Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn cho rằng, bên cạnh các kết quả đạt được, ngành Thông tin và Truyền thông vẫn còn một số hạn chế, tồn tại cần thẳng thắn nhìn nhận để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể, như nguồn nhân lực công nghệ thông tin, truyền thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ngành, đặc biệt thiếu hụt nhân lực chất lượng cao; nhận thức, tư duy về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của một số cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn còn hạn chế, thậm chí còn chưa quan tâm; hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin còn nhiều bất cập chưa phát huy hiệu quả khai thác, sử dụng...
Ngành Thông tin và Truyền thông cần tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án Xây dựng thành phố thông minh, Đề án Chuyển đổi số đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Kế hoạch thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025; tập trung theo dõi các dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025; sớm làm rõ chủ trương đầu tư hệ thống camera giám sát giao thông trên địa bàn thành phố…
Các dự án thuộc Đề án thành phố thông minh và Đề án chuyển đổi số đều là những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm của thành phố. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng quy trình, thủ tục thẩm định ở các bước phải rút ngắn so với thủ tục một cửa thông thường để sớm hoàn thành thủ tục và triển khai đầu tư.
Bên cạnh đó, ngành cần huy động nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng số, hạ tầng các khu công nghệ thông tin phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế số; tập trung triển khai hoàn thành đưa vào vận hành Trung tâm giám sát, điều hành thành phố thông minh, phục vụ chính quyền đô thị…
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, năm 2021, đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh trở lại đã đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, ngành Thông tin và Truyền thông đạt tỷ trọng 8,23% trong cơ cấu GRDP, chỉ xếp sau ngành thương mại (14,6%) và ngành vận tải (8,6%). Bên cạnh đó, trong năm đánh dấu những bước chuyển mạnh mẽ của Đà Nẵng trong công cuộc chuyển đổi số, cũng như cho phát triển ngành, lĩnh vực kinh tế mới tại thành phố. Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai hiệu quả, kịp thời hơn 20 giải pháp ứng dụng công nghệ, hỗ trợ tích cực cho chính quyền, người dân và doanh nghiệp phòng, chống dịch COVID-19 chủ động, linh hoạt.
Hiện Đà Nẵng đã triển khai 1.890 thủ tục hành chính và đã được triển khai lên Cổng dịch vụ công thành phố, tỷ lệ trực tuyến (mức 3, 4) đạt 97%, đặc biệt 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện đã triển khai mức 4; gần 60% hồ sơ nộp trực tuyến (đạt gấp 2 lần bình quân cả nước).
Thành phố Đà Nẵng có tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động đứng đầu toàn quốc, với tỷ lệ 276 máy/100 dân; trong đó số lượng thuê bao băng rộng di động (hay Smartphone) 173 máy/100 dân. Đặc biệt, 99,8% hộ gia đình có kết nối Internet và 99,4% người dân tiếp cận, sử dụng Internet; 100% doanh nghiệp có kết nối Internet.
Trong năm qua, thành phố Đà Nẵng đã nhận được nhiều giải thưởng quan trọng và được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, xếp hạng đứng đầu về Chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI), cũng như dẫn đầu ở cả 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Đà Nẵng tiếp tục đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam năm 2021; đồng thời 3 giải chuyên đề “Thành phố điều hành quản lý thông minh”, “Thành phố y tế thông minh”, “Thành phố quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch” năm 2021.
Bên cạnh đó, thành phố được bình chọn là một trong 5 thành phố khu vực châu Á -Thái Bình Dương và trong 30 thành phố thông minh mới nổi độc đáo và sáng tạo do Viện Nghiên cứu chiến lược Eden công bố; được Ban Tổ chức Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021 đánh giá và trao giải “Tổ chức nhà nước chuyển đổi số xuất sắc năm 2021”.