Các mô hình nông nghiệp đạt hiệu quả cao

Giàu lên nhờ cây bời lời đỏ

Cây bời lời đỏ được nhiều hộ gia đình áp dụng trồng với diện tích lớn và đã trở thành “cây xóa đói giảm nghèo” hiệu quả cho nhiều hộ gia đình ở huyện Chư Pah (Gia Lai). Năm 2003, do không có vốn để trồng cao su, cà phê, vợ chồng anh Rơ Châm H’líu, làng Pok, xã Ia Khươil (huyện Chư Pah, Gia Lai) đã quyết định trồng 8 ha cây bời lời đỏ trên diện tích đất nhà. Sau 8 năm, 8 ha bời lời đã bước đầu cho thu hoạch. Với giá từ 130 - 160 triệu đồng/ha, trừ chi phí đầu tư, công chăm sóc, mỗi năm gia đình anh H’líu thu về hàng trăm triệu đồng.

Anh H’Líu cho biết: “Loại cây này không phụ thuộc mùa vụ, nên không bị tư thương ép giá. Lúc nào thấy được giá thì bán, cây càng lâu năm thì giá càng cao”. So với các loại cây trồng khác thì cây bời lời đỏ rất dễ canh tác. Do vốn là cây rừng nên cây rất dễ thích nghi, đất bạc màu cũng trồng được, gặp hạn hán cũng xanh rì. Đầu tư ban đầu ít, trong năm đầu khi trồng bón ít phân vi sinh hoặc phân chuồng. Khi cây đã bén rễ thì chỉ phải làm cỏ một lần để tránh tình trạng cây chậm phát triển vì thiếu dinh dưỡng. Trồng đến năm thứ tư là có thể khai thác.

Người dân thu hoạch cây bời lời. Ảnh: Quang Thái


Hiện tại, toàn huyện Chư Pah có gần 1.000 ha bời lời đỏ, trong đó tập trung chủ yếu ở các xã Ia Phí, Ia Khươil, Ia Mơ Nông, Hòa Phú… Bình quân mỗi năm các hộ dân nơi đây thu hoạch luân phiên khoảng 100 ha, tính sơ bộ cũng cho thu nhập từ 10 - 15 tỷ đồng.

Để nâng cao giá trị của cây bời lời đỏ, tỉnh Gia Lai đang tiến hành làm thủ tục để ngành Khoa học - Công nghệ công nhận thương hiệu cho cây bời lời đỏ ở huyện Chư Pah (Gia Lai) như thương hiệu của cây hồ tiêu ở huyện Chư Sê (Gia Lai) và cây cà phê ở tỉnh Đắk Lắk.

Việc xây dựng thương hiệu cho cây bời lời đỏ sẽ là bước đi chiến lược mang lại nhiều lợi ích, khi có thương hiệu, giá trị hàng hóa của cây sẽ được nâng cao; giảm một phần hoặc triệt để vấn nạn nông dân vì lợi nhuận trước mắt mà đổ xô đi trồng sắn, thậm chí phá rừng. Như vậy, bời lời đỏ không chỉ đơn thuần là cây xóa đói giảm nghèo lý tưởng cho người dân Gia Lai, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số, mà trong tương lai sẽ trở thành loại cây làm giàu cho nông dân. Bên cạnh đó cây bời lời cũng sẽ góp phần không nhỏ vào việc phủ xanh đất trống, đồi trọc.

Trồng ca cao - hướng đi mới ở Bình Thuận

Bà con nông dân tỉnh Bình Thuận thời gian qua đã tích cực tham gia thực hiện mô hình trồng xen cây ca cao dưới tán cây điều. Đây là loại cây trồng mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra nhiều triển vọng cho bà con nông dân vùng đất khô hạn, vốn lâu nay chỉ quen trồng cây điều.

Những năm trước đây, do cây điều năng suất thấp, giá cả không ổn định, nên không ít hộ nông dân ở các huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc… chặt bỏ cây điều để đầu tư trồng cao su có lợi nhuận cao hơn. Nhằm giữ được diện tích cây điều và góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, Trung tâm Khuyến nông và các địa phương trong tỉnh đã triển khai thí điểm mô hình trồng xen cây ca cao dưới tán điều. Bước đầu mô hình được triển khai tại các huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc… đã đem lại hiệu quả và mở ra hướng đi mới cho nông dân.

Nông dân tham gia trồng ca cao được hỗ trợ 60% cây giống, 50% vật tư nông nghiệp. Sau gần 3 năm, cây ca cao trồng dưới tán điều phát triển tốt, năng suất cao, khoảng hơn 10 tấn quả tươi/ha. Một số hộ nông dân tham gia mô hình trồng ca cao ở xã Đa Kai, Thuận Hòa, cho biết: Với giá bán quả tươi 4.500 đồng/kg, năng suất trên 10 tấn quả tươi/ha, thì bà con có thu nhập 40 - 45 triệu đồng/ha. Trong quá trình trồng, chăm sóc cây ca cao, thì cây điều theo đó cũng giữ được độ ẩm và phát triển tốt, cho năng suất cao hơn, thu nhập trên một đơn vị diện tích điều trồng xen ca cao tăng gấp hơn 2 lần so với trước.

Quang Thái, Tần Hùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN