Trung Quốc đang dần cảm nhận rõ rệt ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu, và hậu quả của nó đang gây ra nhiều tổn thất nặng nề cho các địa phương trên cả nước.Phía Bắc Trung Quốc hiện đang phải chịu một đợt hạn hán khắc nghiệt. Hãng tin Tân Hoa Xã cho biết tỉnh Hà Nam, một trong những tỉnh sản xuất gạo lớn nhất của Trung Quốc, phải chịu những tổn thất về mặt kinh tế (khoảng 7,3 tỷ NDT, tương đương với 1,2 tỷ USD) do hạn hán, trong đó nông nghiệp chiếm 97%.
Tỉnh Hồ Bắc ở gần đó cũng phải chịu thiệt hại với lượng mưa ít hơn 50% mức trung bình hằng năm ở một vài vùng. Trong lúc đó, tỉnh Liêu Ninh đang phải hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất kể từ khi tỉnh này bắt đầu thống kê số liệu vào năm 1951.
Thậm chí, trong khi các tỉnh miền Bắc đang đối mặt với hạn hán nghiêm trọng thì miền Nam lại trải qua lũ lụt nặng nề. Ở phía Tây Bắc Trung Quốc, đợt lũ vào tháng 7 do mưa lớn đã làm 34 người thiệt mạng và tổn thất khoảng 5,21 tỷ NDT (khoảng 839,8 triệu USD).
Cảnh hạn hán tại tỉnh Hà Nam. Ảnh: cntv.
|
Trong khi đó vào giữa tháng 7, cơn bão Rammasun, là cơn bão lớn nhất trong lịch sử 40 năm trở lại đây ở Trung Quốc, gây ra nhiều mưa giông và lũ lụt. Đầu tháng này, nhiều cơn mưa lớn ập đến gây khó khăn cho việc khôi phục lại cơ sở hạ tầng sau trận động đất ở Vân Nam, và chỉ trong tuần qua tình trạng ngập lụt ở tỉnh Quảng Đông làm ít nhất 12 người thiệt mạng.
Hạn hán ở phía Bắc và lũ lụt ở phía Nam có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng dù sao đi nữa nó cũng cho thấy xu hướng trong tương lai do biến đổi khí hậu toàn cầu. Bản báo cáo thường kỳ lần thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (đưa ra năm 2007) dự đoán lượng mưa sẽ tăng mạnh ở phía Tây Trung Quốc và Nam Trung Quốc, trong khi đó cường độ sẽ giảm ở phía Bắc. Thay đổi về lưu lượng mưa chỉ là một phần nhỏ trong những thách thức về biến đổi khí hậu mà Trung Quốc phải đối mặt.
Báo cáo thường kỳ lần thứ 5 của Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, đưa ra năm ngoái, dự đoán về mối đe doạ tiềm tàng trong vấn đề thiếu nước sạch và an ninh lương thực tại Trung Quốc (hay châu Á nói chung) cũng như nguy cơ tiềm ẩn xảy ra thảm hoạ thiên nhiên. Nguồn nước đang bị đe doạ do tình trạng băng tan ở 2 con sông lớn là Dương Tử và Hoàng Hà. Có thể thấy khi nguồn cấp nước sinh hoạt tiếp tục giảm trong khi nhu cầu sử dụng tăng thì tình trạng thiếu nước sạch là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Tiếp đó, tình trạng khan hiếm nước chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền nông nghiệp, mà theo dự đoán thời điểm sẽ sớm rơi vào tình trạng cạn kiệt nguồn nước tưới tiêu thậm chí có thể diễn ra vào đầu những năm 2020. Hơn nữa, điều này cũng đe doạ đến vấn đề an ninh lương thực, IPCC cảnh báo sự sụt giảm trong sản lượng lúa gạo khi nhiệt độ trái đất thay đổi (mặc dù một vài vùng ở Trung Quốc thực sự có thể có thể tăng năng suất).
Một hồ nước cạn khô tại tỉnh Qúy Châu. Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, IPCC cảnh báo lũ lụt sẽ tiếp tục là một vấn đề đối với Trung Quốc, và nguy cơ này không chỉ xảy ra ở các vùng nông thôn mà con ở những thành phố lớn như Quảng Đông, Thượng Hải, Thiên Tân, và Hồng Kông đều được liệt kê vào danh sách có khả năng gặp rủi ro hứng chịu lũ lụt ven biển. Về vấn đề hạn hán, IPCC dự đoán được những thất thoát về kinh tế do hạn hán sẽ nằm trong khoảng 1,1 tỷ USD cho đến 1,7 tỷ USD ở phía Đông Bắc Trung Quốc và ước tính khoảng 900 triệu USD ở phía Bắc Trung Quốc – giống với mức tổn thất 1,2 tỷ USD mà tỉnh Hà Nam đã phải chịu trong năm nay.
Trung Quốc nhận thức rõ ràng được những vấn đề gây ra bởi biến đối khí hậu. Sách trắng chính phủ năm 2012 về vấn đề biến đổi khí hậu ngay ở những trang đầu đã nhấn mạnh “Trung Quốc là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu”.
Cuốn sách trắng trích dẫn một ví dụ nhằm chứng tỏ tính nghiêm trọng của vấn đề: “Chỉ tính riêng trong năm 2011, thảm hoạ thiên nhiên đã ảnh hưởng đến 430 triệu người và gây ra thiệt hại về kinh tế 309,6 tỷ NDT”. Trong năm 2011, Báo cáo thường kỳ lần thứ 2 về vấn đề biến đổi khí hậu chỉ ra nhiệt độ ở Trung Quốc thực sự tăng nhanh hơn so với nhiệt độ trung bình toàn cầu. Báo cáo cũng dự đoán vào cuối thế kỷ này, nhiệt độ ở Trung Quốc sẽ tăng thêm 2,5 độ C – đây là kịch bản sáng sủa nhất nếu lượng khí thải duy trì ở mức thấp. Còn với lượng khí thải cứ tiếp tục tăng cao thì nhiệt độ có thể lên thêm 4,5 độ C.
Tuy nhiên, dù nhận thức được những vấn đề trên, Trung Quốc (giống như hầu hết các nước khác trên thế giới) cũng đang gặp rắc rối trong việc tìm giải pháp. Chắc chắn rằng mối đe doạ này khiến Bắc Kinh phải nỗ lực khẩn cấp để cắt giảm khí thải và tìm các nguồn năng lượng sạch. Tuy nhiên, thậm chí việc cắt giảm khí thải mạnh mẽ cũng không thể ngăn chặn được thiệt hại đã gây ra do lượng khí thải trong quá khứ, điều này sẽ tiếp tục dẫn đến các hiện tượng biến đổi khí hậu.
Một hồ cạn nước tại Cam Túc. Ảnh: Reuters |
Tháng 12 năm ngoái, Uỷ ban phát triển và cải cách quốc gia của Trung Quốc đã đưa ra một bản báo cáo để cảnh báo Trung Quốc còn chưa đủ năng lực để đối mặt với những hậu quả từ biến đổi khí hậu. Bản báo cáo, được hãng tin Reuters trích dẫn, cho biết: “đất nước chúng ta là một quốc gia đang phát triển với dân số đông, điều kiện thời tiết phức tạp và chính sách về môi trường còn bất cập”, “nhiệm vụ phải đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu rất khó khăn, trong khi nhận thức của xã hội và điều kiện xét toàn diện thì vẫn còn yếu kém”.
Nhiệm vụ hạn chế tác động sự biến đổi khí hậu toàn cầu đang gặp trở ngại bởi những vấn đề môi trường hiện tồn tại trong các lĩnh vực khác của Trung Quốc. Bản đánh giá mới nhất của IPCC đã chỉ ra những ảnh hưởng từ khí hậu không thể tách biệt với các yếu tố khác. Thay vào đó, tình trạng biến đổi khí hậu sẽ kết hợp từ nhiều yếu tố trong việc đô thị hoá, công nghiệp hoá và phát triển kinh tế quá nhanh.
Trung Quốc đang chịu những áp lực này ở mức độ lớn, và bây giờ phải đối mặt với thách thức khổng lồ trong việc khắc phục những thiệt hại đã xảy ra và điều chỉnh hành vi (đặc biệt là trong việc sử dụng nước và phương pháp canh tác nông nghiệp) nhằm giảm thiểu nguy cơ của biến đổi khí hậu trong tương lai.
Bobby Nghiêm (Theo The Diplomat)