Hiểu nhầm quy định của TP Đà Nẵng, người dân đổ xô tích trữ thực phẩm

Theo quan sát của phóng viên TTXVN, rất nhiều người dân Đà Nẵng đã đồng loạt đi mua lương thực, thực phẩm về nhà tích trữ trong sáng 30/7.

Chú thích ảnh
Tuy sức mua tăng mạnh nhưng số lượng thực phẩm, lương thực tích trữ tại các chợ vẫn rất dồi dào.

Tại công văn số 4987/UBND-VHXH ngày 29/7 của UBND thành phố Đà Nẵng về tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống COVID-19 có quy định “dừng việc kinh doanh tại các cửa hàng ăn uống, giải khát, kể cả bán hàng mang về”, từ 13 giờ ngày 30/7. Nhiều người dân đã hiểu nhầm thành đóng cửa tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm, dẫn đến tình trạng đổ xô mua đồ ăn, nhu yếu phẩm tại các siêu thị, các chợ trong chiều 29 và sáng 30/7. Tuy nhiên, các ngành chức năng của Đà Nẵng đã triển khai các phương án nhằm đảm bảo cung cấp đủ lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu cho nhân dân trên địa bàn.

Tích trữ lương thực, thực phẩm là không cần thiết

Theo quan sát của phóng viên TTXVN, rất nhiều người dân Đà Nẵng đã đồng loạt đi mua lương thực, thực phẩm về nhà tích trữ trong sáng 30/7. Điều này gây tình trạng một số mặt hàng thức ăn như thịt, cá, rau bị hết hàng tạm thời trong một số thời điểm. Các quầy tính tiền tại các siêu thị xuất hiện tình trạng chen lấn, xô đẩy. Tại các chợ truyền thống cũng xảy ra tình trạng tập trung đông người, không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng Nguyễn Hà Bắc khẳng định: “Chợ, siêu thị vẫn hoạt động bình thường, không có chuyện đóng cửa. Chỉ đóng cửa những ngành hàng không cần thiết, cửa hàng bán đồ ăn sẵn, giải khát. Giao thông thông suốt, hàng hóa không bị đứt đoạn về hàng ngày. Người dân không cần thiết phải tích trữ hàng hóa”.

Sáng 30/7, Sở Công Thương đã có văn bản đề nghị các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể; UBND các quận, huyện thông báo dừng việc kinh doanh tại các cửa hàng ăn uống, giải khát kể cả bán hàng qua mạng, bán hàng mang về. Thời gian thực hiện bắt đầu từ 13 giờ ngày 30/7/2020.

Đồng thời, tổ chức quán triệt, tích cực tuyên truyền, khuyến cáo người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không nên mua tích trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm với số lượng lớn. Vì các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hoá, các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm vẫn hoạt động bình thường.

Theo Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng Nguyễn Hà Bắc, thành phố đã có kế hoạch chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hoá thiết yếu để phục vụ nhu cầu người dân, với nguồn dự trữ dồi dào, phong phú, được quản lý theo chuỗi cung ứng trên toàn quốc với các tổng kho ở khu vực miền Trung, miền Bắc và miền Nam, bảo đảm phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng, các Ban quản lý chợ quận, huyện có phương án sắp xếp, bố trí trong việc giao nhận, mua bán hàng hoá hợp lý, không tập trung đông người; đề nghị các tiểu thương và người dân tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng Ban quản lý Chợ Cồn (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) cũng cho biết: “Nhiều người dân hiểu nhầm là sau 13 giờ ngày 30/7 thì tất cả các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn thành phố sẽ đóng cửa, cộng thêm tâm lý lo lắng vì dịch bệnh. Lượng người mua sắm lương thực, thực phẩm tăng đột biến vào sáng 30/7, nhưng các tiểu thương tại chợ vẫn chuẩn bị đủ lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu của bà con. Trong những ngày tới, Chợ Cồn vẫn tiếp tục mở cửa để bán các mặt hàng nhu yếu phẩm, các tiểu thương cam kết sẽ nhập hàng đầy đủ, bán đúng giá, bà con không nên lo lắng thái quá.”

Theo thống kê của Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng ngày 29/7, lượng hàng hóa thiết yếu đang dự trữ tại các siêu thị, trung tâm thương mại trong thành phố ước khoảng 40 tỷ đồng; trong đó, có khoảng 70 tấn gạo, 26 tấn thịt cá, 67 tấn thực phẩm đóng hộp, đông lạnh, hơn 20 tấn rau củ quả... Ngoài ra, lượng hàng hóa dự trữ thiết yếu tại các quận, huyện ước đạt khoảng 20 tỷ đồng, hàng hóa được lưu chuyển về các chợ theo chu kỳ từ 2 - 3 ngày/lần.

Không bán đồ ăn mang về

Chú thích ảnh
Các tiểu thương bán thịt tại chợ Cồn (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) đã chuẩn bị số lượng hàng lớn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. 

Theo ý kiến nhiều người dân tại thành phố Đà Nẵng thì quy định “dừng việc kinh doanh tại các cửa hàng ăn uống, giải khát, kể cả bán hàng mang về” có hiệu lực từ 13 giờ ngày 30/7 có thể sẽ gây khó khăn cho các sinh viên, người lao động trên địa bàn.

Cụ thể, sinh viên Nguyễn Ngọc Trâm, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng cho biết, hiện nay cô và hàng ngàn bạn sinh viên khác vẫn đang ở trong các khu ký túc xá. Quy định chung của các ký túc xá là chỉ được ở, không được nấu ăn, nên các sinh viên không thể đi chợ nấu ăn được. Hiện nay, do cách ly xã hội nên các sinh viên cũng không thể về quê được. Nếu thành phố cấm việc buôn bán đồ ăn, thức uống, kể cả bán hàng mang về thì cần có giải pháp để các sinh viên có thể mua được đồ ăn hàng ngày.

Theo ông Ngô Văn Tuấn, Quản lý điều hành Ký túc xá sinh viên thành phố Đà Nẵng cho biết, có khoảng 1.300 sinh viên của gần 40 trường đang ở tại 2 khu ký túc xá, hiện vô cùng khó khăn vì tại đây cấm nấu ăn, không có bếp ăn. Ông Tuấn hy vọng sẽ có sự hỗ trợ các suất ăn cho các sinh viên tại đây.

Còn anh Nguyễn Cường, người lao động tại quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cũng cho biết, thực sự rất khó khăn trong thời điểm hiện tại vì người lao động ngoại tỉnh chủ yếu là ở trọ thuê, thường ăn hàng quán để thuận tiện công việc. Khi thành phố quy định các hàng quán ăn uống đóng cửa sẽ rất khó khăn cho cuộc sống và công việc của đại đa số người lao động, vì không có thời gian để tự nấu ăn.

“Tuy nhiên, từ hôm nay tôi cũng chấp hành việc phòng chống dịch và bảo vệ cho chính mình, buổi sáng sẽ nấu sẵn các món đơn giản, thức ăn nhanh dễ chế biến để ăn cả ngày” - anh Nguyễn Cường cho biết.

Rõ ràng, quy định dừng việc kinh doanh tại các cửa hàng ăn uống, giải khát, kể cả bán hàng qua mạng, bán hàng mang về là biện pháp mạnh của chính quyền thành phố Đà Nẵng trước tình hình dịch COVID-19 phức tạp. Nhưng để triển khai cần có những phương án, giải pháp cụ thể, giúp ổn định cuộc sống người dân, phòng chống dịch bệnh lâu dài.

Bài và ảnh: Quốc Dũng (TTXVN)
Bộ Y tế tăng cường chi viện nhân lực cho Đà Nẵng chống dịch COVID-19
Bộ Y tế tăng cường chi viện nhân lực cho Đà Nẵng chống dịch COVID-19

Bộ Y tế cử thêm các chuyên gia và hỗ trợ thêm 10 máy thở để "chi viện" cho Đà Nẵng chống dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN