Chuyển đổi số trong quản lý các đối tượng chính sách, dự báo thị trường lao động

Từ việc triển khai công tác hỗ trợ cho các đối tượng theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) nhận thấy cần phải thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ. Bộ LĐTBXH đã chuẩn bị nguồn lực để chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, xây dựng cơ sở dữ liệu dự báo cung cầu thị trường lao động, số hoá trong quản lý hồ sơ đối tượng chính sách...

Chú thích ảnh
Kết nối việc làm trực tuyến được một số sàn giao dịch việc làm thực hiện trơng thời gian qua.

Nói về chuyển đổi số trong lĩnh vực LĐTBXH, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Ban cán sự Đảng bộ Bộ LĐTBXH có Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số là định hướng đúng. Với chuyển đổi số, nếu không có sự cam kết, quyết tâm của người đứng đầu thì không thể thành công. Trong số 35 nền tảng số quốc gia được xác định thực hiện thì dữ liệu về lao động, việc làm, an sinh xã hội là một trong những nền tảng trọng tâm. Ngành LĐTBXH quản lý lĩnh vực có tác động xã hội rộng lớn, có hàng chục triệu người phải chăm lo an sinh. Dữ liệu về người dân, người lao động cả nước sẽ là tài sản lớn nhất của ngành LĐTBXH cũng như các bộ, ngành khác để hoạt động hiệu quả hơn.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhận định, LĐTBXH tưởng là ngành khó khăn nhất nhưng lại có điều kiện, tiền đề để làm chuyển đổi số tốt nhất vì liên quan hàng chục triệu người lao động, người hưởng lương hưu, đối tượng bảo trợ xã hội… Thực tế cho thấy, việc thực hiện 2 chính sách hỗ trợ an sinh xã hội năm qua theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 với số tiền giải ngân rất lớn mà triển khai, giải quyết nhanh chóng cũng là nhờ áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số. Khi áp dụng chuyển đổi số thành công, hoạt động của ngành sẽ hiệu quả về công tác an sinh xã hội.

Do đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ LĐTBXH trong năm 2022 phải quyết tâm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số trong quản lý các đối tượng chính sách bằng công nghệ thông tin, thực hiện hỗ trợ chi trả qua ngân hàng; thông qua mạng lưới bưu điện để chi trả cho một số ít người dùng tiền mặt, còn ngành LĐTBXH thực hiện thanh tra, giám sát hoạt động này. Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội có thể đi trước một bước về chuyển đổi số vì đây là ngành thực hiện chi trả qua bảo hiểm và ngân sách Nhà nước rất lớn, liên quan đến quyền lợi của người dân. Ngành LĐTBXH có thể làm thật nhanh nếu toàn ngành nỗ lực, nhất là ở các địa phương.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung khẳng định, một trong bảy nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 đề ra với ngành chính là thực hiện chuyển đổi số triệt để. Dù đã áp dụng khá nhiều công nghệ thông tin nhưng hiện tại nhìn đâu cũng vẫn thấy giấy tờ rất bộn bề. Bộ LĐTBXH đã có chủ trương và lên kế hoạch thực hiện chuyển đổi số trong năm 2021 nhưng do dịch COVID-19 nên đành tạm gác lại. Hiện tại, ngành đã chuẩn bị thêm các khâu như xây dựng dự báo cung - cầu dịch vụ, lo nguồn lực để sớm triển khai kế hoạch chuyển đổi số.

Theo các chuyên gia lao động, việc thực hiện chuyển đổi số với việc ứng dụng đồng bộ công nghệ thông tin, liên thông với dữ liệu dân cư quốc gia sẽ góp phần minh bạch thông tin, chi trả đúng, kịp thời đối tượng thụ hưởng; đồng thời có dữ liệu tổng quát hơn về dự báo thị trường lao động, nhất là tại đợt dịch lần thứ 4, nhiều lao động đã rời khỏi thành phố lớn. 

XM/Báo Tin tức
Thúc đẩy chuyển đổi số tại các tỉnh, thành phố qua việc học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau
Thúc đẩy chuyển đổi số tại các tỉnh, thành phố qua việc học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau

Để thúc đẩy chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị phổ biến, chia sẻ câu chuyện chuyển đổi số cho 63 tỉnh, thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN