Đầu tư có trọng điểm cho đồng bào dân tộc miền núi

Trong những năm qua, Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chương trình nhằm phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trên thực tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo đói còn cao so với bình quân chung cả nước.

Vùng đặc biệt khó khăn cần được quan tâm đặc biệt

Trước những băn khoăn về mức đầu tư của Nhà nước dành cho mỗi xã khó khăn 1,5 tỷ đồng/năm là không hợp lý và thiếu tính khả thi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho rằng: Vùng đồng bào dân tộc miền núi trong nhiều năm qua được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đặc biệt quan tâm. Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, Nhà nước đã hỗ trợ trực tiếp, giúp đồng bào thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là nhằm xóa đói giảm nghèo bền vững. Nhưng do vùng dân tộc miền núi có điểm xuất phát thấp, địa hình chia cắt mạnh, chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu và môi trường, đời sống và sản xuất của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn. Khoảng cách chênh lệch giữa tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc miền núi và mặt bằng chung cả nước là rất lớn. Chủ trương chung và nhất quán của lãnh đạo Đảng và Nhà nước là kiên trì, trong điều kiện khó khăn, các lĩnh vực khác có thể cắt giảm, giãn tiến độ, nhưng vẫn quan tâm hỗ trợ đầu tư vùng đồng bào dân tộc miền núi.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN


Theo Bộ trưởng, mức đầu tư 1,5 tỷ đồng/năm để xây dựng 4 hạng mục là quá thấp, chưa đủ để các xã khó khăn xoay chuyển tình hình, phát huy hiệu quả vốn đầu tư. Từ năm 2014, mức đầu tư Nhà nước dành cho các xã khó khăn mới nâng lên 1,5 tỷ đồng/xã/năm, trước đó là 1 tỷ đồng/xã/năm. So với khả năng ngân sách, định mức đã được nâng lên, nhưng so với yêu cầu, định mức còn khiêm tốn. Trong điều kiện khó khăn chung, Nhà nước cần dành sự quan tâm đặc biệt, cơ cơ chế, chính sách ưu tiên đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc, giúp đồng bào khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Tuy vậy cần chống tư tưởng cho không, ỷ lại trông chờ vào Nhà nước.

Bên cạnh đó, những nhà hoạch định chính sách cần xây dựng chính sách sát với dân, xuất phát từ cộng đồng, linh hoạt, phù hợp với thực tế, tránh tình trạng vùng thiếu nước sinh hoạt lại hỗ trợ đất sản xuất và ngược lại. Việc hỗ trợ sản xuất là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là cần nâng cao năng lực, nhận thức cho người dân. Hiện nay, các dự án nhà nước đầu tư cho các xã nghèo 135 đều giao cho Ủy ban nhân dân xã làm chủ đầu tư. Do vậy, vấn đề nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ xã cần được đặc biệt quan tâm, làm sao để cán bộ xã quản lý, chỉ đạo được các chương trình, dự án, phát huy được hiệu quả đồng tiền nhà nước hỗ trợ - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử nhấn mạnh.

Đầu tư đúng mục đích, có trọng tâm, trọng điểm


Trước thực trạng một số dự án đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc miền núi đang bị bỏ dở dang và chưa biết đến bao giờ hoàn thành, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước và bức xúc trong nhân dân, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho biết: Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chính sách đầu tư xây dựng nông thôn mới, trong đó đặc biệt ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc miền núi. Nhiều địa phương đã triển khai rất hiệu quả, xây dựng được những trung tâm cụm xã gồm: Chợ, bệnh viện, trường học, trạm y tế… phục vụ dân sinh. Song một số địa phương do phong tục tập quán đặc thù, việc triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng các hạng mục nhà nước đầu tư còn chậm và thiếu tính khả thi.

Lễ động thổ công trình Nhà văn hóa truyền thống các dân tộc Vân Kiều – Pa Cô Huyện Hướng Hóa ngày 1/7/2013. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN


Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Giàng Seo Phử cho rằng, đầu tư phải xuất phát từ nhu cầu chung của cộng đồng, của người dân, mới phát huy hiệu quả bền vững. Chính quyền các địa phương cần rà soát lại các công trình, hạng mục đang được đầu tư trên địa bàn. Công trình nào thực sự phục vụ lợi ích của người dân nếu còn dở dang thì tiếp tục đầu tư hoàn thiện đưa vào sử dụng. Những công trình thiếu tính khả thi, không phù hợp với phong tục tập quán địa phương, người dân không có nhu cầu sử dụng cần phải cắt giảm, chuyển sang đầu tư vào những hạng mục khác mới phát huy hiệu quả. Để làm được điều này, vai trò của các cấp chính quyền là rất quan trọng.

Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các địa phương cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, gần dân hơn để nắm được tâm tư, nguyện vọng của người dân. Khi phê duyệt các dự án, các địa phương cần tính toán nhu cầu thực tế từng nơi, từng vùng cho phù hợp, có như vậy sự hỗ trợ, quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với vùng dân tộc miền núi mới thực sự phát huy hiệu quả.

Cân đối lại quỹ đất sản xuất


Vấn đề thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt đang trở thành tình trạng khá phổ biến ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là những vùng tái định cư khiến người dân không yên tâm ổn định cuộc sống. Bộ trưởng Giàng Seo Phử phân tích: Do đặc thù của địa hình đất nước, mỗi vùng miền có ưu thế và hạn chế riêng, tạo nên sự chênh lệch khá lớn giữa miền xuôi và miền ngược. Có những vùng, miền quỹ đất sản xuất dồi dào, nhưng cũng có những vùng, miền chỉ có núi đá, vực sâu. Để khắc phục thực trạng này là rất khó, các địa phương cần tận dụng hợp lý quỹ đất.

Giải pháp có tính khả thi hiện nay là các địa phương cần chủ động trình Thủ tướng Chính phủ các Đề án tháo gỡ khó khăn cho đồng bào dân tộc, nhất là đồng bào khu vực tái định cư. Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan, chính quyền các địa phương cần có phương án xác định lại quỹ đất tương ứng với số dân để đảm bảo định mức tối thiểu về đất sản xuất cho người dân, tránh tình trạng người dân thiếu đất sản xuất, di cư tự do. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đầu tư nguồn lực cho vùng dân tộc miền núi để chuyển đổi ngành nghề cho người dân. Theo Bộ trưởng, đây là giải pháp tích cực và bền vững nhất.


Khiếu Thị Tư
'Xương sống' của chính sách dân tộc
'Xương sống' của chính sách dân tộc

Chương trình 135 đã trở thành “thương hiệu” rất quen thuộc đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng dân tộc và miền núi. Chương trình 135 đã chứng minh là một chương trình hỗ trợ hiệu quả trong việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và biên giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN