Sản lượng rượu vang toàn cầu đã đạt mức đỉnh vào năm 2004 khi cung vượt cầu khoảng 600 triệu thùng (1 thùng gồm 12 chai, tương đương với 9 lít) và đang trên đà sụt giảm kể từ đó đến nay. Điều này đồng nghĩa với việc thế giới đang đối mặt với nguy cơ thiếu rượu vang trong bối cảnh nhu cầu đã vượt hơn nhiều so với nguồn cung. Theo khảo sát mới đây của công ty nghiên cứu thuộc tập đoàn tài chính Morgan Stanley (Mỹ), nhu cầu đối với rượu vang đã vượt nguồn cung hơn 300 triệu thùng vào năm 2012. Đây là mức chênh lệch cung cầu lớn nhất trong 40 năm qua. Năm 2012 cũng đánh dấu là năm mà sản lượng rượu vang đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 40 năm trở lại đây.
Nguồn cung sụt giảm liên tục Nghiên cứu trên do hai nhà phân tích Tom Kierath và Crystal Wang của Morgan Stanley thực hiện cho hay lượng rượu vang tiêu thụ trên toàn cầu đã tăng kể từ năm 1996 (trừ sự sụt giảm trong giai đoạn 2008-09), và hiện ở mức khoảng 3 tỷ thùng/năm. Trong khi đó, hiện có hơn 1 triệu nhà sản xuất rượu vang trên toàn cầu với sản lượng khoảng 2,8 tỷ thùng/năm. Theo dự đoán của hai nhà phân tích này, về ngắn hạn, "lượng rượu vang tích trữ trong kho sẽ có thể giảm bớt khi lượng rượu vang tiêu thụ tiếp tục vượt hơn hẳn nguồn cung nhờ các vụ thu hoạch trong quá khứ".
Tình trạng thiếu hụt trên dự kiến còn nghiêm trọng hơn khi nhu cầu của Mỹ, quốc gia tiêu thụ rượu vang nhiều thứ hai thế giới sau Pháp, và Trung Quốc, nước nhập khẩu rượu vang lớn thứ 5 thế giới, gia tăng. Nhu cầu của Trung Quốc bắt đầu tăng mạnh trong 2 năm gần đây khi các hộ gia đình ở nước này trở nên giàu hơn. Lượng rượu vang tiêu thụ ở Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua và dự kiến lại tăng gấp đôi vào năm 2016 lên 400 triệu thùng, tương đương với con số tương ứng của Mỹ.
Theo ông David Dearie, Giám đốc điều hành công ty sản xuất rượu vang lớn thứ hai thế giới Treasury Wine Estates, nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc đối với rượu vang đỏ đang cho thấy những cơ hội hấp dẫn ở thị trường châu Á đối với các nhà sản xuất rượu vang. Tuy vậy, Trung Quốc không chỉ là quốc gia tiêu thụ mà còn là nước sản xuất rượu vang lớn trên thế giới. Báo cáo của Morgan Stanley cho hay mặc dù Trung Quốc sản xuất 180 triệu thùng/năm, song vẫn không thể đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Trung Quốc hiện nhập khẩu 20% lượng rượu vang tiêu thụ của nước này, chủ yếu là từ Pháp.
Sản lượng rượu vang toàn cầu không duy trì được nhịp độ tăng trưởng và có xu hướng giảm kể từ đầu thập niên 2000. Sản lượng rượu vang ở châu Âu - sản xuất 60% tổng lượng rượu vang toàn cầu - giảm khoảng 10% năm 2012 và giảm 25% kể từ mức đỉnh vào năm 2004. Trong khi đó, sản lượng rượu vang ở các nước "Thế giới mới" gồm Mỹ, Australia, Argentina, Chile, Nam Phi, New Zealand đã tăng đều đặn.
