Người dân đang 'ngóng' khu tái định cư khi mùa mưa lũ tới

5 dự án xây dựng khu tái định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Trà Bồng, Tây Trà, Ba Tơ, Minh Long và Sơn Tây do Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, với kinh phí gần 60 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương.

Chú thích ảnh
Điểm sạt lở khoét hàm ếch sâu vào nhà dân tại xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi). Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN

Các dự án này nhằm di dời khoảng 230 hộ dân miền núi đang sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn để yên tâm sinh hoạt, sản xuất. Mặc dù được triển khai từ cuối năm 2016 và đầu năm 2017, nhưng đến nay, các khu tái định canh, định cư này vẫn chưa hoàn thành để người dân có thể vào ở.

Anh Phạm Văn Ne, ở thôn Nước Y, xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ là một trong 39 hộ dân nằm trong diện được di dời đến khu tái định canh, định cư Nước Y, xã Ba Vinh. Mùa mưa bão năm 2017, sạt lở núi đã vùi lấp một phần ngôi nhà của anh. Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của gia đình, anh đã được chính quyền xã Ba Vinh cho phép tái định cư ở Khu tái định canh, định cư Nước Y.

Nhưng đến nay do khu tái định canh, định cư chưa hoàn thành nên gia đình anh Ne vẫn phải ở tại nơi ở cũ với sự lo lắng mỗi ngày. “Khi biết tôi là một trong những hộ được vào tái định cư ở khu tái định canh, định cư Nước Y thì rất vui mừng. Nhưng mùa mưa bão đã đến mà khu tái định cư vẫn chưa xong để bà con vào ở thì ai cũng lo lắng, bởi nơi ở hiện tại có nguy cơ sạt lở núi rất cao”, anh Ne cho biết.

Công trình khu tái định canh, định cư Nước Y, xã Ba Vinh, với diện tích khoảng 20.539m2, tổng mức đầu tư trên 10,7 tỷ đồng. Dự án bắt đầu xây dựng từ năm 2017 để đưa 39 hộ dân trong diện chịu ảnh hưởng sạt lở núi tái định cư an toàn trong mùa mưa lũ năm 2017.

Ông Phạm Văn In, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vinh, cho biết: “Khu tái định canh, định cư Nước Y xây dựng đã lâu nhưng khi hoàn thành, chưa đưa vào sử dụng đã bị nứt, sụt lún khiến chính quyền và người dân càng lo lắng hơn. Chúng tôi đề nghị chủ đầu tư và nhà thầu có giải pháp khắc phục triệt để vấn đề để khi người dân vào tái định cư không còn nỗi lo sạt lở. Không chỉ vậy, việc nhà san ủi mặt bằng đã làm ảnh hưởng đến một số thửa ruộng của người dân địa phương, nên chúng tôi cũng đề nghị nhà thầu sớm khắc phục”.

Còn khu tái định canh, định cư Nà Kpác, thôn Gỗ, xã Trà Thanh, huyện Tây Trà được đầu tư gần 13 tỷ đồng, nhằm tái định cư cho 49 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở núi. Theo quyết định phê duyệt, dự án hoàn thành trước 30/6/2017 và tổ chức di dời dân vào khu tái định cư trước mùa mưa lũ năm 2017.

Sau nhiều lần gia hạn tiến độ, đến thời điểm này, chủ đầu tư và chính quyền địa phương vẫn chưa tổ chức di dời người dân vào nơi ở mới. Mùa mưa lũ đã bắt đầu, vì sống trong vùng sạt lở núi nên người dân luôn lo lắng.

Anh Hồ Văn Thiết, xã Trà Thanh, cho hay: “Nhà có trẻ nhỏ nên vào mùa mưa bão tôi càng lo lắng hơn. Một số vật dụng cần thiết để dựng nhà tại khu tái định cư tôi cũng đã chuẩn bị sẵn nhưng chờ mãi vẫn chưa được chuyển vào”.

Mùa mưa lũ năm 2017, người dân ở thôn Gỗ, xã Trà Thanh đã nhiều lần phải bỏ nhà cửa, chạy tránh nạn trong đêm. Do đó, người dân và chính quyền xã Trà Thanh cũng đã yêu cầu chủ đầu tư sớm hoàn thành công trình để triển khai di dời các hộ dân vào tái định cư.

Ông Hồ Xuân Mẫn, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Thanh, cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị đến chủ đầu tư đề nghị khẩn trương hoàn thành công trình để người dân vùng sạt lở được vào nơi ở an toàn nhưng đến nay công trình vẫn chưa hoàn thành. Nếu mùa mưa lũ năm 2018 này, các hộ dân vẫn không được tái định cư thì chính quyền địa phương lại phải chuẩn bị để di dời dân trong những ngày mưa bão”.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, đến nay, các khu tái định canh, định cư đã hoàn thành khoảng 95%. Ban Dân tộc tỉnh đang kiểm tra và hoàn thành các hồ sơ để bàn giao cho chính quyền địa phương. Tuy vậy, trong số các khu tái định canh, định cư này có một số khu có vướng mắc như Khu tái định canh, định cư tại xã Sơn Lập, huyện Sơn Tây và xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ bị nứt, sạt lở ta luy khi chưa đưa vào sử dụng. Do đó, Ban dân tộc tỉnh đã cùng với nhà thầu, Ban quản lý bàn kế hoạch xử lý an toàn trước khi bàn giao cho địa phương.

Ông Nguyễn Thế Nhân, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Đến thời điểm hiện tại thì các khu tái định canh, định cư đã chậm trễ so với quy định rất nhiều. Chúng tôi đang tập trung hoàn thành các thủ tục để cuối tháng 11/2018 bàn giao các khu tái định canh, định cư ở xã Long Mai, huyện Minh Long; xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng và xã Trà Thanh, huyện Tây Trà cho chính quyền địa phương.

Còn tại các khu tái định canh, định cư của xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ và xã Sơn Lập, huyện Sơn Tây đang bị nứt, sạt lở thì phải khắc phục để đảm bảo chất lượng mới đưa vào sử dụng. Qua kiểm tra, tôi thấy chất lượng công trình chưa được cao lắm, trong đó phần lớn do sự chủ quan của nhà thầu, trong quá trình thi công chưa đảm bảo đúng yêu cầu thiết kế cũng như chất lượng công trình”.

Đinh Thị Hương (TTXVN)
Kon Tum khẩn cấp di dời dân vùng sạt lở
Kon Tum khẩn cấp di dời dân vùng sạt lở

Tối 16/8, huyện Tumơrông, tỉnh Kon Tum tiếp tục vận động gần 100 hộ dân ở làng Tu Thó, xã Tê Xăng, về nơi ở tạm, an toàn hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN