Mẹ của một nạn nhân làm việc với cảnh sát quốc gia Thái Lan ngày 25/4 tại Bangkok. Ảnh: AFP
|
Theo AFP, có vẻ như ai cũng biết “truyền thống” tiếp đón quan chức này nhưng nó hiếm khi được thảo luận công khai, nhưng theo ông Booyarit Nipavanit, một quan chức huyện ở Mae Hong Son, “truyền thống này đã có từ lâu”.
“Khi các nhóm quan chức cấp cao tới dự hội thảo hay công tác, có một truyền thống ‘tiếp đãi’ họ, tức là mời họ ăn, và ‘trải thảm ra’ có nghĩa là mang các cô gái tới. Đôi khi chúng tôi còn nhận được thông tin về kiểu con gái mà họ thích… Đôi khi chính quyền địa phương phải chuẩn bị 5-10 cô để một quan chức chọn lựa”, ông Booyarit Nipavanit nói tiếp.
Tuy nhiên, gần đây ông Boonyarit đã thoải mái nói về “truyền thống” tiếp đón quan chức bê bối nói trên sau khi nhà chức trách mở cuộc điều tra 41 trường hợp liên quan tới đường dây mại dâm do cảnh sát điều hành tại tỉnh Mae Hong Son.
Vụ bê bối bị phanh phui sau khi mẹ của một thiếu nữ 17 tuổi đến Bangkok để tố cáo rằng con gái bà và các thiếu nữ khác bị tống tiền bắt làm gái mại dâm và bị ép buộc “mua vui” cho cảnh sát và quan chức cấp cao. Bà mẹ này cho biết một số nạn nhân bị những kẻ cầm đầu đường dây buôn người xăm hình cú lên người để đánh dấu quyền sở hữu.
Dưới sức ép của truyền thông, cảnh sát quốc gia Thái Lan đã bắt giữ một trung sĩ cảnh sát tỉnh Mae Hong Son với cáo buộc mua bán các cô gái vào đường dây mại dâm và buộc tội 8 cảnh sát khác vì quan hệ tình dục với các thiếu nữ. 5 quan chức tỉnh miền trung Nonthaburi cũng bị buộc tội dùng công quỹ thuê các thiếu nữ trong một chuyến công tác tới Mae Hong Son.
“Khi vụ việc vỡ lở, chính quyền địa phương cảm thấy nhẹ nhõm vì từ nay không phải làm việc này nữa”, ông Boonyarit nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia nghiên cứu về nạn buôn người cho biết truyền thống này không chỉ có ở Mae Hong Son.
“Chúng tôi không có hệ thống chọn người tài nên chúng tôi phải hối lộ sếp”, cây bút Lakkana Punwichai chuyên viết về các vấn đề xã hội của Thái Lan nói. Bà Punwichai nói thêm rằng vấn nạn thết đãi thiếu nữ cho các quan chức cấp cao bắt nguồn từ “văn hóa coi phụ nữ là món đồ chứ không phải con người”.
Nhiều nạn nhân của nạn buôn bán tình dục quá sợ hãi, không dám tố cáo những người nắm trong tay quyền lực, đặc biệt ở những khu vực xa xôi như Mae Hong Son.
Tại Mae Hong Son, cảnh sát địa phương ban đầu đã tìm mọi cách bịt miệng mẹ của nạn nhân nói trên. Hiện người này đang được chính phủ bảo vệ ở Bangkok.
Trước vụ bê bối ở Mae Hong Son, Bộ Phát triển xã hội Thái Lan cho biết sẽ “làm gương” bằng cách chống lại vấn nạn thết đãi quan chức bằng tình dục. Cảnh sát chống buôn người Thái Lan cũng cam kết đẩy mạnh trấn áp nạn buôn bán phụ nữ làm gái mại dâm.
Tuần trước, lực lượng đặc nhiệm Thái Lan đã bắt giữ 3 quan chức ở tỉnh Nakhon Ratchasima ở Đông Bắc Thái Lan với cáo buộc quan hệ tình dục với các thiếu nữ vị thành niên, trong đó một số nạn nhân mới chỉ 14 tuổi. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng đây mới chỉ có các quan chức cấp thấp bị trừng phạt.
"Sau khi cảnh sát giải cứu các thiếu nữ, họ không bao giờ mở rộng vụ án. Họ không bao giờ điều tra rộng hơn về việc khách hàng là những ai", ông Ronnasit Proeksayajiva thuộc tổ chức phi lợi nhuận chống buôn người Nvader nói.