vui được UBND tỉnh Lạng Sơn trao quyết định đạt chuẩn nông thôn mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN