Các ấn phẩm thực hiện QĐ 2472 tuyên truyền hiệu quả

Ông Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã khẳng định như vậy tại Hội thảo tác dụng, hiệu quả của các ấn phẩm báo, tạp chí thực hiện Quyết định 2472/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ cấp cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS &MN), vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015, do UBDT tổ chức ngày 8/5, tại tỉnh Nghệ An.

Gần 5 năm thực hiện Quyết định 2472, các báo, tạp chí đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình đối với vùng đồng bào DTTS & MN góp phần thay đổi từ nhận thức đến tư duy, hành động của đồng bào. Các ấn phẩm đã đáp ứng được nhu cầu thông tin về mọi mặt của đồng bào và là cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với nhân dân. Đồng thời, là kênh thông tin để chuyển tải ý kiến, kiến nghị của đồng bào tới các cấp chính quyền; kịp thời định hướng dư luận đối với những thông tin sai lệch, không đúng sự thật.

Báo Tin Tức được đồng bào đón nhận như người bạn gần gũi.


Ông Triệu Minh Thái, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, đánh giá: “Việc áp dụng các mô hình phát triển kinh tế hay trên báo chí, tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất, hướng dẫn cách làm ăn đã góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống vùng DTTS & MN. Điển hình như mô hình trồng, chế biến cây dược liệu Thìa Canh chữa bệnh tiểu đường với sự tham gia của gần 20 hộ dân ở xóm Đồng Phủ, huyện Phú Lương. Nhiều chị em đã mạnh dạn vay tiền của ngân hàng chính sách, đứng ra tổ chức sản xuất, thu mua sản phẩm, làm đại lý tiêu thụ trong nước và xuất khẩu”.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nêu những bất cập chung trong cơ chế quản lý, giám sát các ấn phẩm báo, tạp chí cấp cho vùng đồng bào DTTS & MN. Ông Trần Văn Quảng, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị nêu: “Ở Quảng Trị, báo, tạp chí thường bị “ách” ở UBND xã, không đến được tay người dân. Cán bộ xã ở trung tâm đã có mạng để xem báo điện tử nên cũng không quan tâm xem báo, dẫn đến việc không biết báo đã cấp về đến nơi chưa, làm ảnh hưởng tới hiệu quả của chương trình. Có xã còn không biết được cấp bao nhiêu ấn phẩm báo chí. Do đó, nên gắn trách nhiệm của UBND xã vào việc quản lý, sử dụng, lưu báo, tạp chí ở địa phương để mang lại hiệu quả cao hơn”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lương Văn Bường, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Ban Dân tộc tỉnh được giao tổng hợp, đánh giá nội dung, hình thức các loại báo, nhưng lại không được cấp báo, nên không thể đánh giá được chất lượng nội dung, hình thức các ấn phẩm báo, tạp chí. Bên cạnh đó, hàng năm, Ban Dân tộc cũng không được cấp chi phí quản lý, chỉ đạo nên việc kiểm tra, giám sát ở cơ sở còn hạn chế, vẫn phải lồng ghép, phối hợp với các đợt đi kiểm tra, giám sát thực hiện các chương trình chung của cơ quan, của ngành”.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải nhấn mạnh: UBDT sẽ trình Thủ tướng tiếp tục chương trình cấp phát các ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng đồng bào DTTS & MN và vùng đặc biệt khó khăn trong giai đoạn 2016 - 2020, tuy nhiên, sẽ có tiêu chí cạnh tranh để lựa chọn báo, tạp chí. “Trong khối chính trị xã hội sẽ lựa chọn những tờ báo phù hợp nhất. Đồng thời, sẽ hướng tới xây dựng tiêu chí cho các báo chia thành các nhóm như về giáo dục, an ninh quốc phòng, nông nghiệp, văn hóa... để có các tiêu chí đánh giá rõ ràng, khoa học. UBDT sẽ điều tra xã hội học, phân loại đối tượng từ người thụ hưởng, cho tới địa phương để làm cơ sở đánh giá chương trình sát sao hơn.

UBDT cũng sẽ xem lại cơ chế phát hành, lựa chọn cạnh tranh lành mạnh để phát hành hiệu quả nhất. “Những bất cập về cơ chế quản lý được các đại biểu nêu ra lỗi một phần là của UBDT và các bộ, ngành khi chưa phân cấp cho UBND các tỉnh quản lý, vì vậy giai đoạn tiếp theo sẽ ghi rõ trách nhiệm đối với UBND tỉnh, giao cho Ban Dân tộc thực hiện để có kinh phí kiểm tra, giám sát”, Thứ trưởng Lê Sơn Hải cho hay.

Về định hướng tuyên truyền trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Sơn Hải nhấn mạnh: “Năm 2015 là năm kết thúc của nhiều dự án, chính sách dân tộc, nên các báo, tạp chí cần tập trung đi sâu vào phân tích chính sách, đánh giá, rà soát lại các chính sách, để từ đó tham vấn cho UBDT tham mưu cho Chính phủ các chính sách để phát triển vùng đồng bào DTTS & MN”.

Bài và ảnh: Lê Nguyễn
Những nghệ nhân giữ hồn dân tộc
Những nghệ nhân giữ hồn dân tộc

Ông Bàn Kim Sơn, dân tộc Dao, thôn Nà Cọn, xã Sơn Phú, huyện Na Hang (Tuyên Quang) được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Bằng khen và có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn văn hóa dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN