Nhân rộng nhóm sinh hoạt dân số để giảm tảo hôn

Ngành dân số huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền để đồng bào hiểu rõ hơn về hậu quả của nạn tảo hôn đến chất lượng dân số và quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

 

Cán bộ dân số huyện Thuận Châu tuyên truyền về hậu quả của tảo hôn.


Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) tỉnh Sơn La, trong 6 tháng đầu năm 2014, huyện Thuận Châu có hơn 190 trường hợp tảo hôn, chiếm gần 30% tổng số cặp vợ chồng đã kết hôn. Đặc biệt, có nhiều xã tỷ lệ tảo hôn trong độ tuổi từ 12 - 17 lên đến 50%.


Theo đánh giá của các cán bộ dân số, tình trạng tảo hôn ở Thuận Châu gia tăng là do trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, nhiều quan niệm lạc hậu, họ muốn con cái lập gia đình sớm để có thêm lao động trong nhà. Ngoài ra, địa bàn các xã lại rộng, bà con sống không tập trung, khoảng cách giữa các nhà dân xa cũng khiến cho công tác tuyên truyền trở nên khó khăn hơn.


Tảo hôn dẫn đến hệ lụy mang thai ở tuổi vị thành niên, trước hết sẽ gây ảnh hưởng sức khỏe của vợ - chồng, nhất là người vợ, trong khi cơ thể đang phát triển chưa hoàn thiện phải nuôi dưỡng bào thai dẫn đến cả mẹ và con đều bị ảnh hưởng.

 

Cung cấp tờ rơi cảnh báo về tình trạng tảo hôn được phát đến tận tay người dân.


Em Quàng Thị Lan, bản Nà Hay, xã Thôm Mòn là một minh chứng cho điều này. Lan cho biết: “Năm 16 tuổi khi đang học phổ thông em nghỉ học lấy chồng, sinh con. Cháu đã gần 1 năm tuổi, nhưng vẫn gầy gò, đau ốm thường xuyên và chỉ nặng chưa đến 5 kg. Khi em đến bệnh viện khám, bác sỹ nói em mới biết do mang thai ở lứa tuổi vị thành niên, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, chưa đủ các điều kiện để nuôi dưỡng bào thai, nên đã ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi”.


Đứng trước tình hình này, huyện Thuận Châu đã có nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn như thành lập, duy trì hoạt động của các mô hình giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống tại các xã Muổi Nọi, Phổng Lái, É Tòng và Mường Khiêng, trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện. Huyện còn thường xuyên duy trì sinh hoạt, tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các mô hình theo từng tháng, quý.


Ông Hà Văn Lai, Giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Thuận Châu cho biết, thời gian tới, huyện Thuận Châu sẽ tiếp tục củng cố và tạo điều kiện cho các điểm tư vấn, nhóm sinh hoạt nâng cao hoạt động để thu hút ngày càng nhiều đối tượng tham gia, nhân rộng các nhóm sinh hoạt câu lạc bộ dân số; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác DS - KHHGĐ cấp xã, cộng tác viên, phát huy vai trò của nhân viên y tế bản, cộng tác viên dân số, già làng, trưởng bản… để giảm tình trạng tảo hôn.


Bài và ảnh: Lê Hữu Quyết

Báo động nạn tảo hôn ở Thuận Châu - Sơn La
Báo động nạn tảo hôn ở Thuận Châu - Sơn La

Hiện nay, tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh Sơn La; trong đó, huyện Thuận Châu được biết đến là địa phương có tỷ lệ tảo hôn cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN