Để giảm nghèo bền vững cho huyện vùng núi cao

Đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành, đổi mới phương thức canh tác là 2 giải pháp chính đang được tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện tại huyện vùng núi cao Mường Lát - một trong những huyện nghèo nhất nước, nhằm giúp địa phương này giảm nghèo nhanh và bền vững.

Cử cán bộ "nằm vùng"

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho huyện Mường Lát, nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển sản xuất, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập Đoàn công tác chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội huyện Mường Lát. Đoàn công tác "đặc biệt" này bám cơ sở, "nằm vùng" tại huyện Mường Lát từ nay đến 2015 để giúp huyện triển khai thực hiện kế hoạch phát triển sản xuất lâm, nông nghiệp.

Một góc huyện Mường Lát hôm nay.


Bên cạnh đó, đoàn còn thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương về phát triển sản xuất lâm, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đến cán bộ và nhân dân trong huyện; hỗ trợ địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất hàng năm, thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật trồng rừng, khảo sát thiết kế các vườn ươm giống cây trồng lâm nghiệp, quy hoạch xây dựng mô hình sản xuất ruộng bậc thang, nương rẫy cố định, phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Với phương thức "cầm tay chỉ việc", đoàn sẽ cùng với địa phương giúp bà con tìm ra những yếu tố tích cực, mô hình sản xuất có hiệu quả để phát huy, nhân rộng, đồng thời loại bỏ dần những tập quán sản xuất manh mún ít hiệu quả trước đây. Ngoài mục tiêu giúp huyện nghèo thoát nghèo, việc cử cán bộ "nằm vùng" cũng là dịp để lực lượng cán bộ trẻ của tỉnh có thời gian thử thách, trải nghiệm thực tế, từ đó trưởng thành và dày dạn kinh nghiệm hơn.

Đổi mới phương thức sản xuất

Nhằm đảm bảo an ninh lương thực, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và bảo vệ môi trường sinh thái của huyện Mường Lát, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành điều tra, nghiên cứu, xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện. Từ đó đưa ra những giải pháp, phương án phát triển sản xuất phù hợp, giúp đồng bào sớm cải thiện đời sống, tạo thói quen áp dụng phương pháp sản xuất mới, khoa học hơn. Dự kiến từ nay đến năm 2015 huy động trên 144 tỷ đồng để giúp huyện Mường Lát phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp.

Theo đó, trong sản xuất lâm nghiệp, huyện tập trung trồng mới và cải tạo rừng, phấn đấu đến năm 2015 cơ bản hoàn thành phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, đưa độ che phủ rừng lên 63%; trong đó, diện tích trồng mới và cải tạo rừng sản xuất là 19.000 ha, trồng mới rừng phòng hộ và đặc dụng 600 ha. Với sản xuất nông nghiệp, chú trọng kết hợp giữa thâm canh tăng vụ, ổn định và mở rộng diện tích lúa 2.600 ha; phát triển ngô giống mới, sắn cao sản, đậu tương; quy hoạch trên 600 ha trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi, kết hợp xây dựng từ 1 - 2 nhà máy chế biến lương thực và thức ăn gia súc. Chủ động chuyển đổi từ chăn thả tự do sang chăn nuôi bán chăn thả, tiến tới phương thức chăn nuôi cố định, trang trại. Mường Lát phấn đấu đến năm 2015 nâng tổng đàn gia súc lớn từ 33.000 con lên 46.200 con; gia cầm từ 46.800 con lên 150.000 con...

Là huyện vùng cao biên giới, Mường Lát có 6 dân tộc anh em gồm Kinh, Thái, Mường, Dao, Khơ Mú và H'Mông cùng sinh sống. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, đời sống của bà con các dân tộc nơi đây đã được cải thiện nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn trên 50%. Mường Lát đặt mục tiêu từ nay đến năm 2015 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 17% trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 9 triệu đồng/người/năm; toàn huyện có 1 đến 2 xã đạt tiêu chí nông thôn mới... Trong tương lai, với việc ưu tiên triển khai các giải pháp mang tính đột phá nêu trên, Mường Lát sớm thực hiện được mục tiêu đã đề ra, sớm thoát nghèo nhanh và bền vững, hướng tới xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh: Nguyễn Mai Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN