Gìn giữ văn hóa đặc sắc của dân tộc Sán Dìu

Câu lạc bộ (CLB) hát Soọng cô xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) được thành lập từ năm 2009. Ban đầu CLB chỉ có 35 thành viên, đến nay đã có gần 100 người tham gia. CLB đã góp phần gìn giữ và truyền lại cho lớp trẻ những làn điệu hát Soọng cô truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu, trong khi nét văn hóa đặc sắc này đang dần bị mai một.

Những thành viên cao tuổi CLB hát Soọng cô xã Ninh Lai luôn có mong muốn giữ gìn và phát triển nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình

Chúng tôi về Ninh Lai đúng vào ngày sinh hoạt của CLB hát Soọng cô. Dù mưa to, nhưng vẫn có rất đông người đến sinh hoạt. Từ cụ già cho đến các nam, nữ thanh niên và cả các em nhỏ, khiến cho không khí của buổi sinh hoạt trở nên nhộn nhịp và đầy cuốn hút. Từng làn điệu Soọng cô vang lên làm nao lòng người. Mỗi khi những người trẻ hát sai làn điệu hoặc sai lời hát lại được các thày dạy chỉnh sửa cho từng câu, từng chữ để dần hoàn thiện hơn.

Ông Lục Văn Bảy, người dân tộc Sán Dìu, Chủ nhiệm CLB hát Soọng cô cho biết: Cũng mang nét đặc trưng như trong hát then, hát lượn của dân tộc Tày, hát sli của dân tộc Nùng, hát Soọng cô là làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc Sán Dìu. Xã Ninh Lai có hơn 70% dân số là dân tộc Sán Dìu sinh sống, tuy nhiên số lượng người biết hát Soọng cô còn lại rất ít, chủ yếu là những người cao tuổi, nhưng phong trào hát Soọng cô luôn được bạn trẻ yêu thích.

Thấy được sự cần thiết phải giữ lại nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, năm 2009 xã đã thành lập CLB hát Soọng cô. Ông Bảy cho biết thêm: “Việc dạy hát Soọng cô cho thế hệ trẻ là một việc làm rất cần thiết để dạy dỗ con cháu về công ơn nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ, truyền thụ lại những phong tục, tập quán và kinh nghiệm của cha ông đúc kết. Mặt khác, trong kho tàng các bài hát Soọng cô, nhiều bài đã bị thất truyền do không được ghi chép lại, mà chủ yếu được lưu truyền bằng miệng nên nguy cơ bị mai một là rất lớn.

Ông Lục Đình Trung, 78 tuổi, thành viên CLB hát Soọng cô kể lại: Ông học hát Soọng cô từ khi 15 tuổi. Lúc đầu, ông đi theo các bậc đàn anh, đàn chị và được thưởng thức những giọng hát rất hay với những lời ca đằm thắm, trữ tình mộc mạc, không khí sôi nổi của những đêm hát vẫn còn đọng lại trong tâm trí nhiều ngày sau. Trăn trở trước nguy cơ văn hóa dân tộc mình đang dần mai một, nhiều năm qua ông luôn đau đáu tìm cách để giữ gìn và bảo tồn chúng. Ông tham gia CLB từ khi bắt đầu mới thành lập và ông cùng với các thành viên trong CLB dạy các cháu nhỏ hát, viết tiếng của dân tộc mình.

Em Chu Thị Thủy, 13 tuổi, thôn Cây Đa 1, xã Ninh Lai, thành viên trong CLB cho biết: “Vì tò mò muốn tìm hiểu điệu hát của dân tộc mình như thế nào nên em đã đi học hát. Những buổi học ban đầu thật khó khăn, chúng em phải học thuộc lời bài hát bằng tiếng dân tộc rồi mới đến luyện giọng. Cụ Lục Đình Trung và một số người khác trong CLB đã rất nhiệt tình truyền dạy chúng em hát. Các cụ không chỉ dạy hát làm sao cho đúng giọng mà còn giải thích ý nghĩa từng lời hát, câu hát, giờ đây em có thể hát được 7 làn điệu Soọng cô”.

Hoạt động của CLB bước đầu đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân. Hiện khó khăn của CLB là cơ sở vật chất còn hạn chế, nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu do các thành viên, người dân tham gia tự đóng góp. CLB đang xây dựng quỹ hoạt động, chính quyền xã đang tìm nguồn vốn hỗ trợ. Song điều mà các thành viên CLB hát Soọng cô xã Ninh Lai lúc nào cũng đau đáu là làm sao để duy trì, xây dựng CLB ngày càng vững mạnh, nhanh chóng thu hút được ngày càng nhiều người tham gia.

Bài và ảnh: Quang Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN