Hội nghị có sự tham gia trực tiếp của 150 đại diện các hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp và hàng trăm khách mời trực tuyến. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, những kết quả tích cực đạt được trong chống dịch vừa qua của thành phố có sự đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Lãnh đạo thành phố ghi nhận và cảm ơn các doanh nghiệp đã thấu hiểu, chia sẻ và “đồng cam cộng khổ” cùng chính quyền, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch.
Việc triển khai các mô hình “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 điểm đến” đã gây gia tăng chi phí và phát sinh nhiều vấn đề trong vận hành. Nhưng, hầu hết các doanh nghiệp đều chủ động xây dựng phương án thích nghi với bối cảnh dịch bệnh và phù hợp với tình hình thực tế. Chính sự nỗ lực của các doanh nghiệp đã giúp thành phố đảm bảo “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9 vừa qua, thành phố Đà Nẵng đã liên tục triển khai các phương án giãn cách nghiêm ngặt, tuy thành công ban đầu về khống chế dịch bệnh, nhưng các biện pháp mạnh nhằm khống chế dịch bệnh đã tác động lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Lũy kế 9 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố ước giảm 4,16%; nguồn thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 69,1% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí giải thể. Thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp, chính quyền thành phố đã tạo điều kiện tốt nhất trong phạm vi thẩm quyền cho phép để hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Mặc dù vậy, nhiều giải pháp khi triển khai trong thực tế vẫn còn lúng túng, gây không ít trở ngại cho doanh nghiệp.
Tại hội nghị, các đại biểu đã có nhiều ý kiến tâm huyết, đề xuất các giải pháp thiết thực cho chính quyền thành phố Đà Nẵng về những lĩnh vực như: đẩy nhanh tiêm phủ vaccine cho người lao động; tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách về ưu đãi tín dụng, giãn nợ, giảm thuế và tiền thuê đất; cần đơn giản hóa thủ tục ra – vào thành phố. Đồng thời, đồng bộ các phần mềm, ứng dụng quản lý về kiểm soát dịch bệnh...
Bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân thành phố Đà Nẵng cho rằng, chính quyền thành phố cần đẩy nhanh việc tiêm chủng cho người lao động và toàn dân kể cả trẻ nhỏ. Cùng đó, nâng cao năng lực điều trị COVID-19 sẵn sàng cho giai đoạn mới đó là giai đoạn khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn.
Các chính sách tín dụng, hỗ trợ tín dụng, vay ưu đãi, vay không thế chấp cần được triển khai sát thực tế hơn để đến được với các doanh nghiệp. Ngoài ra, có chính sách miễn, giảm tiền thuê đất trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 và không điều chỉnh tăng giá đất trong giai đoạn này.
Bên cạnh đó, thành phố cũng cần xây dựng các kịch bản phòng chống dịch cho giai đoạn mới; quy định cụ thể việc xử lý ca F0 trong nhà máy, doanh nghiệp, cộng đồng để đảm bảo an toàn và duy trì sản xuất.
Ông Dương Tiến Lâm, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistic Việt Nam tại Đà Nẵng cho rằng, việc xin phép ra vào thành phố khá phức tạp. Doanh nghiệp lúng túng trong việc xin phép ra, vào thành phố. Doanh nghiệp trực tiếp đến phường nộp đơn họ không được giải quyết. Ông Lâm đề xuất, việc xin phép ra, vào thành phố cũng cần được thực hiện online và đơn giản để tránh chồng chéo với những quy định khác.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định: Trong thời gian tới, thành phố sẽ mở lại nhiều hoạt động sinh hoạt, sản xuất, theo hướng tiếp tục nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch, và nhiều khó khăn vướng mắc hiện nay sẽ được tháo gỡ.
Trong tháng 10/2021, lãnh đạo thành phố cam kết đảm bảo tiêm vaccine mũi 1 cho 100% người dân thành phố trong độ tuổi cho phép, đến cuối năm tiêm đủ 2 mũi. Đồng thời, hỗ trợ 50% chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp theo kế hoạch xét nghiệm.
Việc chuyển đổi số sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và lãnh đạo thành phố cam kết chịu trách nhiệm về thuận lợi hóa thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy đoàn kết, tự lực tự cường, chủ động xây dựng phương án phục hồi sản xuất, tương ứng phương án phòng chống dịch của thành phố.