Với tình hình kinh tế chưa khởi sắc ở châu Âu, các nhà xuất khẩu ở "Thế giới mới" được coi là những đối tượng hưởng lợi nhiều nhất từ việc nhu cầu rượu vang gia tăng trên các thị trường xuất khẩu thế giới. Theo báo cáo trên, Pháp vẫn là quốc gia tiêu thụ rượu vang lớn nhất thế giới (chiếm 12% thị phần), song Mỹ (cũng chiếm 12% thị phần) "không kém cạnh". Hiện tại, Mỹ cùng với Trung Quốc, thị trường rượu vang lớn thứ 5 thế giới, được coi là những động lực chính thúc đẩy hoạt động tiêu thụ rượu vang trên toàn cầu trong giai đoạn hiện nay.
Le lói hy vọng Tuy vậy, ông Federico Castellucci, Tổng Giám đốc Tổ chức Nho và Rượu vang Quốc tế (OIV) - có trụ sở tại Paris (Pháp) với 45 quốc gia thành viên - mới đây lên tiếng khẳng định nguy cơ thiếu hụt rượu vang là không thể xảy ra khi cho biết sau nhiều năm sản lượng rượu vang sụt giảm thì năm 2013 là sự đảo chiều tích cực với việc lần đầu tiên cao hơn (dự kiến ở mức 12,8%) so với nhu cầu rượu vang toàn cầu.
Theo số liệu thống kê của OIV, sản lượng rượu vang toàn cầu trong năm 2013 dự kiến tăng 8,8% so với năm 2012 lên 281 triệu hectoliter (1 hectoliter = 100 lít), mức cao nhất trong 7 năm qua, khi sản lượng nho thu hoạch hồi phục ở Tây Ban Nha, Argentina và Pháp. Con số này cao hơn so với mức 258,2 triệu hectoliter năm 2012. Sau 5 vụ thu hoạch "khiêm tốn" liên tiếp và vụ thu hoạch kém bất ngờ trong năm 2012, sản lượng rượu vang toàn cầu trong năm 2013 có thể được coi là tương đối cao. Ông Castellucci nhận định, sản lượng rượu vang sụt giảm trong thời gian qua là do sản lượng thu hoạch nho thấp cộng với một số hoạt động tái cơ cấu trong ngành. Tổng diện tích trồng nho trên toàn cầu đã giảm 300.000 ha kể từ năm 2006.
Sản lượng rượu vang của Tây Ban Nha trong năm 2013 có thể tăng lên 40 triệu hectoliter, từ mức 32,5 triệu hectoliter sau khi các vườn nho khôi phục sản lượng sau thời kỳ hạn hán năm 2012. Argentina ước tính sản xuất 15 triệu hectoliter trong năm 2013, so với con số 11,8 triệu hectoliter năm 2012. Trong khi đó, sản lượng rượu vang của Pháp trong năm 2013 có thể tăng lên 44,1 triệu hectoliter, so với mức 32,5 triệu hectoliter. Sản lượng rượu vang của Italy trong năm 2013 dự kiến tăng lên 44,9 triệu hectoliter, so với con số 43,8 triệu hectoliter năm 2012, trong khi sản lượng rượu vang của Mỹ có thể tăng lên 22 triệu hectoliter, so với con số 20,5 triệu hectoliter.
Trong số những nước sản xuất rượu vang hàng đầu thế giới, Romania dự kiến đạt mức tăng sản lượng lớn nhất với 79% lên 5,94 triệu hectoliter sau một đợt nắng nóng năm 2012, tiếp theo là Hungary với mức tăng 44% lên 2,62 triệu hectoliter và New Zealand với mức tăng 28% lên 2,63 triệu hectoliter.
Italy là nước xuất khẩu rượu vang lớn nhất thế giới về khối lượng trong nửa đầu năm 2013 với 20,9 triệu hectoliter, tiếp theo là Tây Ban Nha với 17,3 triệu hectoliter và Pháp với 14,9 triệu hectoliter. Về giá trị xuất khẩu rượu vang, Pháp đứng đầu với 7,86 tỷ euro (10,8 tỷ USD), tiếp theo là Italy với 4,87 tỷ euro và Tây Ban Nha với 2,41 tỷ euro. Trong khi đó, Mỹ là nước nhập khẩu rượu vang lớn nhất thế giới với 4,04 tỷ euro, tiếp theo là Vương quốc Anh với 3,86 tỷ euro và Đức với 2,47 tỷ euro.
Anh Quân