Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng Tôn Thất Thạnh, trong ngày 9/8, Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm cho 62.087 lượt người; công bố khỏi bệnh và xuất viện 34 bệnh nhân; đang thực hiện cách ly, giám sát 4.221 trường hợp F1; 4.481 trường hợp F2.
Báo tình hình kiểm soát dịch tại quận Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng), ông Nguyễn Thành Nam - Phó Chủ tịch UBND quận cho hay, trong ngày 9/8, quận Sơn Trà đã rà soát, tăng cường tổ chức các chốt cứng; quán triệt các đoàn từ thiện đưa hàng về Ủy ban MTTQ của quận để tổ chức thực hiện thống nhất, tránh đi vào trực tiếp vùng cách ly y tế. Ngoài ra, quận Sơn Trà đã phân công 3 Phó Chủ tịch UBND quận phụ trách các phường điểm nóng để rà soát về công tác phòng, chống dịch.
Về công tác điều phối lại hàng hóa, quận Sơn Trà đã dừng việc cung ứng thực phẩm của Công ty Vựa xanh miền Trung và chuyển cho Công ty Đắc Vinh, Siêu thị Lotte, Big C chịu trách nhiệm phân phối thực phẩm cho người dân. Hiện quận đã chi 500 triệu đồng mua các loại thực phẩm, gạo cung ứng kịp thời cho người dân trong khu vực phong tỏa, trong đó ưu tiên các phường Nại Hiên Đông, Mân Thái, Thọ Quang.
Qua kiểm tra thực tế, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đánh giá, quận Sơn Trà đã có những chỉ đạo quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch nên việc siết chặt khu phong tỏa có sự chuyển biến; biểu dương các tổ trưởng dân phố trong khu phong tỏa đã nhiệt tình đưa hàng hóa và đi chợ thay cho từng người dân.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị quận Sơn Trà rà soát, kiểm tra lại những khu vực người dân chưa được cung cấp đủ hàng hóa, thực phẩm và cần có sự kiểm soát bao quát hơn trong các khu vực điểm nóng dịch bệnh. Cùng đó, Công an thành phố tổ chức phân luồng xanh, cấp thẻ cho những xe chở hàng hóa, thực phẩm vào khu cách ly, giúp cơ quan chức năng tại các chốt chủ động kiểm soát người ra, vào. Sở Công Thương phải linh hoạt trong việc điều phối hàng hóa trong các khu cách ly, phong tỏa, tổ chức xe bán hàng lưu động hỗ trợ người dân đặt hàng, cung ứng đầy đủ thực phẩm cho người dân.
* Chiều 9/8, Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 thành phố Đà Nẵng họp bàn về kế hoạch tiêm chủng trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo của Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, từ tháng 3 đến nay, Bộ Y tế chủ trương phân bổ cho thành phố Đà Nẵng 8 đợt với 185.450 liều vaccine, trong đó thành phố đã tiếp nhận 97.850 liều. Dự kiến đến ngày 18/8, Đà Nẵng sẽ tiếp nhận đủ số vaccine được phân bổ theo kế hoạch và tiêm xong số lượng vaccine đã tiếp nhận trước đó. Đến nay, Đà Nẵng đã có gần 7.500 người được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19. Số trường hợp phản ứng thông thường chiếm khoảng 20%, một trường hợp phản ứng nặng đã kịp thời xử trí cấp cứu, không để lại biến chứng.
Sở Y tế đã tham mưu UBND thành phố thiết lập 10 địa điểm tiêm chủng trên địa bàn thành phố, có thể tiêm chủng cho khoảng 20.000 người/ngày.
Bà Ngô Thị Kim Yến - Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho biết, để chuẩn bị cho chiến dịch này, ngành Y tế đã chủ động rà soát tất cả các cán bộ, lực lượng y tế đang làm việc từ tuyến xã trở lên để tổ chức đào tạo, tập huấn về công tác tiêm chủng. Sở cũng tập huấn, đào tạo cho đội ngũ y tế tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ đủ điều kiện, lực lượng cán bộ y tế hưu trí để hỗ trợ triển khai công tác tiêm chủng.
Hiện, ngành Y tế đã thiết lập được 140 đội tiêm (với nhân lực 3 người/đội), bố trí cho các điểm tiêm chủng để thực hiện. Ngoài ra ngành Y tế đã tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các lực lượng cùng tham gia hỗ trợ như: Công an, Quân đội, đoàn viên, thanh niên, giáo viên, sinh viên... cùng tham gia vào các khâu đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng, đón tiếp, cập nhật thông tin, nhập dữ liệu hỗ trợ trong công tác tổ chức tiêm chủng để giảm tải cho ngành y tế.
Đối với việc đảm bảo cấp cứu, xử trí kịp thời các sự cố bất lợi sau tiêm chủng, tại các điểm tiêm chủng ngành y tế sẽ bố trí bộ phận thường trực với đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị cấp cứu sẵn sàng hỗ trợ điểm tiêm chủng.
Ngoài ra, Sở bố trí xe cấp cứu để hỗ trợ công tác vận chuyển cấp cứu khi cần thiết; thành lập các đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ cấp cứu tại các điểm tiêm chủng, cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân liên hệ trong trường hợp cần thiết. Đối với điểm tiêm chủng lưu động, giao cho đơn vị được chọn làm điểm tiêm lưu động thành lập đội cấp cứu lưu động để hỗ trợ điểm tiêm chủng tại đơn vị…
Theo bà Ngô Thị Kim Yến, để đạt kế hoạch tiêm đủ cho tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên, Đà Nẵng phải tiêm cho 826.000 người với khoảng 1.600.000 liều vaccine. Nếu đúng theo kế hoạch phân bổ vaccine của Bộ Y tế cho Đà Nẵng, khả năng từ nay đến cuối năm 2021, Đà Nẵng sẽ hoàn thành kế hoạch tiêm chủng đặt ra.
Do số lượng vaccine về nhiều nên ngành Y tế sẽ có điều chỉnh, trong đó Sở Y tế có thể tối ưu hóa, thực hiện tiêm chủng 2 ê kíp từ 6 giờ đến 12 giờ và 13 giờ đến 19 giờ, có thể tiêm 14 giờ/ngày. Điều đáng lưu ý hiện nay là việc lập danh sách sẽ quyết định thành bại trong chiến dịch tiêm chủng lần này.
Để triển khai kế hoạch tiêm chủng trong thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chính đề nghị mỗi đơn vị, địa phương đều phải có kế hoạch riêng. Sở Y tế căn cứ vào lượng vaccine từng đợt để có kế hoạch cụ thể; trong đó bám sát vào yêu cầu Bộ Y tế để lên kế hoạch về đối tượng, số lượng, nguồn nhân lực; các quận huyện cần bố trí, sắp xếp điểm tiêm chủng an toàn, đảm bảo an ninh trật tự.
Trong quá trình tiêm chủng ngành y tế phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị các phương án khi có sự cố xảy ra, thông tin cho người được tiêm biết rõ quy định trước và sau khi tiêm, đảm bảo điểm tiêm thực hiện an toàn, chu đáo.