Trong giai đoạn này, chương trình đặt mục tiêu thu mua và tái chế hoàn toàn 3.000 tấn vỏ hộp giấy thành những sản phẩm hữu ích như bìa giấy nguyên liệu và mái lợp sinh thái.
Được phát triển từ mô hình hoạt động thu gom vỏ hộp giấy thông qua những người thu gom phế liệu, do Tetra Pak, nhà cung cấp giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm đến từ Thụy Điển khởi xướng từ những năm 2010, chương trình thí điểm này nhằm hiện thực hóa cam kết bảo vệ những điều tốt đẹp, gồm bảo vệ thực phẩm, con người và trái đất mà Tetra Pak đã theo đuổi trong nhiều thập kỷ qua, đồng thời khẳng định cam kết của Tetra Pak trong việc hỗ trợ cho các khách hàng của mình thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất thu gom bao bì sau khi bán ra.
Điểm đáng lưu ý của chương trình thí điểm này là việc xây dựng nhận thức và khuyến khích những người thu gom phế liệu – với thế mạnh có thể thâm nhập sâu trong cộng đồng – tham gia thu gom vỏ hộp giấy tại nguồn. Ngoài việc vỏ hộp giấy đã qua sử dụng có giá trị thương mại khi được bán cho nhà tái chế, người thu gom phế liệu cũng sẽ nhận được hỗ trợ từ chương trình theo khối lượng họ thu gom.
Thông qua mô hình này, chương trình kỳ vọng xây dựng một hệ sinh thái thu gom và tái chế vỏ hộp giấy ngay từ chính những mắt xích đầu tiên của chuỗi thu gom – những người thu gom phế liệu sẽ giúp tăng tỉ lệ thu gom, tái chế, đồng thời giảm thiểu số lượng vỏ hộp giấy thải ra môi trường, hướng tới xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó cũng cải thiện sinh kế cho những người thu gom phế liệu tham gia chương trình.
Cho đến nay, đã có ba đơn vị thu gom là Lagom, Tiến Thành Paper và VECA xác nhận tham gia chương trình. Các đơn vị này sẽ thu mua vỏ hộp giấy từ những người thu gom phế liệu và bán cho Nhà máy giấy Đồng Tiến ở Bình Dương. Tại đây, vỏ hộp giấy sẽ được tái chế thành các sản phẩm hữu ích như giấy bao gói công nghiệp, tấm lợp, tấm phẳng sinh thái.
Dự án hướng tới tiếp cận và nhận được sự tham gia của nhiều đơn vị thu gom tương tự, nhờ đó, tăng độ phủ và sản lượng thu gom vỏ hộp giấy trong thời gian tới.