Theo thống kê của Opta, trong 10 trận đầu tiên của EURO 2020, chỉ có trung bình 19,8 lỗi mỗi trận. Đây là con số thấp nhất của một giải EURO hay WORLD CUP kể từ từ Opta bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1980.
Chiếc thẻ đỏ duy nhất của giải tính đến thời điểm này được dành cho tiền vệ Grzegorz Krychowiak của Ba Lan. Theo cựu trọng tài Mark Clattenburg của Anh, dù án phạt dành cho cầu thủ này có thể gây ra tranh cãi, nhưng nhìn chung công tác trọng tài của EURO 2020 đến nay được đánh cao.
Theo ông Clattenburg, các trọng tài của EURO 2020 đã có nhiều quyết định chính xác, và không dễ để các cầu thủ có thể qua mặt trọng tài. Chẳng hạn, trong trận đấu giữa Anh và Croatia, tiền vệ Luka Modric của Croatia đang dẫn bóng thẳng vào vòng cấm của tuyển Anh. Nhận thấy hậu vệ Kieran Tripper đang lao tới và chuẩn bị có động tác tắc bóng, Modric đã ngay lập tức ngã xuống và hy vọng trọng tài Daniele Orsato sẽ cho Croatia hưởng đá phạt. Tuy nhiên, ông Orsato đã ngay lập tức xua tay và cho rằng không có bất cứ tác động nào của Tripper. Trận đấu vẫn được tiếp tục sau tình huống đó.
Cựu trọng tài Clattenburg nhận định tình huống nêu trên làm nổi bật việc đội ngũ trọng tài đã được nâng cao trình độ ở EURO 2020. Bên cạnh đó, nhận thức được tầm quan trọng của những tình huống cố định, các trọng tài dường như khá thận trọng khi thổi phạt cố định. Cựu trọng tài Clattenburg đánh giá giờ đây các cầu thủ sẽ không còn hy vọng vào những tình huống không rõ ràng để được hưởng đá phạt, từ đó tạo ra bước ngoặt của trận đấu.
Nói đến công tác trọng tài, không thể không nhắc đến tình huống cầu thủ Christian Eriksen bất ngờ ngã gục trong trận đấu giữa Đan Mạch và Phần Lan. Trọng tài điều khiển trận đấu đó là Anthony Taylor chỉ mất đúng 5 giây để quyết định dừng trận đấu để gọi đội ngũ y tế vào sân chăm sóc. Sau trận đấu, quyết định dứt khoát của “ông vua áo đen” này đã được người dùng trên mạng xã hội đánh giá rất cao. Nhiều người cho rằng nếu ông Taylor không hành động nhanh chóng rất có thể Eriksen sẽ tử vong.
Nhận định về việc EURO 2020 có ít lỗi hơn so với các giải trước, ông Clattenburg cho rằng bên cạnh việc các trọng tài bắt chính xác hơn, các cầu thủ cũng ý thức rõ hơn về việc phạm lỗi. EURO là một giải đấu mang tính quốc gia và rất khác so với các giải vô địch câu lạc bộ. Các cầu thủ sẽ buộc phải kỷ luật hơn, có thể vì họ không muốn khiến đất nước thất vọng. Trong khi đó, khi đá ở giải vô địch câu lạc bộ, chẳng hạn như giải Ngoại hạng Anh, các cầu thủ sẽ chỉ bị treo giò khi đã nhận 5 thẻ vàng. Điều này khiến cầu thủ có thể không ngại phạm lỗi hơn so với khi đá ở tuyển quốc gia.
Cựu trọng tài Clattenburg cho rằng cho đến nay, công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR) vẫn chưa được sử dụng quá nhiều, và đây cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy công tác trọng tài đang được tiến hành tốt. Và người hưởng lợi chính là các khán giả, khi họ được tận hưởng bầu không khí bóng đá chuẩn mực nhất.