Không thi đấu, giảm sút các nguồn thu, việc các câu lạc bộ sa thải cầu thủ được FIFPRO cho là hệ quả tất yếu từ cuộc khủng hoảng tài chính mà hàng thập kỷ nay bóng đá thế giới mới gặp phải.
Bóng đá thế giới sẽ không hoạt động trong vài tuần hay thậm chí là vài tháng nữa. Các giải đấu quan trọng, các giải thi đấu quốc tế, tranh cúp đều đã bị hoãn lại. Thậm chí là các giải đấu lớn cấp châu lục như EURO 2020 hay Copa America cũng đều tuyên bố hoãn thi đấu vào hôm 17/3.
Tổng thư ký của FIFPRO - ông Jonas Baer-Hoffmann chia sẻ với báo chí: "Vấn đề sức khỏe là quan trọng nhất, tuy nhiên, các cầu thủ cũng sẽ dần phải quan tâm đến cuộc sống của họ nữa. Với đại đa số, bị mất thu nhập trong khoảng 2 - 3 tháng là một mối lo với bất cứ một người lao động nào. Trước khi mọi việc trở nên tồi tệ, việc của chúng ta là phải đoàn kết trong mọi hành động."
Theo ông Baer-Hoffmann, bóng đá vẫn phát triển tốt trong thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, lần này mọi việc không khả quan như vậy. Ông Baer-Hoffmann cho biết nguồn tài chính của các câu lạc bộ được chi tiêu rất chặt chẽ. Vì vậy nếu không nhanh chóng ổn định dòng tiền về các câu lạc bộ, chúng ta sẽ thấy các cầu thủ hay các thành viên ban huấn luyện bị sa thải trong vài tuần tới.
Tuy nhiên, việc Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) vẫn để cho các mùa giải các nước châu Âu tự quyết định thời điểm kết thúc và thi đấu sau dịch bệnh là hướng đi mở cho các cầu thủ. Các cầu thủ cần nỗ lực rất nhiều để giữ được thể lực và nếu ở nhà chỉ khoảng 2 tháng, họ sẽ cần rất nhiều thời gian để lấy lại phong độ.
Trước đó, UEFA cũng khẳng định sẽ lập nhóm nghiên cứu về những tác động tài chính do dịch bệnh gây ra. Chủ tịch FIFA Gianni Infantino cũng đề xuất lập quỹ hỗ trợ toàn cầu để giúp đỡ các cầu thủ bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng sau COVID-19.