Dấu ấn khó quên trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 của thành phố Đà Nẵng

Đến ngày 1/10, thành phố Đà Nẵng đã hơn 30 ngày không ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 mới. Để có kết quả này, thành phố Đà Nẵng đã nỗ lực hết mình, huy động sự chung sức của toàn hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ của toàn thể nhân dân, sự hỗ trợ từ Trung ương, các chuyên gia của Bộ Y tế, các địa phương bạn.

Chú thích ảnh
Các cửa hàng tại Đà Nẵng đã mở cửa trở lại, tuy nhiên lượng khách vẫn còn ít.

Thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó quyết liệt, mạnh mẽ, nhanh chóng kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh. Thành công này được ghi lại qua những sự kiện, con số ấn tượng, trở thành dấu ấn khó quên trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19.

Ngày 28/7, UBND thành phố Đà Nẵng đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo áp dụng biện pháp cách ly xã hội trên toàn địa bàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Đà Nẵng đã thiết lập ngay các cơ sở cách ly, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các đơn vị chức năng, địa phương trong công tác cách ly y tế các trường hợp tiếp xúc gần. Với sự đồng lòng của người dân, huy động nguồn lực cả hệ thống chính trị, trong thời gian ngắn, nhiều biện pháp phòng, chống dịch đã được triển khai rộng khắp trên toàn địa bàn thành phố như thực hiện quyết liệt công tác điều tra, truy vết, khoanh vùng, cách ly theo đúng quy định, liên tục báo cáo, rà soát, phân tích các điểm nóng, nguy cơ cao, khả năng lây lan, ứng phó kịp thời bằng các biện pháp can thiệp y tế phù hợp. 41 cơ sở cách ly tập trung được thiết lập tại 7 quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Tổng cộng Đà Nẵng có 60 điểm nóng, 25 điểm thiết lập vùng cách ly y tế theo Quyết định của UBND thành phố Đà Nẵng. Tính đến ngày 23/9 có 11.621 người tiếp xúc gần (F1) được phát hiện và cách ly y tế; 15.967 người tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần (F2) được phát hiện và giám sát cách ly tại nhà. Để làm “sạch" bệnh viện Đà Nẵng và giảm nguy cơ lây nhiễm, Đà Nẵng kịp thời chuyển khoảng 4.000 người tại Bệnh viện Đà Nẵng đến các cơ sở cách ly ngoại Bệnh viện.

Tổ Công tác COVID-19 cộng đồng được thành lập, với nhiệm vụ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh hoặc có tiền sử dịch tễ không rõ ràng. Theo đó, trên toàn thành phố đã thành lập 2.257 Tổ COVID-19 cộng đồng, trong đó có 180 Tổ tại các khu vực điểm nóng, khu vực phát hiện ca dương tính.

Qua đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 2 tại Đà Nẵng, ngoài Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng, trên địa bàn thành phố có 8 đơn vị đủ điều kiện xét nghiệm COVID-19. Sau khi có thêm đơn vị, cơ sở đủ năng lực xét nghiệm và tiến hành xét nghiệm bằng phương pháp gộp nhóm, năng lực xét nghiệm của Đà Nẵng đã đạt gần 13.000 mẫu/ngày. Tính đến ngày 23/9, thành phố đã xét nghiệm tổng cộng 327.342 trường hợp. Các trường hợp liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng từ ngày 15/7 đến 26/7 đã lấy mẫu xét nghiệm 19.606 ca (trong đó có 5.163 bệnh nhân, 14. 443 người nhà) và phát hiện 23 trường hợp dương tính.

Đà Nẵng đã sử dụng nhiều nguồn lực của ngành y tế, trong đó có hệ thống y tế tư nhân, các trường đào tạo ngành y chủ động, tích cực tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19; huy động phương tiện để vận chuyển 10.680 lượt người (gồm nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, người đi cách ly, bệnh nhân đi chạy thận tại bệnh viện). Triển khai thực hiện xét nghiệm và tổ chức đưa khách du lịch, người lao động, học sinh, sinh viên mắc kẹt tại thành phố Đà Nẵng trở về địa phương, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Về công tác điều trị, ngay từ ngày đầu bùng phát dịch lần 2 tại thành phố Đà Nẵng, các chuyên gia của Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy đã được cử đến, hỗ trợ, sẵn sàng trực chiến trong công tác hồi sức tích cực, chạy thận nhân tạo, tuần hoàn ngoài cơ thể, kiểm soát nhiễm khuẩn. Bệnh viện dã chiến Hòa Vang  được thiết lập, trở thành cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19, được trang bị đầy đủ trang thiết bị, kỹ thuật, hệ thống hiện đại, cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia, cán bộ y tế các địa phương sẵn sàng nhận chăm sóc bệnh nhân trong điều kiện tốt nhất; Bệnh viện dã chiến Cung thể thao Tiên Sơn được thành phố triển khai và luôn sẵn sàng đưa vào sử dụng.

Về công tác hậu cần, vận động, phân phối viện trợ, thành phố Đà Nẵng đã thành lập Hội đồng hỗ trợ thực hiện mua sắm các gói thầu phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19. Phần lớn trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 được điều chuyển từ các cơ sở trực thuộc và từ nguồn tài trợ. Đặc biệt, nhằm đảm bảo kịp thời việc thành lập Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn, Sở Y tế đã huy động các trang thiết bị sẵn có tại Bệnh viện Đà Nẵng và của một số đơn vị, nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn đã đáp ứng nhu cầu cấp thiết trang thết bị y tế cho bệnh viện dã chiến và sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 khi có yêu cầu…

Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, đến thời điểm này, Đà Nẵng cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 và hơn một tháng không có ca mắc COVID-19 mới. Mặc dù thành phố phải phòng chống dịch nhưng công tác an sinh xã hội, an ninh trật tự được đảm bảo và giữ vững.

“Có được kết quả này là sự đồng thuận của nhân dân của thành phố Đà Nẵng. Đặc biệt, người dân luôn có trách nhiệm với thành phố, tin tưởng, đồng hành cùng chính quyền trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19.” Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định. Phó Chủ tịch UBND Lê Trung Chinh cũng cho hay, qua đợt dịch lần nay, năng lực khám chữa bệnh của các bệnh viện được nâng lên, nhận thức của hệ thống chính trị và toàn xã hội về dịch bệnh rõ nét hơn…

Nêu ra những bài học kinh nghiệm của thành phố trong quá trình phòng chống dịch COVID-19, ông Lê Trung Chinh cho biết, trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 luôn có sự chỉ đạo quyết liệt, kiên định và kịp thời của Trung ương, UBND thành phố Đà Nẵng, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng và sự ủng hộ của nhân dân, của các doanh nghiệp; mọi người dân luôn tuân thủ các nguyên tắc, yêu cầu biện pháp phòng chống dịch như phát hiện, truy vết, khoang vùng, cách ly, xét nghiệm, điều trị…. Thành phố đã ưu tiên các nguồn lực và mua sắm kịp thời các trang thiết bị; vai trò quan trọng của các Tổ COVID-19 cộng đồng; công khai kịp thời các thông tin đến với người dân; chú trọng công tác tuyên truyền và làm tốt công tác an sinh xã hội, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu trong thời gian tới, Đà Nẵng luôn đặt trong tình trạng sẵn sàng, kịp thời ứng phó nếu dịch COVID-19 bùng phát trở lại.

Tin, ảnh: Võ Văn Dũng (TTXVN)
Đà Nẵng ban hành hướng dẫn nhập cảnh và cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19
Đà Nẵng ban hành hướng dẫn nhập cảnh và cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19

Mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành công văn số 6439/UBND-SYT hướng dẫn việc nhập cảnh và cách ly y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN