Linh hoạt thực hiện chính sách dân tộc

Tại hội nghị đánh giá một năm triển khai Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 và 3 năm thi hành Nghị định 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 16/7, nhiều đại biểu cho rằng: Nhiều người dân chưa được hưởng hết lợi ích từ các công tác dân tộc của Chính phủ do các văn bản thực hiện công tác dân tộc ban hành chậm, nội dung chồng chéo, chưa thống nhất, các địa phương thì thụ động khi triển khai chiến lược công tác dân tộc…


Chậm hướng dẫn


Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, hiện đã có 135 chính sách/177 văn bản về công tác dân tộc. Trong đó có hai văn bản cao nhất về chính sách dân tộc là Nghị định 05/2011/NĐ-CP và Chiến lược về công tác dân tộc đến năm 2020. Hai văn bản này đã được triển khai nhiều năm trên cả nước nhưng đến nay vẫn còn một số bộ, ngành Trung ương chưa ban hành được các văn bản hướng dẫn để các địa phương thực hiện.

 

Để nâng cao hiệu quả trong công tác dân tộc, các địa phương cần chủ động hơn.


Ông Danh Út, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho biết: “Chính sách về dân tộc, công tác dân tộc đã được triển khai rộng rãi trong cả nước và có nhiều điểm mới, tuy nhiên khâu thực hiện còn nhiều tồn tại. Cụ thể, hiện vẫn còn 4/14 bộ chưa có chương trình, trách nhiệm về công tác dân tộc, 42 tỉnh, thành phố chưa có báo cáo về chương trình hay hành động cụ thể. Chiến lược về công tác dân tộc mới triển khai tại 8/12 bộ và chỉ 23/56 địa phương thực hiện báo cáo về công tác dân tộc…


Ông Lâm Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng phản ánh: Nghị định 05 đã được ban hành cách đây 3 năm, tuy nhiên vẫn còn có cơ quan bộ, ngành liên quan chưa có thông tư hướng dẫn khiến địa phương gặp lúng túng trong việc xây dựng các kế hoạch, chính sách hỗ trợ cụ thể cho đồng bào. Ngoài ra, theo Quyết định 1049 về danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn mới ban hành thì địa phương có xã thuộc vùng diện khó khăn, tuy nhiên đối chiếu với Quyết định 30 (quyết định về thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc miền núi được ban hành trước Quyết định 1049) lại không có xã này. Do đó, địa phương rất cần các bộ, ban, ngành, Chính phủ sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể khi đưa ra các quyết định mới, tránh trường hợp các quyết định sau chồng chéo với các quyết định trước đó.


Không nên chờ đợi


Phát biểu tại hội nghị, ông Giàng Seo Phử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định: Công tác dân tộc là đa lĩnh vực, nhiều công việc, nhiều chính sách và liên quan đến nhiều bộ, ngành cùng triển khai tổ chức thực hiện, cho nên nhiều bộ, ngành vẫn còn chậm chưa ra được các văn bản hướng dẫn cho địa phương. Bộ trưởng đề nghị, trong năm nay các bộ, ngành cũng như các địa phương nào chưa ban hành các văn bản hướng dẫn về công tác dân tộc cần phải sớm ban hành ngay. Các văn bản phải bảo đảm thống nhất với nhau, lồng ghép với nhau về các tiêu chí đánh giá, đầu tư, nguồn… để thực hiện đồng bộ, tích cực, tránh trường hợp chỗ thì cao, chỗ thì thấp, hoặc cùng một địa phương mà mỗi bộ, ngành lại ban hành các tiêu chí khác nhau. Ngoài ra, các bộ, ban, ngành cũng cần rà soát lại các văn bản hiện có, để khi ra các văn bản hướng dẫn mới hoặc sửa đổi thì các văn bản này phải ngắn gọn, dễ hiểu để dân có thể nắm được.


Vừa qua, nhiều địa phương đã có những cách làm hay, nhiều chương trình đột phá để giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc mà không trông chờ vào các văn bản hướng dẫn từ bộ, ban, ngành khi thực hiện các chiến lược về công tác dân tộc. Chẳng hạn, việc bố trí việc làm cho học sinh cử tuyển về công tác tại địa phương, theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, trung bình mỗi tỉnh có khoảng 300 em ra trường không có việc làm. Để giải quyết tình trạng này, mới đây tỉnh Hậu Giang đã có quyết định tất cả con em dân tộc đi học về tỉnh công tác là bố trí việc làm ngay mà không phải thi hay xét tuyển như các tỉnh khác. Hoặc như tỉnh Lâm Đồng, để giải quyết tình trạng trên, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành rà soát số lượng người nghỉ hưu trong vòng 2 năm tới, để sớm đưa các cháu dân tộc vào làm hợp đồng (được tỉnh trả lương) và sẽ bổ sung con em dân tộc vào biên chế chính thức khi có người nghỉ hưu. Ngoài các xã dân tộc miền núi được sự đầu tư từ ngân sách của Trung ương, tỉnh Lâm Đồng còn lựa chọn thêm 100 xã khác để đầu tư, hỗ trợ cho người dân tương đương với mức đầu tư hỗ trợ của Trung ương.


Theo ông Giàng Seo Phử, để công tác dân tộc đạt hiệu quả cao trong thời gian tới và đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho dân, các địa phương không nên chỉ trông chờ vào các văn bản, thông tư hướng dẫn mà cần chủ động lên chương trình, kế hoạch riêng, tổ chức thực hiện sao cho phù hợp với hoàn cảnh của từng địa phương. Trong công tác dân tộc phải thực hiện linh động, không nên thực hiện theo thói quen chờ đợi, nếu có thể cải tiến, phá lệ thực hiện thì lãnh đạo các tỉnh cần có quyết định cụ thể, quan trọng là đem lại lợi ích cao nhất cho người dân.


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết

Giải quyết vướng mắc để thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc
Giải quyết vướng mắc để thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc

Ngày 8/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì buổi làm việc với Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và các bộ ngành Trung ương để nghe báo cáo việc thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2006 - 2014 và đề xuất chính sách giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2030.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN