Yannis Sinanidis, 34 tuổi, buồn bã thu xếp đồ đạc và tạm biệt căn hộ nằm giữa thủ đô Aten, nơi anh từng thoải mái tiệc tùng thâu đêm suốt sáng với bạn bè để trở về ngôi nhà nhỏ của bố mẹ. Anh chỉ là một trong rất nhiều thanh niên Hy Lạp bị mất việc và bất đắc dĩ phải quay về “ăn bám” gia đình.
Mười quốc gia châu Âu có tỉ lệ người thất nghiệp cao nhất năm 2012. Ảnh: Internet |
Cuộc sống tù túng, không công ăn việc làm đeo bám Sinanidis, một thợ cơ khí, suốt ba năm nay. Chính bản thân anh cũng không biết mình sẽ sống với hai vị phụ huynh đã nghỉ hưu đến khi nào. Suy thoái kinh tế kéo dài chính là lí do khiến tỉ lệ người thất nghiệp tại Hy Lạp leo thang tới mức kỷ lục - hơn 26% tính đến cuối năm 2012. Trong đó, khoảng 30% thanh niên ở độ tuổi từ 25 đến 34 không có việc làm, phải ‘sống bám’ gia đình.
Theo số liệu mới nhất, Hy Lạp hiện đang xếp thứ tư trong các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) về số lượng thanh niên sống phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình do không thể tự chi trả các khoản sinh hoạt cá nhân, tiền thuê nhà và dịch vụ khác. Cụ thể, tỉ lệ thất nghiệp của đối tượng thanh niên dưới 25 tuổi ở Hy Lạp vào tháng 10/2012 là 57,6%.
Suy thoái kinh tế đã khiến Sinanidis trở thành người thất nghiệp với một tương lai mờ mịt. Cách đây 10 năm, sau khi ra trường và tìm được việc làm tại một công ty tư nhân, Sinanidis đã thuê một căn hộ nhỏ để chuyển ra sống tự lập. Thời điểm đó, anh có thể tự thanh toán mọi khoản chi phí cá nhân mà vẫn còn dư dả để đi du lịch khắp châu Âu và mơ mộng tới một mái ấm riêng trong tương lai. “Với 1.400 euro kiếm được mỗi tháng, tôi từng có một cuộc sống khá dễ chịu. Tôi có thể thoải mái mời bạn bè đến chơi tại căn hộ rộng 45 m2 của mình. Đó là cuộc sống hoàn toàn tự tung, tự tác”, anh Sinanidis chia sẻ.
Thanh niên Hy Lạp đang sống phụ thuộc rất nhiều vào bố mẹ vì không có khả năng tự chi trả cho bản thân. |
Thế nhưng cuộc sống tự do mơ ước của anh lại sớm sụp đổ vài tháng ngay sau khi Hy Lạp lâm vào cuộc khủng hoảng nợ công khiến chính phủ và người dân chao đảo. Mất việc vì công ty cắt giảm nhân lực, khoản tiền dành dụm cũng bốc hơi nhanh chóng khiến người đàn ông chưa vợ này phải trả lại căn hộ đang thuê, bởi ngay cả 100 euro tiền bảo hiểm xã hội mỗi tháng anh cũng không thể tự mình xoay sở.
Đồng cảnh ngộ với anh Sinanidis và hơn 1.000 người Hy Lạp bị mất việc mỗi ngày, chị Eleni Vlachopoulou từng tốt nghiệp đại học ngành du lịch và có công việc ổn định tại một khách sạn cho tới dịp lễ năm mới vừa rồi. Thế nhưng bây giờ, cả gia đình bốn người chỉ trông chờ vào khoản tiền trợ cấp thất nghiệp 360 euro/tháng từ chính phủ. Cô gái 28 tuổi tâm sự: “Phải để bố mẹ lo lắng cho từng khoản chi tiêu nhỏ khiến tôi trở nên suy sụp. Ở độ tuổi này, tôi muốn được sống tự lập trên chính đôi chân mình”.
Do chính sách “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ, các doanh nghiệp đã sa thải hàng loạt nhân viên, người lao động để giảm tải chi phí và có thể chống đỡ bên bờ vực phá sản. Do vậy, cơ hội để người dân có thể tìm được công việc mới có thu nhập trên mức tối thiểu 600 euro/tháng còn rất xa vời. Trong khi đó, nếu muốn thuê nhà ở riêng họ phải bỏ ra trung bình 400 euro/tháng cho một căn hộ khoảng 50 m2 trong thành phố.
Mặc dù chính phủ Hy Lạp đã nới rộng chính sách trợ cấp xã hội cho nhiều đối tượng và phía người dân cũng nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế nhưng với những người thất nghiệp như anh Sinanidis và chị Vlachopoulou thì họ không trông đợi nhiều vào những biện pháp cứu trợ ngắn hạn này.
Dù không thể tiếp tục theo đuổi cuộc sống tự do trong mơ, Sinnanidis và Vlachopoulou vẫn còn may mắn hơn vô số thanh niên Hy Lạp không còn người thân, họ hàng để nương tựa. Vlachopoulou bộc bạch: “Không thể phủ nhận rằng, trong hoàn cảnh bí bách như thế này, gia đình vẫn là nơi lí tưởng nhất để tôi tìm về”.
Hoàng Trang