COVID-19: Bóng đá trên bàn phím

Khi một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD bước vào tháng phong tỏa thứ hai, các tuyển trạch viên và giám đốc thể thao đều tìm thấy những gì mà họ cần: Sự kiên nhẫn.

Những ngày không có trận đấu

Vì vậy, đối với Monchi, Giám đốc thể thao của Sevilla và phụ trách các hoạt động tuyển dụng của CLB, ông vẫn có dữ liệu để truy tìm và xem video. Những đại diện liên tục gọi điện, giới thiệu cầu thủ, đưa ra các mức lương. Monchi và nhóm của ông nhập tất cả vào, sau đó họ cân nhắc và điều chỉnh tính toán cho phù hợp. Nó giống như trong một tháng 4 bình thường, trong một thế giới bình thường.

Chú thích ảnh
Bóng không lăn, nhưng công việc của những giám đốc thể thao như Monchi vẫn rất bận rộn. Ảnh: DM

“Khác biệt duy nhất là các cuộc họp diễn ra trên các cuộc gọi video”, Monchi nói. “Vì vậy, bạn không cần phải ăn mặc nghiêm chỉnh”.

Bóng đá châu Âu vậy là đã gián đoạn tháng đầu tiên kể từ khi kết thúc Thế chiến II. Với một vài trường hợp ngoại lệ - Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức thêm vài ngày nữa, Belarus thi đấu tiếp, ngay cả bây giờ - không một cầu thủ nào thi đấu kể từ buổi tối kỳ lạ ngày 12/3, khi một loạt các trận đấu tại Europa League diễn ra, một số không có khán giả tham dự. Đó là lần cuối cùng trước khi ảo tưởng về khả năng miễn dịch của thể thao đối với đại dịch COVID-19 bị phá vỡ.

Dĩ nhiên thì những ngày đầu tiên luôn có sự băn khoăn và bận rộn. Việc dừng lại mang đến những thách thức của riêng nó, khi các HLV đưa ra các chương trình phù hợp cho cầu thủ vốn bị giam hãm trong nhà và các CLB vội vã trang bị các thiết bị chuyên dụng - máy chạy bộ, xe đạp tập thể dục, các đơn vị GPS - cho đội bóng đột nhiên bị cách li.

Vấn đề là không ai biết tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu. Không ai biết họ sẽ làm gì, khi nào. Kế hoạch của các cầu thủ được xem xét mỗi tuần, thay đổi liên tục chờ ngày có thể trở lại sân tập, và rồi các trận đấu một lần nữa bị lùi.

Cho đến khi các chương trình luyện tập và đường dây liên lạc được thiết lập, thế giới không ngừng nghỉ của bóng đá đỉnh cao đã phải học một đức tính mới, sâu sắc lạ lẫm: Kiên nhẫn.

Các cuộc thảo luận giữa các CLB của châu Âu, các giải đấu và các cơ quan quản lý đã kéo dài trong nhiều tuần qua nhưng rồi sau mỗi cuộc chỉ càng cho thấy thực tế đối mặt với môn thể thao này: Đại dịch sẽ xác định thời gian biểu, và không có gì khác.

Còn trong thời gian chờ đợi, “như một kiểu thả lỏng” theo lời Sean Dyche, HLV của Burnley, tất cả các HLV, tuyển trạch viên và những ai ở phía sau đội bóng là cố gắng sử dụng thời gian của họ một cách tốt nhất có thể. Và phải thừa nhận cho đến giờ thì trải nghiệm của họ đều như nhau. Những lo lắng về virus corona, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, rồi việc chăm sóc trẻ con khi chúng không đến trường, sắp xếp bữa ăn, tổ chức lại cuộc sống và công việc.

Và sau đó, dĩ nhiên là vấn đề tuyển dụng. Tại hầu hết các CLB, đó là một bộ phận vẫn hoạt động, hiệu quả, đầy đủ trong tình thế không có các trận đấu trực tiếp, mặc dù một số đội bóng như Newcastle và Tottenham đã đưa các tuyển trạch viên của họ vào diện nghỉ việc. Nói ngắn gọn, nhiều người thực hiện công việc của họ đúng như những suy nghĩ của Monchi, rằng nó vẫn tiếp tục như bình thường, tập trung vào tương lai.

Bao giờ, khi nào?

Nhìn ra châu Âu, các đội vẫn theo dõi sát sao danh sách các mục tiêu, kiểm tra báo cáo và phân tích, xác định các ưu tiên. Nhờ các dịch vụ đăng ký Wyscout và Instat, họ có thể theo dõi những trận đấu có cầu thủ liên quan. Hay Hudl, một ứng dụng dành riêng cho bóng đá, cho phép họ có những đánh giá sâu hơn.

Rồi các cuộc họp ảo. Nói như một số tuyển trạch viên thì việc chuyển sang họp trực tuyến sẽ dẫn đến các quyết định tốt hơn: Không chỉ có nhiều người tham gia thảo luận về chiến lược hoặc đóng góp vào quyết định mà việc không phải di chuyển giúp họ có thêm thời gian để đưa ra kết luận.

Điều phức tạp là không ai biết các CLB đang có kế hoạch gì. Ngay cả những người giàu nhất cũng đều tin rằng thất thu tài chính là rất lớn. Mức độ cụ thể thì chưa rõ nhưng ở Italy, Tây Ban Nha, Anh và Đức, ước tính lên đến hàng trăm triệu USD.

Ngoài ra, các CLB cũng không biết họ có thể phải chi bao nhiêu tiền. Hầu hết đã hạ thấp kì vọng của họ và điều chỉnh tính toán cho phù hợp thực tế mới. Sau cùng thì dù nhiều nghiên cứu đã được thực hiện, rất nhiều dữ liệu đã được thu thập, việc bóng không lăn vào cuối mùa giải hầu như không tạo ra sự khác biệt. Nghĩa là mọi sự chắc chắn vào lúc này là không thể, khi rất nhiều thứ đều chỉ là giả thuyết. Không ai biết khi nào bóng đá sẽ trở lại, trông như thế nào, ngân sách của các đội bóng còn lại bao nhiêu và không ai muốn đưa ra dự đoán. Tương lai, giống như hiện tại, đang bị đóng băng.

Tương tự như vậy là các cuộc thảo luận hợp đồng. FIFA đề xuất các CLB và cầu thủ rằng, các hợp đồng hiện tại nên được kéo dài cho phù hợp với việc mở rộng mùa bóng. Điều này sẽ phụ thuộc vào thiện chí, từ cả hai phía và luật hợp đồng quốc gia, cũng như khả năng tài chính của mỗi đội bóng vào thời điểm đó.

Cũng vì thế mà nhiều CLB đã tạm gác các cuộc đàm phán với cầu thủ về việc gia hạn hoặc cải thiện hợp đồng hiện tại của họ. Trong một số trường hợp, những đề nghị đã được đặt trên bàn chỉ cách đây một vài tuần trước đây hiện đã bị rút lại. Các con số trên giấy chắc chắn sẽ rất khác khi chúng trở lại bàn đàm phán của hai bên.

Nói thế nhưng rồi không ai biết thời điểm là khi nào. Các quan chức bóng đá tiếp tục bàn luận, tiếp tục lên kế hoạch: Cuối tháng 5, đầu tháng 6, cuối tháng 6. Họ có thể sẽ hoàn tất mùa giải này. Họ sẽ bảo vệ mùa giải tới. Và rồi họ chợt nhận ra rằng họ không còn kiểm soát được tình hình.

Bundesliga tập trở lại sớm nhất

Tại Đức, một trong những tâm dịch COVID-19 của châu Âu, mặc dù chưa biết giải vô địch quốc gia bao giờ khởi tranh tiếp nhưng các đội bóng đã trở lại tập luyện bình thường từ cuối tháng 3 và đầu tháng 4 dưới những điều kiện ngặt nghèo về y tế. Buổi tập chỉ diễn ra giữa các nhóm nhỏ và không quá 7 người mỗi nhóm. Các cầu thủ được yêu cầu giữ khoảng cách 1,5 đến 2m và sẽ không có các pha tranh chấp bóng. Được biết, phần lớn các đội bóng của Đức đều yêu cầu cầu thủ thay đồ và tắm tại nhà trước và sau buổi tập.
Theo Thethaovanhoa.vn
Ngành Thể thao đảm bảo tập luyện, quyết tâm ‘thắng’ dịch COVID-19
Ngành Thể thao đảm bảo tập luyện, quyết tâm ‘thắng’ dịch COVID-19

Đạp xe “băng đồng” hàng trăm vòng trong khuôn viên trung tâm huấn luyện, tập bơi trên cạn, tự tổ chức các giải đấu trong nội bộ đội tuyển... là những cách luyện tập đáng nhớ của các vận động viên (VĐV) thể thao Việt Nam trong mùa dịch COVID-19, khi các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia lớn nhất cả nước phải tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN