Hàng năm cứ vào dịp Lễ hội Đền Hùng là phong trào thể dục - thể thao quần chúng ở tỉnh Phú Thọ lại phát triển mạnh mẽ. Nhiều môn thể thao truyền thống được tổ chức thu hút đông đảo người dân tham gia tạo nên không khí vui tươi trong ngày lễ hội, từ đó phát hiện ra các hạt nhân thể thao tiêu biểu của tỉnh và lưu giữ bản sắc văn hóa thể của dân tộc.Theo Ban tổ chức, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Ất Mùi 2015, sẽ có rất đông các vận động viên đến từ 13 huyện, thị, thành và các ngành, đơn vị như Công ty cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh... tham gia thi đấu 4 môn thể thao gồm bóng chuyền nam, bắn nỏ nam, nữ; vật dân tộc nam và cờ tướng nam.
Thi đấu vật trong khuôn khổ lễ hội Đền Hùng thành phố Việt Trì (Phú Thọ). |
Ông Trần Văn Định, Trưởng phòng Nghiệp vụ thể thao, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho biết: Để chuẩn bị tốt cho giải đấu sắp tới, những ngày này ở khắp các địa phương trong tỉnh không khí luyện tập của các đội tuyển trở nên rất sôi nổi. Đây không chỉ là giải thể thao phục vụ giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng mà là dịp để đánh giá chất lượng phong trào thể thao quần chúng ở cơ sở, chất lượng vận động viên các huyện, thành, thị, qua đó lựa chọn các vận động viên tiêu biểu để tham gia đội tuyển của tỉnh thi đấu các giải toàn quốc. Đến thời điểm hiện nay, có 259 vận động viên đăng ký tham gia thi đấu, tăng 77 vận động viên so với năm 2014, trong đó có những đội tuyển nhiều năm liên tục tham gia giải, đạt được thứ hạng cao và giữ phong độ tương đối ổn định. Tiêu biểu, đối với môn bóng chuyền: Thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ; bắn nỏ: Huyện Đoan Hùng, Yên Lập, Thanh Sơn; vật: Huyện Phù Ninh, Lâm Thao, thành phố Việt Trì; cờ tướng: Huyện Thanh Ba, thành phố Việt Trì...
Ông Hà Xuân Phong, xã Tân Phú, huyện Tân Sơn được coi là “xạ thủ” của môn bắn nỏ cho biết, để đạt thành tích cao trong đợt thi đấu trong dịp lễ hội Đền Hùng ông đã tự chế tạo ra một chiếc nỏ đặc biệt khiến lực đẩy của mũi tên “xé gió”, lao đi vun vút trúng đích. Kỹ thuật chế tác nỏ của ông Phong đã được nhiều người trong và ngoài tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình biết đến. Không chỉ có vậy, tại các tỉnh miền Trung nơi ông đi thi bắn nỏ đã có nhiều “địa chỉ” muốn được sở hữu cây nỏ Tân Sơn từ bàn tay chế tác của "nghệ nhân" Hà Xuân Phong.
Ông Phong cho biết thêm, hàng năm vào các ngày lễ tết, hay ngày hội, dân bản vẫn thường tổ chức nhiều trò chơi dân gian như tung còn, kéo co, đẩy gậy nhưng môn bắn nỏ vẫn được dân bản yêu thích nhất vì đây là môn thể thao tương trưng cho truyền thống thượng võ của các dân tộc. Hiện ông còn là “huấn luyện viên” đào tạo ra nhiều tay nỏ tại địa phương trong đó có cả vợ, con. Các thành viên trong gia đình ông đều là những tay nỏ thiện xạ, đã từng tham gia thi đấu và giành giải cao ở nhiều cuộc thi.
Theo ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Phú Thọ, để duy trì và phát triển các môn thể thao, trò chơi dân gian ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, Sở đã chỉ đạo các địa phương hàng năm vào các dịp lễ hội đầu xuân, các hội thi, hội thao tổ chức đưa môn thể thao dân tộc như Tung còn, đẩy gậy, bắn nỏ, múa võ cổ truyền... vào thi đấu để giữ gìn và bảo tồn các thể thảo của dân tộc, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Đồng thời, Sở tham mưu cho tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn, khối phố và sân tập thể dục thể thao cho các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Phú Thọ đã đưa mục tiêu xây dựng và phát triển mạng lưới các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở xã, phường, thị trấn, thôn, khối phố nhằm đáp ứng các nhu cầu hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa - thể thao chính đáng, lành mạnh và phong phú của nhân dân; góp phần thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa - thể thao dân tộc; nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, thể chất của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có chính sách về thể dục thể thao.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 13/13 huyện, thành, thị đã có nghị quyết chuyên đề về xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao; 90% địa phương đã quy hoạch quỹ đất xây dựng các thiết chế thể thao, đã có 2.464/2.874 nhà văn hóa ở khu dân cư được xây dựng, có 221/277 xã, phường, thị trấn đã xây dựng nhà văn hóa hoặc hội trường kiêm nhà văn hóa. Nhờ có các thiết chế văn hóa, Phú Thọ hiện có 23,5% dân số tham gia luyện tập TDTT thường xuyên, tỷ lệ gia đình thể thao đạt 17,8%. Số câu lạc bộ TDTT, tụ điểm hoạt động TDTT ở cơ sở đã tăng nhanh cả về lượng và chất, 90% số cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, 85% số xã, phường, thị trấn có phong trào tập luyện TDTT thường xuyên với các môn: bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông. Hàng năm các địa phương, đơn vị trong tỉnh tổ chức gần 2.000 giải thể thao với các môn chủ yếu như bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, bóng đá mi ni...
Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, các giải thi đấu thể thao được tổ chức tại lễ hội Đền Hùng hàng năm đã đem lại hiệu quả thiết thực góp phần vào thúc đẩy phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trong toàn tỉnh ngày càng phát triển, nâng cao chất lượng; qua đó cũng tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong quần chúng nhân dân, tạo tinh thần đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc của tỉnh.
Với những giải pháp phù hợp trong việc bảo tồn và phát huy các môn thể thao vùng dân tộc thiểu số, trong thời gian tới Phú Thọ sẽ xóa “thôn bản trắng” về thể dục thể thao, đồng thời đưa việc tập luyện thể dục thể thao trở thành thói quen hàng ngày của đa số nhân dân trong tỉnh.
Đào Lâm