Những người “vác tù và hàng tổng”

Không được trả một đồng tiền công, nhưng những vận hành viên trong các tổ vận hành bảo trì hệ thống nước ở xã Nấm Lư, huyện Mường Khương (Lào Cai) vẫn hằng ngày đảm bảo nước sinh hoạt cho hàng nghìn nhân khẩu của xã.

Ông Phạm Xuân Thái, Bí thư Đảng ủy xã Nấm Lư cho biết: Xã Nấm Lư có 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó 80% là dân tộc Nùng, còn lại là đồng bào dân tộc Mông, sinh sống ở 14 thôn, tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao. Là xã vùng cao, thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, nên hệ thống thủy lợi, hệ thống cấp nước sinh hoạt của xã... được bà con coi như tài sản của nhà mình, tự giác bảo vệ.

“Từ ý thức trách nhiệm ấy của bà con, lãnh đạo xã quyết định thành lập Tổ vận hành bảo trì hệ thống nước, các thành viên trong tổ do nhân dân trong thôn bầu chọn, hoạt động hoàn toàn tự nguyện và miễn phí. Riêng tổ trưởng Tổ vận hành phải là Trưởng thôn đảm nhiệm, do Chủ tịch UBND xã quyết định”, Bí thư Phạm Xuân Phái cho biết.

Đồng hồ nước được lắp đặt đến từng hộ.

Pạc Ngam là thôn đầu tiên được đầu tư hệ thống nước sinh hoạt từ năm 1995, đến nay đã hơn 20 năm, nhưng nhờ tinh thần trách nhiệm và nhiệt tình của Tổ vận hành, hệ thống nước này vẫn sử dụng tốt.

Trưởng thôn Pạc Ngam, ông Ly Văn Đường, cho biết, tất cả 93 hộ trong thôn đều sử dụng nước sinh hoạt từ hệ thống nước được Tổ chức UNICEF hỗ trợ xây dựng từ năm 1995. Bằng nguồn vốn từ chương trình 134, 135 của Nhà nước, hệ thống nước này cũng đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Đồng hồ nước được lắp đặt đến từng hộ gia đình, với giá 500 đồng/m3. Số tiền nước thu được hàng tháng dành toàn bộ cho việc duy tu, bảo dưỡng hệ thống nước.

Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ vận hành Ly Văn Đường, phân nước từ bể chính về từng nhóm hộ.

Khi được hỏi về “bí quyết” nào để duy trì, vận hành hệ thống nước được bền vững như vậy, Trưởng thôn Ly Văn Đường khiêm tốn: “Thực ra cũng không có bí quyết gì, mà vấn đề nằm ở ý thức của người dân. Người dân vùng cao rất quý trọng nước, nên họ có ý thức hơn trong việc sử dụng nước, bảo vệ nguồn nước và các công trình nước. Bên cạnh đó, các tổ vận hành cũng có quy định, nếu hộ nào làm hư hỏng chỗ nào của hệ thống nước phải tự chịu trách nhiệm sửa chữa. Mặt khác tất cả các đường ống dẫn nước về thôn, về từng hộ đều được chôn sâu từ 20 - 30 cm để tránh trâu, bò, ngựa dẫm vỡ hỏng. Vào thời điểm mùa khô, khan hiếm nước, chúng tôi phải cắt cử nhau đi phân chia nước cho từng nhóm hộ theo giờ, nên đảm bảo trong ngày hộ nào cũng có nước để sử dụng và họ cũng chủ động để lấy nước chứa vào lu hoặc bể... Đây cũng là cách làm để tránh trường hợp người dân không có nước lại tự ý chích đường ống lấy nước về”.

Anh Lù Tà Pín, một người dân trong thôn Pạc Ngam tắm mát cho đàn lợn.

“Đến nay, 14/14 thôn của xã đều có tổ vận hành bảo trì hệ thống nước, mỗi tổ cơ cấu 3 người. Cũng nhờ các tổ vận hành này mà từ nhiều năm nay nước sinh hoạt không còn là nỗi lo của chính quyền và người dân nữa”, Bí thư Phạm Xuân Phái khẳng định.
Bài và ảnh: Trọng Thủy
Lào Cai phát triển cây bản địa
Lào Cai phát triển cây bản địa

Bên cạnh việc đưa giống cây mới cho năng suất chất lượng cao vào trồng tập trung như: Chuối, dứa, chè, quýt, ngô; các huyện nghèo ở Lào Cai còn tập trung khôi phục lại giống cây bản địa có giá trị kinh tế cao và cây lê đang là hy vọng thoát nghèo cho nhiều hộ đồng bào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN