Ngăn chặn tình trạng bán điều non, cầm cố đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Phước Ma Ly Phước cho biết, tình trạng cầm cố đất sản xuất, vay lãi suất cao trong đồng bào dân tộc thiểu số đang diễn ra trên địa bàn tỉnh.

Chú thích ảnh
Cán bộ thôn Thác Dài, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập vận đồng bà con không cầm cố đất đai. Ảnh: K GỬIH/TTXVN

Hàng trăm hộ phải bán vườn điều non (bán vườn điều có thời hạn), sang nhượng đất do Nhà nước cấp vì bị kẻ xấu lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bà con để trục lợi.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước, hàng trăm hộ đồng bào dân tộc đang đi vay lãi suất cao và 371 hộ đem đất vườn sản xuất điều đi cầm cố và bán điều non. Điều đáng nói là 160 hộ vừa được Nhà nước cấp đất sản xuất cũng rơi vào hoàn cảnh trên.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước, qua nắm tình hình cho thấy, việc mua bán điều non, cho vay lãi suất cao và sang nhượng đất xảy ra trong cộng đồng bà con dân tộc thiểu số xuất phát từ các giao dịch dân sự bình thường trong đời sống của người dân. Tuy nhiên, tình hình ngày càng đáng lo ngại hơn khi các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số để dụ dỗ, lừa đảo, ép giá, khiến đồng bào không trả nợ được rồi quay sang siết đất, ép bán vườn điều non. Người dân không còn đất sản xuất, đời sống khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Chỉ thị tăng cường quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các cơ quan, ban ngành của huyện đã tích cực tuyên truyền về tác hại của việc bán điều non, cầm cố, thế chấp đất, vay tiền lãi suất cao.

Để ngăn chặn thực trạng cầm cố bán điều non trong cộng đồng bà con dân tộc thiếu số, tỉnh yêu cầu các huyện, thị tăng cường công tác rà soát, nắm bắt các vụ việc, tuyên truyền giúp bà con hiểu biết và nhận thức về tác hại khi đem đất đi cầm cố. Bên cạnh đó, các địa phương phối hợp với cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bao gồm đất sản xuất ổn định; tạo thuận lợi cho đồng bào thế chấp vay vốn ngân hàng, hạn chế vay lãi suất cao.

Tỉnh yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng và UBND cấp xã tăng cường quản lý hoạt động công chứng, chứng thực các hợp đồng giao dịch mua bán điều non, vay mượn tiền, cầm cố, sang nhượng đất nhằm bảo vệ lợi ích của đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời ngăn chặn tình trạng mua bán đất được cấp từ các chương trình chính sách. Đồng thời,các cơ quan chức năng tăng cường công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán điều non, vay tiền, cầm cố đất, sang nhượng đất có hành vi chèn ép, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi.

Tỉnh Bình Phước cũng yêu cầu chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngân hàng chính sách trong việc nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, lồng ghép có hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm... với hoạt động tín dụng chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, công tác khuyến nông, tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật về thâm canh tăng năng suất vườn điều được tăng cường để người dân thấy được lợi nhuận từ vườn điều của mình, từ đó hạn chế việc đi bán đất, bán điều non.

Dương Chí Tưởng (TTXVN)
Vẫn nhức nhối vấn nạn tảo hôn tại Sơn La
Vẫn nhức nhối vấn nạn tảo hôn tại Sơn La

Năm 2017, tỉnh Sơn La có gần 1.500 cặp tảo hôn trên tổng số khoảng 8.000 cặp kết hôn, tập trung vào đối tượng là người dân tộc thiểu số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN