Thoảng nghe vó ngựa “ngự lâm quân”

Nếu gặp những người lính thuộc lực lượng Vệ binh Cộng hòa cưỡi ngựa oai phong, tuần tra trên phố Paris, chắc chắn bạn phải trầm trồ xuýt xoa vì họ quá đẹp.

Hình ảnh "ngự lâm quân" lại Paris.

Mỗi khi lang thang trên đường phố Paris, bắt gặp hình ảnh lính Vệ binh Cộng hòa (ngự lâm quân thời quân chủ) trên những con ngựa cao lớn, màu lông nâu sẫm mềm như nhung, thi thoảng cất tiếng hí vang chúng tôi lại mải mê quay phim, chụp hình, rồi lặng nhìn theo đến lúc bóng ngựa và người khuất lấp trên phố, chỉ nghe tiếng vó như khua lốc cốc vào kỷ niệm xa thẳm, hồ như bắt gặp những người lính ngự lâm của Alexandre Dumas đang hiện ra trước mắt.

Trước trận Tứ kết Pháp gặp Iceland, trên đường tới Khải Hoàn Môn, chúng tôi lại may mắn gặp được các “ngự lâm quân”, số thì vắt vẻo trên lưng ngựa, với mũ lông chim phấp phới; số lại đeo lủng lẳng các nhạc cụ và đang vui vẻ tấu nhạc. Ngày 14/7 tới sẽ là Quốc khánh Pháp, nên họ đang gấp rút tập dượt. Một cảnh tượng như trong cung vua, phủ chúa thời trước, tương phản với nhịp sống hiện đại, nơi dòng người đang tấp nập trước quảng trường Étoile, đại lộ Champs-Elysées.

Hôm qua, ở sân vận động Stade de France, Tổng thống Pháp - Francois Hollande, Thủ tướng Manuel Valls, Tổng thống Iceland Olafur Ragnar Grimsson và Thủ tướng lâm thời Sigurdur Ingi Johannsson cũng có mặt để dự trận đấu lớn nhất trong lịch sử đội tuyển "Xứ Băng đảo". Thành ra, “ngự lâm quân” xuất hiện càng nhiều.

Lực lượng Vệ binh Cộng hòa đã trở thành một trong những biểu tượng nổi tiếng của Paris. Họ rất được người dân kính trọng và bênh vực. Thành phần được tuyển dụng lý lịch cũng rất "sạch", cũng ưu tiên con em danh giá có dòng máu hoàng thân, quốc thích. Sự xuất hiện của họ trên đường phố, có gì đó rất oai vệ, đồng thời làm cho Paris thêm phần lãng mạng trong mắt du khách.

Về mặt chính thức, Vệ binh Cộng hòa có nhiệm vụ nặng nề là bảo vệ Tổng thống, dành 69% thời gian bảo vệ các trụ sở nhà nước như Thượng viện, Hạ viện và điện Elysee. Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra một vụ tấn công có tổ chức, họ bị cho rằng không thể chống trả, phản ứng chậm. Ngự lâm quân thời nay chỉ mang tính phô trương và hình thức, trong khi chức năng là bảo vệ tuyệt đối các yếu nhân chưa ổn, chưa tương xứng với nguồn ngân sách quá nhiều - 280 triệu euro/năm (khoảng 7.140 tỷ đồng) cho con số gần 3.000 người.

Thế cho nên, không ít lần, Cơ quan giám sát chi tiêu Pháp từng để nghị giảm quy mô lực lượng này. Có điều, lần nào cũng vấp phải kháng cự quyết liệt của cả chính phủ, lẫn người dân.

Chúng tôi nhìn mấy “ngự lâm quân” cưỡi ngựa sừng sững nơi nút giao thông công cộng ngoài sân vận động Stade de France, xe phóng vun vút mà ngựa cứ tỉnh bơ, thấy có gì đó hay hay. Cuộc sống hiện đại đôi lúc vẫn cần tái hiện những câu chuyện cổ tích đẹp đẽ.

Cái tên Vệ binh Cộng hòa có từ năm 1978, trước đó mang tên Vệ binh Cộng hòa của Paris (bắt đầu từ năm 1870). Trong lịch sử cận đại Pháp, lực lượng ngự lâm quân từng nhiều lần bị xóa phiên hiệu.

Vệ binh Cộng hòa hiện nay trực thuộc Sở Cảnh binh quốc nội. Bên cạnh chức năng bảo vệ, còn có nhiệm vụ tổ chức đón chào vinh danh các viên chức cao cấp của chính phủ, bảo và dân chúng tham dự khi có buổi lễ trang trọng. Ngoài ra, đoàn Vệ binh còn góp phần văn hóa khi sử dụng nhạc cụ trong hành trang kiến thức âm nhạc và những ngành đặc sắc khác mà họ được đào tạo thêm. Vệ binh còn có khả năng dạy học, cứu trợ và hợp tác trong hay ngoài nước. Sở cảnh binh Paris điều hành Vệ binh Cộng hòa gồm 3 trung đoàn: kỵ mã, bộ binh và chơi nhạc.

Để được tuyển vào làm kỵ mã, cô gái hay chàng trai đều phải cao ít nhất là 1m70. Ngựa được đặt mua ở các trang trại chuyên môn cung cấp giống tốt trong nước. Ngựa mua thường được 3 tuổi đời, theo kiểu mẫu định sẵn, cao từ 1mét 65 trở lên và có bộ lông tuyệt đẹp, màu sắc tự nhiên.

Hằng năm, Vệ binh kỵ mã cung cấp khoảng 500 công việc vinh danh chính quyền, từ đơn giản đến phức tạp. Công việc tuần tra bằng ngựa lên đến con số 10.000 cuộc mỗi năm, với 6 kỵ mã cùng đi chung trong vòng 80 nhiệm vụ phân bố trước. Đặc biệt, tính tình của ngựa phải thật "thuần", không gây sự rắc rối. Tại EURO năm nay, ước tính có đến 5.000 cuộc tuần hành bằng ngựa.

Ở Pháp, ngựa được đối xử đặc biệt. Đến 18 tuổi, các chú ngựa sẽ về hưu, được đối xử như “cán bộ”. Hằng năm, có nghìn lá đơn của người dân xin nuôi ngựa hưu. Tuy nhiên, đa số Vệ binh chủ nhân riêng của từng con ngựa thường hay lĩnh trách nhiệm nuôi chúng lúc về già. Khi những người này từ chối thì chính phủ mới cho dân đưa về chăm sóc. Người nhận nuôi không được bắt ngựa làm việc nặng nhọc và phải thông báo với chính quyền nếu ngựa qua đời.

Hữu Quý - Việt Sơn (P/v TTXVN từ Paris)
Hồi sinh “đứa con người thợ rèn”
Hồi sinh “đứa con người thợ rèn”

Lửa bùng lên và dầu đen sánh sôi xì xèo. Phía bên trong một công xưởng ở Đức, những người thợ thủ công nhẫn nại và tỉ mẩn rèn ra những lưỡi dao cạo sắc lẻm. Sức sống đang hồi sinh trở lại với ngành sản xuất ra những “đứa con người thợ rèn”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN