Tại sao quan chức Trung Quốc tránh xài sang

Chiến dịch chống tham nhũng lớn “đả hổ diệt ruồi” của Trung Quốc được Chủ tịch Tập Cận Bình khởi động 3 năm trước đã có ảnh hưởng không ngờ tới ngành kinh doanh hàng hiệu ở nước này.

Những cửa hiệu ngọc trai đắt đỏ ở thủ đô Bắc Kinh hiện rất vắng khách.

Kinh doanh hàng xa xỉ thất thu


Những người có chức vụ trong chính phủ Trung Quốc nhận ra rằng nếu bản thân và gia đình họ đeo đồ trang sức đắt tiền, đi xe sang hay xuất hiện ở các casino thì thật không hay. Và kết quả là hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng xa xỉ đang phải hứng chịu hậu quả.

Khoảng 10 năm trước, Jane vào làm việc tại một cửa hàng bán ngọc trai đắt đỏ ở thủ đô Bắc Kinh. Cửa hàng luôn đông đúc khách mua hàng. Ngọc trai chất “hàng núi” trên tủ kính, nhiều tới mức nhân viên không có thời gian nhặt những viên ngọc trai rơi xuống sàn nhà vì bận rộn tiếp khách.

Vậy mà hiện giờ, cửa hàng không có ai ghé qua. Và không chỉ có cửa hàng này mà tất cả các cửa hàng bán ngọc trai ở khu vực cũng đều “ế ẩm”.

Khi được hỏi vì sao lại có tình trạng này, Jane thở dài và chỉ ra ngoài cửa sổ: “Hãy nhìn bên ngoài kìa. Khách du lịch biến mất. Họ sợ ô nhiễm không khí”. Người phụ nữ đang mang thai 8 tháng nói tiếp: “Nhưng đó không phải điều tồi tệ nhất. Khách Trung Quốc thường mua sắm nhiều nhất. Quan chức chính phủ mua những viên ngọc trai quý nhất làm quà. Nhưng hiện giờ, họ sợ ông Tập (Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình)”. Jane chia sẻ thêm: “Trong suốt chiến dịch chống tham nhũng, chẳng ai muốn bị nhìn thấy đeo trang sức đắt tiền”.

Tuần trước, một báo cáo của cơ quan chức năng Trung Quốc được công bố cho thấy chỉ riêng trong năm ngoái, khoảng 300.000 quan chức nước này bị xử phạt vì tham nhũng. Con số này bao gồm 80.000 người nhận “hình phạt nặng”.

Chiến dịch chống tham nhũng diễn ra nội bộ, nên có rất ít thông tin về danh tính của những quan chức này, họ đã làm sai những gì, lĩnh hậu quả gì. Tuy nhiên, chiến dịch này lại dẫn tới những hậu quả rõ ràng hơn. Có vẻ như các quan chức Trung Quốc lo sợ bị “sờ gáy” nên chi tiêu vào sản phẩm xa xỉ đã sụt giảm.

Ngoài những “nạn nhân” như cửa hiệu ngọc trai của cô nhân viên Jane nói trên, các sòng bạc cũng đang hứng chịu tổn thất. Tại Macau, nơi được mệnh danh là Las Vegas của phương Đông, lợi nhuận đã sụt giảm 20% trong năm ngoái – tất cả có thể do những quan chức giàu có ngại lui tới.

BBC trích lời một người quan sát am hiểu về tình hình Trung Quốc nói: “Tôi không nghĩ chiến dịch này sẽ tạo ra sự thay đổi về số lượng quan chức phạm pháp. Những người bên ngoài Trung Quốc đang hiểu nhầm về chiến dịch này”. Người quan sát giấu tên này nhận định ông Tập Cận Bình không phải đang cố gắng trừng phạt quan tham, mà đang tạo ra “thật nhiều những quan chức biết vâng lời để thi hành các chính sách của mình”. Đây là một nỗ lực nhằm đảm bảo sự trung thành ở mọi cấp độ trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc của ông Tập Cận Bình - từ các cấp cao ở Bắc Kinh, cho tới những ngôi làng hẻo lánh nhất, cũng như các đế chế tài chính của chính phủ. Các công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc, quân đội và các ngân hàng lớn đều đã bị thanh tra tham nhũng. Ngay cả cơ quan chống tham nhũng cũng có thanh tra nội bộ riêng.

 Những thang máy ngầm

Tuy vậy, những thứ tưởng đã biến mất vẫn đang diễn ra đằng sau những cánh cửa đóng kín. Để đáp ứng những nhu cầu xa xỉ của những người có thế lực, những cửa hiệu, nhà hàng “bí mật” mọc lên. Ở tầng trệt, những nhà hàng này trông như những quán trà tồi tàn nhưng ở các tầng trên mới là nơi thực sự diễn ra những buổi tiệc linh đình. Các món hàng xa xỉ vẫn phổ biến, chỉ có điều chúng được giao dịch một cách kín đáo hơn.

Nhà bình luận Celia Hatton nói rằng bà đã luôn choáng ngợp trước một loạt cửa hàng đắt tiền gần nhà ở Bắc Kinh. Đó là một khu mua sắm ngoài trời, đầy đủ các nhãn hàng châu Âu, nhưng dường như luôn vắng vẻ và hầu như không có ai ra vào. Cho đến một ngày, bà Hatton bất ngờ khi bước vào một bãi đỗ xe ngầm phía dưới trung tâm này. Bãi đỗ xe lấp đầy bởi những chiếc xe BMW, Lamborghini, một hoặc hai chiếc Roll Royce. Và đằng sau những chiếc xe đó là những thang máy cá nhân. Mỗi cửa hàng có thang cuốn riêng, cho phép khách hàng không bị dòm ngó như khi đi vào bằng cửa chính.

Khi Hatton hỏi một chuyên gia Trung Quốc rằng ông nghĩ khi nào chiến dịch tham nhũng kết thúc, ông trả lời: “Nó sẽ không kết thúc cho đến khi Chủ tịch Tập Cận Bình cảm thấy hoàn toàn nắm kiểm soát. Ông Tập Cận Bình có những quan chức dưới quyền thân tín nhưng cũng có một số người ghét ông và muốn ông ấy thất bại. Và nếu điều đó xảy ra, tham nhũng sẽ trở lại…”

Và khi đó, những thang máy ngầm ở bãi đỗ xe như nói trên sẽ không còn cần thiết nữa.
Trần Minh (Theo BBC)
Cơn sốt trường quốc tế ở châu Á
Cơn sốt trường quốc tế ở châu Á

Sau nhiều năm thương thảo, Cộng đồng kinh tế các nước ASEAN (AEC) đã chính thức được hình thành và đi vào hoạt động từ ngày 31/12/2015. Đi kèm với nó là việc tiếng Anh được công nhận là ngôn ngữ chính sử dụng trong khối kinh tế AEC, kéo theo nhu cầu học ngôn ngữ phổ biến này ngày một cao tại châu Á và việc nở rộ các trường học quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN