An cư từ sự góp sức của cộng đồng

Để giúp đồng bào “an cư, lạc nghiệp”, những năm qua các chi hội nông dân ở tỉnh Trà Vinh đã triển khai mô hình tổ hùn vốn xây dựng nhà ở. Nhờ đó, hàng trăm hộ chưa có nhà hoặc có nhà ở tạm bợ, đã xây được nhà kiên cố. Đi đầu trong phong trào này là Chi hội nông dân ấp Ô Rung, xã Phước Hưng, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.


Phước Hưng là một xã nghèo thuộc diện được thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ, với hơn 80% dân số là người dân tộc Khmer, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhất là về nhà ở. Trước thực trạng này, Hội nông dân xã đã vận động các hộ dân tương trợ lẫn nhau trên tinh thần tình làng nghĩa xóm, xây dựng được 3 tổ hùn vốn, giúp nhau làm kinh tế gia đình, với 37 thành viên là hội viên nông dân. Trong quá trình thực hiện giúp nhau làm kinh tế gia đình, các hội viên nông dân ở ấp Ô Rung đã có ý tưởng thành lập tổ hùn vốn xây dựng nhà ở.

Đầu năm 2003, tổ hùn vốn xây dựng nhà ở đã được hình thành, với 11 hộ tham gia, 100% là người dân tộc Khmer. Mỗi thành viên khi tham gia đều phải thực hiện một bản hợp đồng trách nhiệm và nghĩa vụ như: Tham gia hội họp đầy đủ, đúng định kỳ, sử dụng vốn đúng mục đích, thực hiện tốt nghĩa vụ của tổ và địa phương… Hình thức là sau mỗi vụ lúa, góp vốn một lần, mỗi thành viên góp vốn tùy theo kinh tế của gia đình; cho vay không tính lãi để xây dựng nhà ở, theo phương thức bốc thăm nhận vốn xoay vòng. Thấy cách làm hiệu quả, nhiều hội viên đã đăng ký tham gia, nên hiện nay toàn ấp đã thành lập được 4 tổ hùn vốn, với 54 thành viên. Có 49 thành viên đã nhận vốn xây dựng được nhà ở. Bình quân mỗi hộ nhận vốn từ 20 - 30 triệu đồng.

Ngôi nhà ông Thạch Út vừa mới xây dựng xong nhờ tham gia tổ hùn vốn. Ảnh: Nguyễn Tân

Ông Thạch Út, vừa mới xây dựng căn nhà kiên cố vào đầu năm 2015, trị giá hơn 200 triệu đồng, trong đó có 30 triệu đồng từ tổ hùn vốn, còn lại là nguồn vốn do gia đình tích lũy. Ông Thạch Út cho biết: “Khi chưa có nhà mới, gia đình tôi phải sống trong căn nhà tre, lá, cứ vài năm là phải lợp lại một lần. Ước mơ về một ngôi nhà kiên cố của tôi không biết đến bao giờ mới thành hiện thực, nếu không tham gia vào tổ hùn vốn. Sau 3 năm tham gia tổ hùn vốn, gia đình tôi đã có được ngôi nhà như mơ ước. Không chỉ có được căn nhà mới, tôi còn tích lũy được một ít vốn để làm ruộng, nuôi bò. Tôi thấy phấn khởi lắm”.

Tổ hùn vàng ấp Bảy Xào Dơi A, huyện Trà Cú bốc thăm nhận vốn. Ảnh: cand.com.vn

Vợ chồng ông Thạch Kha Lân và bà Thạch Thị Hon có hoàn cảnh khó khăn, căn nhà ở thì xiêu vẹo, gia đình dù chí thú làm ăn vẫn chưa đủ tiền xây cất. Hội nông dân xã đã giới thiệu gia đình vào tổ hùn vốn xây dựng nhà ở. Hiện nay, gia đình ông bà đã xây dựng được căn nhà trị giá hơn 90 triệu đồng, trong đó từ nguồn vốn của tổ được 20 triệu đồng và vốn tích lũy được gần 70 triệu đồng.

Mô hình tổ hùn vốn xây dựng nhà ở của Chi hội nông dân ấp Ô Rung, đã góp phần xoá nhà tre, lá tạm bợ, tạo nên một bộ mặt mới ở nông thôn. Đây là một mô hình cần được phát huy và nhân rộng.
Nguyễn Tân
Tạo cơ hội để người dân “an cư lạc nghiệp”
Tạo cơ hội để người dân “an cư lạc nghiệp”

Đầu năm mới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Trịnh Đình Dũng sẽ chia sẻ cơ hội sở hữu nhà ở cũng như triển vọng của thị trường bất động sản (BĐS) với người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN