Tinh luyện vàng - máy in tiền thứ hai của Thụy Sĩ

Những dãy đồi yên bình ở miền nam Thụy Sĩ vốn nổi tiếng với những rừng cọ, rượu vang và nền văn hóa tương đồng với vùng láng giềng thuộc Italia. Nhưng nơi đây còn tự hào bởi một thứ nữa, cho dù không có ai tâng bốc quá lớn tiếng về nó, đó là nghề tinh luyện vàng - được xem là chiếc máy in tiền thứ hai của Thụy Sĩ sau ngành dịch vụ tài chính ngân hàng.


 

Những thỏi vàng nặng 1 kg tại một nhà máy ở Thụy Sĩ.

 

Bốn trong số những nhà máy tinh luyện vàng lớn nhất của thế giới nằm ở Thụy Sĩ, và ba trong đó nằm ở bang Ticino. Và mặc dù Thụy Sĩ không có mỏ vàng nào, người ta ước tính có tới 2/3 vàng của thế giới được tinh luyện tại đất nước này.


“Đó là do vấn đề lịch sử” - chuyên gia công ty tư vấn tài chính Fidinam, Roberto Grassi giải thích - “Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, do một lượng lớn vàng được gửi tại Thụy Sĩ, các ngân hàng đã quyết định phải tự lập nhà máy tinh luyện của riêng mình để sản xuất vàng thỏi”. Ngày nay, các ngân hàng Thụy Sĩ không còn sở hữu nhà máy nấu vàng nữa, nhưng nghề tinh luyện và sản xuất vàng thỏi thì vẫn rất phát đạt. Năm 2011, năm gần đây nhất có các số liệu về ngành này, trên 2.600 tấn vàng thô đã được nhập khẩu vào Thụy Sĩ, với giá trị lên tới 103 tỉ USD.


Tại Ticino, nhà máy tinh luyện vàng Pamp trông không khác bất cứ nhà máy hiện đại nào khác nếu nhìn từ bên ngoài. Ngay cả chiếc cổng cũng không có gì đặc biệt, ngoại trừ một dấu hiệu cho thấy mức độ an ninh cao hơn bình thường. Nhưng bên trong thì mọi thứ rất khác biệt. Trong một căn phòng, quặng vàng nấu chảy được rót vào các khuôn để tạo thành vàng thỏi, mỗi thỏi nặng tới 12,5 kg. Giá vàng hiện nay vào khoảng 1.700 USD/ounce, một kg vàng tương đương 32 ounce, như vậy mỗi thỏi vàng như thế có giá 680.000 USD.


“Mặc dù người ta đều nói về việc kinh tế toàn cầu đang suy thoái, nhưng có lẽ vì thế mà thị trường vàng đã bùng nổ”, giám đốc quản lý Mehdi Barkhordar của Pamp nói và giải thích: “Khi xảy ra khủng hoảng lòng tin, mọi người không còn tin tưởng vào hệ thống ngân hàng, thậm chí vào hệ thống tài chính của quốc gia, vì thế nhu cầu về vàng thỏi và đồng xu vàng đã tăng vọt. Có thể gọi vàng là một loại bảo hiểm”.


Nhà tư vấn tài chính Roberto Grassi cũng đồng ý với phân tích đó khi cho rằng vàng là một tài sản của những thời kỳ bất ổn. “Vị trí của vàng nổi bật trong những hoàn cảnh đặc biệt như khủng hoảng, thời chiến, và trong những giai đoạn đó, nó cực kỳ giá trị dù ở bất cứ đâu trên thế giới”. Ông Grassi nói thêm, mặc dù giá vàng đã tăng mạnh trong năm nay, nó vẫn là một kênh đầu tư an toàn.


Bất chấp sự thịnh hành của vàng, vẫn có nhiều câu hỏi đặt ra về nguồn gốc của nó cũng như những điều kiện làm việc của công nhân ở các mỏ. Nhà máy Pamp đã tham gia phát triển hệ thống hướng dẫn về trách nhiệm của Hiệp hội thị trường vàng London (LBMA). Hệ thống này đặt ra các tiêu chuẩn nhằm tránh tình trạng lạm dụng nhân quyền, tránh liên quan đến các cuộc xung đột và buộc tuân thủ các tiêu chuẩn về chống rửa tiền cũng như chống tài trợ khủng bố.


Nhưng với những nhà vận động thương mại tự do như Eva Schmassmann thì điều này vẫn chưa đủ. Bà Schmassmann cho rằng, Thụy Sĩ cần phải công khai hơn nữa về ngành công nghiệp vàng. Tuy vậy, còn rất xa để có bất cứ thay đổi nào tại nước này, trong khi hấp lực của vàng vẫn ngày càng lớn trên khắp thế giới. Mặc dù mua vàng không phải là lựa chọn với hầu hết mọi người, và bất chấp thực tế là còn nhiều loại tài sản an toàn khác như bạch kim, thậm chí dầu lửa, chỉ vàng mới có thể buộc con người làm “nô lệ” trong hàng ngàn năm qua.


Ngay cả những người làm ra nó, như ông Barkhordar, cũng không thể lý giải sức hấp dẫn vĩnh cửu của vàng: “Tôi không biết nữa, tại sao không phải là nickel, hay bất cứ thứ gì khác. Tất nhiên, bạn không thể ăn vàng, không ai chết nếu thiếu vàng, nhưng vàng vẫn thật kỳ diệu”.


Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN