Olympic Paris 2024: Lợi ích kinh tế từ việc đăng cai

Pháp đang đối mặt với khoản chi lên đến 9 tỷ euro (9,5 tỷ USD) để tổ chức Olympic Paris 2024 nhưng các quan chức hàng đầu cho rằng hậu quả tài chính có thể gây tác động tâm lý hơn là kinh tế.

Chú thích ảnh
Biểu tượng Olympic và Paralympic 2024 tại Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước khi Olympic Paris 2024 khai mạc vào ngày 26/7 tới, các bộ trưởng và các tổ chức giám sát tài chính đang đưa ra các số liệu ước tính chi phí và lợi ích từ việc đăng cai sự kiện thể thao quốc tế này. Cho đến nay, chính quyền Pháp dự kiến chi phí tổ chức Olympic Paris 2024 là gần 9 tỷ euro dù con số chính xác cần thời gian để xác định.

Ủy ban Kiểm toán nhà nước Nhật Bản cho biết Olympic Tokyo 2020, phải lùi sang năm 2021 do ảnh hưởng dịch COVID-19, tiêu tốn khoảng 12,9 tỷ USD. Theo Bộ Tài chính Hy Lạp, chi phí tổ chức Olympic Athens 2004 khoảng 9,1 tỷ USD trong khi một số ước tính độc lập cho thấy con số này lên đến gần 15 tỷ USD. Trong khi đó, Olympic London 2012 tiêu tốn tới 15 tỷ USD. 

Nhà kinh tế trưởng của nhóm dịch vụ tài chính Oddo BHF, chuyên gia Bruno Cavalier cho rằng việc tổ chức Olympic Paris 2024 sẽ không làm thay đổi hoàn toàn tình trạng nợ công của Pháp đang ở mức khoảng 3.200 tỷ USD. Theo Trung tâm Luật và Kinh tế thể thao (CDES), đơn vị giám sát Olympic Paris 2024 của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và Ban tổ chức sự kiện thể thao này, việc đăng cai Olympic Paris 2024 sẽ giúp khu vực thủ đô Paris kiếm được từ 6,7 tỷ euro đến 11,1 tỷ euro. Tuy nhiên, CDES cho rằng những lợi ích này không đạt được ngay mà sẽ kéo dài trong khoảng 20 năm. 

Hồi tháng 2 năm nay, công ty tư vấn Asteres ước tính rằng Olympic Paris 2024 sẽ mang lại 5,3 tỷ euro tiền thuế và lợi tức xã hội bổ sung. Trong khi đó, ngân hàng Deutsche Bank của Đức cho rằng các quốc gia đăng cai Olympic hay World Cup (VCK giải vô địch bóng đá thế giới) ít khi đạt được lợi nhuận kinh tế hay lợi tức xã hội tích cực từ những khoản đầu tư và tài trợ công lớn vào các sân vận động và cơ sở hạ tầng công cộng mới. Ngay cả việc thúc đẩy đầu tư và việc làm trong ngắn hạn cũng bị hạn chế trừ khi quốc gia đăng cai đang trải qua tình trạng suy thoái. 

Theo Thống đống Ngân hàng trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau, Olympic Paris 2024 sẽ gây tác động tâm lý hơn là kinh tế. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu Pháp có thể cải thiện hình ảnh của đất nước trên toàn thế giới thông qua việc tổ chức sự kiện thể thao này thì Pháp có thể mong đợi những khoản đầu tư mới.

Trong ngắn hạn, một số công ty đang tìm cách kiếm tiền. Le Slip Francais, một nhà sản xuất đồ lót, đang cho ra mắt hàng nghìn sản phẩm đồ lót, đồ bơi, đồ ngủ và nhiều mặt hàng khác mang màu sắc Olympic. Theo Giám đốc điều hành Le Slip Francais, bà Lea Marie cho biết Olympic đang tạo ra việc làm tại các nhà máy của công ty này và 80 nhà thầu phụ. 

Các công ty có liên quan đến hoạt động xây dựng cho Olympic cũng được hưởng lợi. Theo CDES, các công ty xây dựng dự kiến sẽ tăng thêm doanh thu lên tới 3 tỷ euro. Ngành du lịch ước tính cũng kiếm được 3,6 tỷ euro từ 15 triệu lượt du khách, trong đó có 2 triệu lượt khách du lịch từ nước ngoài. Oddo BHF cũng cho rằng các công ty truyền thông, giải trí, đồ uống, hàng tiêu dùng và vận tải cũng sẽ được hưởng lợi từ Olympic Paris sắp tới.

Trần Quyên (TTXVN)
Olympic Paris 2024: Đoàn Nhật Bản đông đảo nhất từ trước đến nay
Olympic Paris 2024: Đoàn Nhật Bản đông đảo nhất từ trước đến nay

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, Olympic 2024 sẽ chính thức được khai mạc tại Paris (Pháp), Nhật Bản dự kiến sẽ có khoảng 400 vận động viên (VĐV) tham dự sự kiện này ở 31/32 môn thể thao, con số lớn nhất từ trước đến nay đối với một Thế vận hội mùa Hè được tổ chức ngoài quốc gia trên, trong đó nổi bật là sự hồi sinh của các bộ môn bóng đồng đội cũng như sự phát triển nhanh chóng của các bộ môn thể thao mới nổi như trượt ván.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN