Đồng bào Khmer vươn lên thoát nghèo

Xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, với hơn 4.700 người, chiếm 41% dân số toàn xã. Thời gian qua, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, cùng với tinh thần vượt khó vươn lên của mỗi gia đình, cuộc sống của đồng bào Khmer nơi đây ngày càng ổn định hơn.


Ông Thạch An, ở ấp Sóc Ruộng, xã Tân Mỹ cho biết: “Trước đây gia đình tôi nghèo lắm. Do ít đất sản xuất, lại không có nghề nghiệp, nên vợ chồng tôi làm thuê đủ nghề mà đói nghèo vẫn luôn đeo bám. Năm 2010, gia đình tôi được vay 13 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc Khmer nghèo theo Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ. Từ nguồn vốn này, tôi phát triển mô hình chăn nuôi bò với quyết tâm thoát nghèo”.

Bàn gia bò cho người dân theo mô hình “Nuôi bò theo hướng an toàn sinh học” ở xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn. Ảnh: vinhlong.mard.gov.vn

Nhờ siêng năng, cần cù và chịu khó tích lũy, đến nay đàn bò nhà ông An đã phát triển được 4 con. Để ổn định cuộc sống và có điều kiện nuôi con ăn học, vợ chồng ông An đã tích cực làm thêm, trồng sen để tăng thêm thu nhập. Năm 2013, được Nhà nước hỗ trợ một phần và được sự giúp đỡ của người thân, gia đình ông đã xây được căn nhà mới khang trang. Đây cũng là năm mà gia đình ông được xét thoát nghèo.

Còn anh Thạch Út ở ấp Sóc Ruộng được nhiều người ngưỡng mộ bởi với sự siêng năng, ham học hỏi, ý thức tự vươn lên bằng nghị lực của bản thân, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Dẫn chúng tôi đi tham quan ruộng sen đang cho thu hoạch, anh Thạch Út chia sẻ: Về sống tại quê vợ, do không có ruộng đất canh tác, nên vợ chồng anh phải làm nhiều nghề để kiếm sống. Sau thời gian tìm hiểu, thấy mô hình trồng sen trên đất ruộng cho hiệu quả cao hơn so với trồng lúa, vợ chồng anh quyết định thuê 6.000 m2 đất ruộng để trồng sen. Ban đầu, vì không có kinh nghiệm, nên cánh đồng sen cho năng suất thấp. Không từ bỏ, anh tiếp tục tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi để áp dụng cho đồng sen của mình. Giờ đây, mô hình đã giúp anh ổn định cuộc sống, vượt khó thoát nghèo. Với bản tính cần cù, chí thú làm ăn, anh Thạch Út còn tổ chức thu mua nông sản của người dân địa phương để có thêm thu nhập.

Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ, Đặng Văn Ba, cho biết, công tác xóa đói giảm nghèo cho dân tộc Khmer luôn được xã đặt lên hàng đầu. Giai đoạn 2010 - 2015, Tân Mỹ đã huy động từ nhiều nguồn vốn vay, hỗ trợ khoảng 12 tỷ đồng cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và hộ dân tộc trên địa bàn có vốn sản xuất, chăn nuôi. Trong thực hiện các chính sách dân tộc, xã triển khai có hiệu quả các Quyết định 54, 29, 102 của Thủ tướng Chính phủ với số tiền gần 950 triệu đồng. Bên cạnh đó, để giúp đồng bào dân tộc nâng cao hiệu sản xuất, xã phối hợp mở các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế như: Nuôi bò, trồng nấm rơm, trồng sen, đưa cây màu xuống ruộng...

Nhờ vậy, 5 năm qua, xã Tân Mỹ giảm được 430 hộ nghèo, trong đó có khoảng 60% là đồng bào dân tộc Khmer. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ, điều quan trọng nhất là đồng bào dân tộc trên địa bàn xã đã có chuyển biến tích cực về mặt nhận thức. Nếu như trước đây, các hộ dân tộc Khmer chỉ làm nông nghiệp để đủ ăn, giờ đây bà con đã có ý thức vươn lên để khá giàu. Từ sự chuyển biến này, bà con tin tưởng, đồng thuận tham gia các mô hình giảm nghèo, phát triển kinh tế do địa phương khuyến khích thực hiện.

Phạm Minh Tuấn
Sóc Trăng phát triển giáo dục vùng đồng bào Khmer
Sóc Trăng phát triển giáo dục vùng đồng bào Khmer

Sóc Trăng là tỉnh đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về hệ thống các trường dân tộc nội trú dành cho học sinh dân tộc Khmer, với 9 trường dân tộc nội trú ở các huyện, thị, 1 trường dân tộc nội trú cấp tỉnh, hơn 150 trường ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer dạy 2 thứ chữ. Tổng số học sinh dân tộc Khmer ở các cấp học là gần 80.000 em.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN