Người 'truyền lửa' cồng chiêng M’nông

Với mong ước duy trì nghệ thuật cồng chiêng trong đời sống cộng đồng, ông Y’ Quyết Liêng ở buôn Ja, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) đã say mê truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ, nhằm nối tiếp dòng chảy văn hóa của dân tộc.

Ông Y’ Quyết Liêng dạy các thế hệ trẻ cách đánh cồng chiêng của người M’nông.

Sinh ra và lớn lên trong cái nôi văn hóa của người M’nông trên Cao nguyên Đắk Lắk, tiếng cồng chiêng luôn xuất hiện trong các lễ hội của buôn làng, vang vọng trong mỗi căn nhà của người M’nông khi gia đình có chuyện vui, Y’ Quyết Liêng đã được thưởng thức âm vang cồng chiêng ngay từ nhỏ.

Ông Y’ Quyết Liêng chia sẻ, đam mê cồng chiêng từ nhỏ nên ông quyết tâm theo học bằng được cách đánh chiêng. Ban đầu chỉ là những bài chiêng tre đơn giản, sau đó là những bài chiêng đồng điêu luyện của một thanh niên trưởng thành. Qua các mùa lễ hội, Y’ Quyết Liêng đã trở thành “tay” đánh chiêng có tiếng của cộng đồng người M’nông tại buôn Ja.

Trước nhịp sống của xã hội hiện đại, nhiều phong tục tập quán dần mai một, văn hóa cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên cũng đứng trước nguy cơ bị thất truyền. Là người nặng lòng với văn hóa dân tộc, Y’ Quyết Liêng luôn trăn trở về việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng. “Trước đây người già, người trẻ trong buôn đều biết đánh cồng chiêng, đều mê tiếng chiêng. Nhưng bây giờ, nhiều gia đình không giữ được chiêng trong nhà, trẻ em, thanh niên cũng ít người biết đánh chiêng. Mất tiếng chiêng là mất văn hóa của dân tộc nên cần lưu giữ nó trong thế hệ trẻ của buôn làng”, ông Y’ Quyết Liêng tâm sự.

Với mong muốn lưu giữ giá trị văn hóa của dân tộc M’nông nên dù nhiều lần thương lái hỏi mua ba bộ chiêng cổ, ông Y’ Quyết Liêng đã nhất quyết không bán. Đối với ông Y’ Quyết Liêng, ba bộ chiêng chính là bảo vật vô giá của người M’nông. Ông chia sẻ: “Muốn giữ được âm vang cồng chiêng trong đời sống văn hóa của cộng đồng thì phải truyền dạy cho các thế hệ trẻ. Như vậy, tiếng cồng chiêng mới vang vọng khắp buôn làng và trường tồn cùng núi rừng buôn Ja”.

Xuất phát từ mong muốn lưu giữ âm vang cồng chiêng của dân tộc, ông Y’ Quyết Liêng đã từng tập hợp một số người trẻ trong buôn để dạy đánh cồng chiêng, nhưng do điều kiện thời gian và không gian hạn hẹp nên không thể thực hiện được. Trong lúc đang loay hoay nghĩ cách khơi dậy niềm đam mê cồng chiêng trong thế hệ trẻ của buôn Ja, Y’ Quyết Liêng rất vui mừng khôn xiết khi biết tin tỉnh Đắk Lắk mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ ngay tại buôn Ja. Càng vui mừng hơn khi bản thân ông được tham gia giảng dạy cho đám trẻ trong buôn.

Từ mong muốn lưu giữ âm vang cồng chiêng của dân tộc, ông Y’ Quyết Liêng đã tập hợp một số người trẻ trong buôn để dạy đánh cồng chiêng.

Ông Y’ Quyết Liêng dồn hết tâm huyết, kiến thức về cồng chiêng của mình giảng dạy cho thế hệ trẻ từ cách cầm chiêng đến nhịp điệu của từng bài chiêng. Ông Y’ Quyết Liêng cho biết, muốn đánh được cồng chiêng điêu luyện như người già cần hiểu được ý nghĩa của văn hóa cồng chiêng đối với dân tộc M’nông, từ đó mới có đam mê và ra sức học tập. Chính vì vậy, ngoài việc giảng dạy kỹ thuật đánh chiêng, ông Y’ Quyết Liêng luôn nhắc nhở các bạn trẻ về tầm quan trọng của cồng chiêng đối với văn hóa dân tộc, cũng như trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc giữ gìn giá trị văn hóa dân tộc.

Sau một thời gian học tập, nhiều bạn trẻ từ chỗ chưa biết cầm dùi đến nay đã đánh được những bài chiêng đơn giản. Quan trọng hơn là đám trẻ đã bắt đầu có hứng thú với cồng chiêng và ý thức được sứ mệnh gìn giữ văn hóa dân tộc. Điều này đối với ông Y’ Quyết Liêng không chỉ là niềm vui nhất thời, mà còn là niềm hy vọng thế hệ trẻ sẽ tiếp nối truyền thống của dân tộc, lưu giữ âm vang cồng chiêng trong cộng đồng người M’nông, để dòng chảy văn hóa của dân tộc được tiếp nối xuyên suốt đến tương lai.

Không chỉ truyền lửa cho thế hệ trẻ lưu giữ âm vang cồng chiêng, ông Y’ Quyết Liêng còn là người đi đầu trong việc lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đối với ông Y’ Quyết Liêng, ngôi nhà dài truyền thống là không gian văn hóa không thể thay thế trong sinh hoạt gia đình, do đó ông luôn gìn giữ từ kiến trúc bên ngoài đến trang trí bên trong theo kiểu truyền thống. Vì vậy, ghế Kapan, trống cổ da trâu, gùi đan lát… là những vật trang trí không thể thiếu trong ngôi nhà.

Khi nói đến mong ước của bản thân, ông Y’ Quyết Liêng hy vọng các thế hệ trẻ trong buôn sẽ duy trì và phát huy tốt các giá trị văn hóa của người M’nông trên cao nguyên Đắk Lắk. Ông cũng mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, thường xuyên tổ chức phục dựng các lễ hội như cúng bến nước, lễ mừng lúa mới. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm việc truyền dạy cồng chiêng trong các thế hệ trẻ, để giá trị của nghệ thuật cồng chiêng của đồng bào M’nông được bảo tồn, phát triển theo năm tháng.

Bài và ảnh: Tuấn Anh (TTXVN)
Kon Tum bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng
Kon Tum bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng

Vài năm trở lại đây, khi ý thức bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên được nâng cao, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc tại chỗ cũng vì thế được chú trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN