Đà Nẵng xác định chuyển đổi số là động lực phát triển kinh tế

Thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng về chuyển đổi số. Tiêu biểu là Nghị quyết số 05- NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đây là Nghị quyết thể hiện quyết tâm, cam kết và huy động sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và tổ chức doanh nghiệp, người dân trong triển khai chuyển đổi số. Đặc biệt, thành phố đã xác định "chuyển đổi số" là một trong các dự án "động lực" cho phát triển thành phố và nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan Nhà nước các cấp trong triển khai chuyển đổi số.

Chú thích ảnh
Thành phố Đà Nẵng hôm nay. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Dấu ấn chuyển đổi số năm 2021

Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 sẽ triển khai phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; với mục tiêu hoàn thành cơ bản xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.

Theo đánh giá, xếp hạng của Bộ Thông tin và Truyền thông, Đà Nẵng xếp hạng nhất về chuyển đổi số 2020 cấp tỉnh/thành toàn diện và nhất ở cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Năm 2021 là năm thứ 2 liên tiếp Đà Nẵng vinh dự nhận Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam; đồng thời đạt 3 giải thưởng chuyên đề là Thành phố Quản lý, điều hành thông minh; Thành phố Y tế thông minh và Thành phố Quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch. Các khu công nghệ thông tin tập trung, khu công viên phần mềm tiếp tục được duy trì và đẩy nhanh tiến độ xây dựng; trong đó, Khu Công viên phần mềm số 1 tiếp tục duy trì tỷ lệ lấp đầy 100%.

Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng giai đoạn 1 đã khánh thành dự án nghiên cứu, sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử công nghệ cao SMT (ngành Điện tử với công nghệ bo mạch) và đang thu hút thêm nhiều dự án quy mô; hợp tác sản xuất 100.000 sản phẩm máy tính bảng hưởng ứng Chương trình "Sóng và Máy tính cho em" do Bộ Thông tin và Truyền thông phát động.

Bên cạnh đó, Khu Công viên phần mềm số 2 đã cơ bản hoàn thiện một số hạng mục quan trọng, dự kiến đưa vào hoạt động tòa nhà số 1 trong năm 2022. Khu Không gian sáng tạo Hòa Xuân đang tiếp tục được thu hút xúc tiến đầu tư khá tích cực.

Năm 2021, hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin tiếp tục đảm bảo phục vụ hiệu quả cho các sự kiện lớn, hoạt động của cơ quan Nhà nước, cung cấp dịch vụ công cho người dân và điều hành phòng, chống dịch COVID-19. Triển khai kết nối mạng MAN đến tất cả các cơ quan của thành phố để phục vụ sử dụng văn bản điện tử và điều hành. Cùng với đó, Đà Nẵng đã thu hút đầu tư Trung tâm dữ liệu; khai trương 5G và bắt đầu cung cấp dịch vụ; triển khai 6 trạm BTS không cồng kềnh trong các khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung và khu công nghệ cao.

Sở Thông tin và Truyền thông hoàn thành mô hình kiến trúc tổng thể hệ thống camera giám sát tại thành phố Đà Nẵng, hướng đến các mục đích kết nối thống nhất các hệ thống camera công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; bảo đảm xây dựng hệ thống thống nhất một nền tảng, phù hợp với kiến trúc Thành phố thông minh; chia sẻ cho nhiều ngành, lĩnh vực khác sử dụng khai thác, đồng bộ về mặt dữ liệu.

Đối mặt với làn sóng thứ 4 dịch COVID-19 cùng biến chủng Delta, Đà Nẵng đã chủ động triển khai hơn 20 giải pháp công nghệ để kịp thời phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 một cách chủ động, dựa trên dữ liệu và ứng dụng công nghệ là "điểm sáng" trong công tác phòng, chống dịch của thành phố so với toàn quốc.

Nổi bật là các ứng dụng giấy đi đường QRCode, ứng dụng quản lý và phân tích dữ liệu khai báo y tế điện tử, thẻ vé đi chợ QRCode, ứng dụng giám sát, hỗ trợ F1, F0 cách ly tại nhà; bản đồ dịch tễ CovidMaps và vùng nguy cơ, truy vết F1, F2 nhanh qua tổng đài tự động... Các ứng dụng công nghệ, ngoài triển khai hiệu quả tại Đà Nẵng; còn chia sẻ cho gần 20 tỉnh, thành khác sử dụng trong phòng, chống dịch COVID-19 như: Bản đồ dịch tễ và cấp độ nguy cơ CovidMaps, hệ thống quản lý khai báo y tế điện tử và kiểm soát ra, đường dây nóng COVID-19…

Bên cạnh đó, 100% thủ tục hành chính được kịp thời nâng lên trực tuyến mức 3,4 vừa tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, vừa hạn chế tiếp xúc, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; triển khai hệ thống họp trực tuyến phục vụ điều hành phòng, chống dịch trên toàn địa bàn thành phố.

Vai trò của doanh nghiệp trong chuyển đổi số

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh cho hay, năm 2021, cộng đồng doanh nghiệp đã phát huy vai trò, chung tay triển khai kịp thời các hệ thống, ứng dụng trong phòng, chống dịch như: Kết nối, cung cấp Internet đến cho các trung tâm y tế, Bệnh viện dã chiến và các điểm tiêm chủng, các chốt kiểm dịch ra, vào thành phố.

Theo ông Thanh, để sớm hoàn thành mục tiêu về chuyển đổi số, hướng đến là đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống, năm 2021, Đà Nẵng đã ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác về chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2021 - 2025 với các Tập đoàn như: Viettel, FPT và đang chuẩn bị ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

Ngoài ra, các Hội, Hiệp hội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam như: Hội Tin học Đà Nẵng, Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng đã phát huy vai trò đồng hành, làm cầu nối liên kết các doanh nghiệp công nghệ số tham gia vào quá trình chuyển đổi số của thành phố.

Trong năm 2021, Sở Thông tin và Truyền thông cùng với các cơ quan đã xúc tiến thành công tài trợ không hoàn lại để xây dựng Trung tâm An toàn thông minh (Trung tâm ENSURE), với giá trị 10,5 triệu USD từ Tổ chức hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và bắt đầu triển khai từ đầu năm 2022. Tập đoàn Viettel đã triển khai xây dựng mở rộng hạ tầng kỹ thuật số, trong đó chính thức phát sóng thử nghiệm 5G tại các khu vực trọng điểm của thành phố; tiếp tục đưa vào khai thác hạ tầng kết nối vạn vật.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn khẳng định, trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động để "chuyển đổi số" thực sự là động lực cho sự phát triển thành phố. Các nhiệm vụ chuyển đổi số phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân, doanh nghiệp và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng sẽ huy động nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng số, hạ tầng các khu công nghệ thông tin phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế số trong tương lai.

Võ Văn Dũng (TTXVN)
Chuyển đổi số Việt Nam 2022: Cần thêm cú hích mạnh
Chuyển đổi số Việt Nam 2022: Cần thêm cú hích mạnh

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định, chuyển đổi số là động lực phát triển kinh tế; khát vọng phát triển, khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc sẽ tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên thành nước phát triển có thu nhập cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN