Mô hình điểm "Ban Tuyên vận" ở Lào Cai

Thực hiện Đề án "Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng và khoa giáo tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011 – 2015”, đến nay Lào Cai đã có 36/144 xã có "Ban Tuyên vận". Hoạt động của mô hình điểm Ban Tuyên vận cấp cơ sở bước đầu đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi.

Nhân dân thôn Na Lốc, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, hiến đất và tự đóng góp công sức, khai thác vật liệu, mở đường liên thôn vào bản.


Đầu tháng 1/2012, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương là một trong số 36 xã của Lào Cai được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chọn làm thí điểm mô hình Ban Tuyên vận cấp xã. Đồng chí Vương Văn Lâm- Bí thư Đảng ủy xã Bản Lầu, Trưởng ban Tuyên vận xã, cho biết: Mặc dù, Ban chỉ có 7 người, phụ trách 21 thôn, bản, nhưng do cách thức làm việc gần dân, sát cơ sở, luôn "lắng nghe ý kiến của nhân dân" và "nói cho dân hiểu", nên mọi công việc từ vận động bà con nhân dân các dân tộc chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đến thi đua lao động sản xuất giỏi vươn lên xóa đói, giảm nghèo đều được thực hiện một cách suôn sẻ.


Đồng bào dân tộc vốn tin vào kết quả của việc làm hơn là việc tuyên truyền giải thích suông, vì vậy kinh nghiệm của Bản Lầu là chọn những người có uy tín trước dân, chăm chỉ lao động và thoát nghèo, biết hướng dẫn và giúp đỡ dân bản cùng thoát nghèo, để làm cán bộ tuyên vận thôn, xã. Ông Thào Dìn ở thôn Cốc Phương là một trong những người đầu tiên được Ban Tuyên vận xã chọn làm thành viên "tuyên vận" trong đồng bào Mông.


Bản thân ông Dìn không chỉ sản xuất giỏi, mỗi năm thu trên 300 triệu đồng từ bán chuối và dứa, mà còn giúp đỡ bà con vốn, kỹ thuật sản xuất. Để đến hôm nay, cả hai thôn Na Lốc và Cốc Phương, với gần 50 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Mông, (trước đây 70% là thiếu đói) đã vươn lên khá và giàu bền vững. Xã đã xuất hiện hàng chục hộ tỷ phú từ trồng, kinh doanh chuối, dứa, như các hộ ông Thào Chính Minh, Thào Dì, Vàng Seo Dìn... .


"Việc xây nhà lầu đối với các hộ giàu ở Bản Lầu giờ đã là chuyện nhỏ. Đã có vài hộ mua xe hơi..." bà Vàng Thị Phương - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bản Lầu cho biết. Bản Lầu có hơn 1.300 hộ dân với 5.700 nhân khẩu, cư trú tại 21 thôn, bản. Xã có 11 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào Mông chiếm 31%, Giáy 16%, Nùng 14%... Hết thời điểm năm 2012, xã không còn hộ thiếu đói, hộ cận nghèo chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ ở thôn Đồi Gianh.


Từ vận động làm kinh tế hiệu quả, các thành viên trong Ban Tuyên vận xã vận động bà con xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Đến nay Bản Lầu là xã đầu tiên của cả tỉnh Lào Cai không có hiện tượng du canh du cư và ma chay dài ngày, cưới xin thách đố cao. Đây cũng là xã biên giới điểm sáng về bảo vệ an ninh thôn bản, không có tệ nạn xã hội, không có phụ nữ và trẻ em bỏ đi khỏi nhà và thất học.


Các đoàn thể và tổ chức chính trị xã hội đã vào cuộc làm công tác tuyên vận. Theo bà Vàng Thị Phương - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, hiện nay 160 hội viên Hội Cựu chiến binh xã đã trở thành những tấm gương xây dựng mô hình "Gia đình 5 không": Không có hội viên và gia đình hội viên vi phạm pháp luật, mắc các tệ nạn xã hội; không di cư tự do; Không có con cháu tảo hôn; không có hộ đói nghèo, nhà tạm; Không nghe và tin theo các luận điệu tuyên truyền gây mất đoàn kết dân tộc. Ban Tuyên vận còn có sáng kiến giúp hội CCB có cách làm mới 1+5", tức là một gia đình CCB tích cực, phải có trách nhiệm giúp đỡ 5 gia đình trong dòng họ.


Theo đồng chí Cao Đức Hải - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai, mô hình Ban Tuyên vận ở Lào Cai đã tạo chuyển biến trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tin và thực hiện theo các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vươn lên xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.


Xã Khánh Yên Hạ (huyện Văn Bàn) là một xã vùng 3, từ khó khăn về kinh tế đã dẫn tới tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, nhưng nhờ Ban Tuyên vận tổ chức vận động và tham quan các mô hình làm kinh tế giỏi của xã Cốc San, (huyện Bát Xá); xã Bản Lầu ( huyện Mường Khương) mà đã biết chuyển dịch cơ cấu kinh tế thay các cây trồng vật nuôi năng suất thấp bằng các cây con năng suất cao. Bà Lư Thị Tiểng - Phó Ban Tuyên vận xã Khánh Yên Hạ, cho biết: Từ khi có mô hình tuyên vận, các tổ chức ban, ngành, đoàn thể đã chủ động hơn xuống cơ sở trực tiếp vận động, giúp nhân dân tham gia chung sức xây dựng nông thôn mới bằng các việc làm cụ thể như san gạt, đắp lề đường, vận chuyển vật liệu làm nhà văn hóa, làm đường giao thông liên thôn, giúp được những gia đình khó khăn, những hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo.


Bài học rút ra từ mô hình điểm chính là kinh nghiệm vận động và huy động sức dân. "Dễ ngàn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong", Bác Hồ lúc sinh thời thường dạy những người làm công tác dân vận như vậy.


Bài và ảnh:Lục Văn Toán

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN